Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Hải Dương: Đầu tư công nghệ, phát triển bền vững.

thiet-bi.jpg
Sản xuất linh kiện dẫn đầu trong ngành công nghiệp hỗ trợ của Hải Dương

Sản xuất linh kiện chiếm ưu thế

Hiện tại, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại Hải Dương tập trung vào ngành then chốt như sản xuất linh kiện ô tô, thiết bị điện tử, cơ khí chính xác và vật liệu công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh tay đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, ứng dụng công nghệ 4.0 và đẩy mạnh tự động hóa nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Điển hình là Công ty TNHH Công nghệ Nissei Việt Nam ở khu công nghiệp Phúc Điền (Cẩm Giàng). Doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư từ Nhật Bản này đã hoạt động tại Hải Dương 16 năm. Công ty không ngừng đổi mới công nghệ sản xuất linh kiện và cụm linh kiện phục vụ sản xuất các thiết bị liên lạc đa chức năng, máy in, máy fax. Hiện tại, thu nhập bình quân của người lao động đạt 10 triệu đồng/tháng. Cán bộ và công nhân có tay nghề cao thường xuyên được cử đi học tập nước ngoài và đóng góp nhiều sáng kiến hữu ích vào sản xuất. Đến nay, doanh nghiệp liên kết sản xuất, cung cấp linh kiện điện tử, thiết bị liên lạc đa chức năng đến nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là là thị trường Mỹ.

Công ty TNHH Điện tử Iriso Việt Nam ở khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng) cũng là một ví dụ tiêu biểu. Doanh nghiệp chuyên sản xuất các bộ phận kết nối cho ô tô, thiết bị điện tử và cơ khí chính xác. Với sự đồng hành của các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương trong việc cập nhật thông tin thị trường và chính sách pháp luật, Iriso Việt Nam đã áp dụng thành công các giải pháp khoa học, công nghệ trong sản xuất. Những vấn đề liên quan đến hạ tầng giao thông, nguồn điện chưa ổn định hay các vướng mắc hành chính đều được các cơ quan chức năng của tỉnh giải quyết nhanh chóng, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Doanh thu của doanh nghiệp tăng đều qua các năm, thu nhập người lao động từ vùng 7 triệu đồng/người/tháng (năm 2021) đến bình quân 9,5 triệu đồng/người/tháng (thời điểm hiện tại). Sản phẩm của doanh nghiệp ban đầu chỉ cung cấp đến 3 quốc gia thì nay đã cung cấp rộng rãi hơn tới hơn chục quốc gia, chủ yếu là Nhật Bản và các nước châu Âu.

Đại diện chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Phúc Điền cho biết, hiện nay doanh nghiệp hỗ trợ trong khu chiếm khoảng 40%, tăng khoảng 20% so với 3 năm trước. Phát triển công nghiệp hỗ trợ hiện tại là thế mạnh ở Hải Dương, vì thế thời gian qua khu công nghiệp này cũng thu hút thêm nhiều doanh nghiệp thứ cấp (đa số là doanh nghiệp nước ngoài) đầu tư nhà xưởng để sản xuất cung ứng nguyên vật liệu, khuôn mẫu, vật liệu và linh kiện sản xuất.

Đầu tư công nghệ

dau-tu.jpg
Các khu công nghiệp ở Hải Dương tiếp tục thu hút thêm nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam (khu công nghiệp Đại An, TP Hải Dương) là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ điện tử ở Hải Dương. Doanh nghiệp luôn đặt mục tiêu đổi mới công nghệ lên hàng đầu. Mỗi năm doanh nghiệp đầu tư hàng tỷ đồng vào máy móc hiện đại không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tối ưu hóa chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, việc xây dựng mối quan hệ lâu dài với đối tác và khách hàng cũng là chìa khóa để doanh nghiệp “sống khỏe”, bền vững.

Trong năm 2024, Công ty TNHH Công nghệ Nissei Việt Nam đã đầu tư 5 tỷ đồng xây dựng phòng thí nghiệm khuôn mẫu và công nghệ đúc ép phun tại Trường Đại học Bách khoa (Hà Nội) để phục vụ sản xuất.

Ngoài đầu tư về công nghệ, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ luôn coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc thường xuyên tổ chức các khóa học nâng cao kỹ năng cho nhân viên, đào tạo nội bộ, từ đó tạo động lực và giữ chân lao động giỏi. Đặc biệt, trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, việc này giúp các công ty ổn định và giữ vững vị thế cạnh tranh.

Anh Đào Tiến Sơn, cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Công nghệ Nissei Việt Nam cho biết: “Làm việc trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì. Tôi cảm thấy tự hào vì công việc của mình góp phần làm ra những sản phẩm mang tầm cỡ quốc tế. Chúng tôi được cung cấp đầy đủ bảo hộ lao động, môi trường làm việc an toàn và chế độ đãi ngộ tốt”.

Để thu hút và phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, Hải Dương đang tập trung phát triển liên kết chiến lược giữa các ngành cơ khí chế tạo, điện, điện tử, hóa chất, và hóa dược. Tỉnh đặt mục tiêu sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như thiết bị cảm biến, chip điện tử, vi mạch và ô tô điện, với tỷ lệ nội địa hóa đạt 60 – 70%.

UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt Đề án “Phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”. Quyết định số 19/2023/QĐ-UBND ngày 25/5/2023 của UBND tỉnh cũng đã ban hành quy định về mức chi cho các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Hải Dương và một số nội dung về chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.

Trong tương lai, ngành công nghiệp hỗ trợ của Hải Dương hứa hẹn sẽ không chỉ tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của khu vực.

Theo Sở Công thương, Hải Dương hiện có hơn 300 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tăng khoảng 15% so với giai đoạn trước. Trong số đó có 75 doanh nghiệp cơ khí chế tạo, 80 doanh nghiệp điện – điện tử; 78 doanh nghiệp nhựa, cao su, hóa chất; 55 doanh nghiệp dệt may – da giày… Tại các doanh nghiệp hỗ trợ, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 10 triệu đồng/người/tháng, tăng khoảng 2,5 triệu đồng/người/tháng so với các ngành công nghiệp khác.

Giai đoạn 2021-2024, ngành công nghiệp hỗ trợ đóng góp 18% vào tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đạt mức 78.900 tỷ đồng mỗi năm. Các lĩnh vực chủ lực bao gồm cơ khí và luyện kim (41%), điện – điện tử (19,9%), còn lại là dệt may, da giày và các ngành khác.

MINH TRANG

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *