IMF: Bơm thêm tài sản dự trữ để vượt qua khủng hoảng nợ – Giải pháp cần thiết cho quốc gia

Nhiều quốc gia đang đối mặt với khủng hoảng nợ, khiến khoảng 3,3 tỷ người phải trả lãi vay nhiều hơn khoản chi cho y tế, và 2,1 tỷ người trả lãi vay nhiều hơn khoản chi cho giáo dục.

Trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại và nhiều quốc gia đang phát triển đối mặt với khủng hoảng nợ, một số nhà kinh tế cho rằng các nước trên thế giới cần một đợt bơm thêm tài sản dự trữ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), để vượt qua những khó khăn ngặt nghèo hiện nay.

Cây đũa thần

Tháng 8/2021, IMF đã cung cấp 209 tỷ USD cho các nước đang phát triển dưới hình thức quyền rút vốn đặc biệt (SDR) – tài sản dự trữ của IMF.

SDR hoạt động tương tự tiền mặt, khi cho phép các chính phủ nhận được chuyển đổi chúng sang các loại tiền tệ mạnh. Nhờ đó, SDR là công cụ hiệu quả và các chuyên gia nhận định IMF nên sử dụng công cụ này nhiều hơn.

Đợt phát hành năm 2021 không chỉ hỗ trợ hàng tỷ người trên thế giới mà còn mang lại lợi ích cho hàng trăm nghìn người dân Mỹ. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ sang các nước đang phát triển đạt khoảng 1.000 tỷ USD, và khi các quốc gia này nhận được thêm nguồn vốn, họ có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn.

Theo chuyên gia Joseph E. Stiglitz, người từng đoạt giải Nobel kinh tế, tác động của việc phân bổ của IMF có thể rất đáng kể. Một đợt phân bổ SDR tương đương với đợt phát hành năm 2021 dự kiến sẽ tạo ra số lượng việc làm tại Mỹ trong một năm tương đương với Đạo luật Giảm lạm phát trị giá 740 tỷ USD trong năm đầu tiên. Ước tính, sẽ có khoảng 111.000 đến 191.000 việc làm mới, chủ yếu trong các lĩnh vực liên quan đến xuất khẩu như sản xuất, vận tải và kho bãi.

Trên thực tế, số việc làm được tạo ra có thể còn lớn hơn, vì cần tính đến vai trò của SDR trong việc ổn định các nền kinh tế đang phát triển. Tác động này sẽ càng quan trọng hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có dấu hiệu chậm lại. Tốc độ tăng trưởng toàn cầu đã giảm mạnh kể từ lần phân bổ SDR gần nhất, khi xuống còn một nửa so với mức kỷ lục 6,6% của năm 2021.

Không chỉ vậy, việc phát hành thêm SDR còn có thể giúp các quốc gia đang gặp khó khăn về ngân sách sau đại dịch COVID-19 thực hiện những khoản đầu tư cần thiết để giảm thiểu tác động của tình trạng Biến đổi Khí hậu.

Ngoài ra, nhiều quốc gia đang đối mặt với khủng hoảng nợ, khiến khoảng 3,3 tỷ người phải trả lãi vay nhiều hơn khoản chi cho y tế, và 2,1 tỷ người trả lãi vay nhiều hơn khoản chi cho giáo dục. Điều này cho thấy thế giới đang rất cần một đợt phát hành SDR mới.

Tuy nhiên, theo quy tắc của IMF (được thiết lập từ năm 1944), tổ chức này không theo nguyên tắc “một quốc gia, một phiếu bầu.” Thay vào đó, Mỹ có 16,5% số phiếu, và mọi quyết định phát hành SDR mới đều cần 85% phiếu ủng hộ. Bộ Tài chính Mỹ, đại diện cho Mỹ tại IMF, có quyền phủ quyết.

Đồng USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tiếng nói quyết định

Để có một đợt phát hành SDR mới, Mỹ cần lên tiếng ủng hộ. Các chuyên gia dự báo chính phủ của ông Donald Trump có thể ủng hộ một đợt phát hành SDR mới, khi động thái này sẽ tạo ra việc làm tại Mỹ. Nếu quá trình này diễn ra nhanh chóng, SDR có thể được phân bổ sớm nhất vào tháng Tư.

Các tổ chức lao động Mỹ đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc phát hành SDR mới, và các công ty tài chính ở Phố Wall cũng có lợi ích lớn trong vấn đề này. Các công ty tài chính Mỹ đang nắm giữ hàng chục tỷ USD trái phiếu chính phủ của những nước đang phát triển có nguy cơ vỡ nợ, và việc bơm thêm tiền mặt vào các nền kinh tế này có thể giúp họ tránh được những khoản lỗ tiềm tàng.

Do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, các trái phiếu nói trên đang đối mặt với rủi ro cao hơn so với 3 năm trước. Hơn nữa, việc phát hành SDR mới sẽ không gây ra bất kỳ chi phí nào cho ngân sách Mỹ, tương tự như đợt phát hành năm 2021.

Quan trọng nhất, một đợt phân bổ SDR mới sẽ có tác động lớn đến các nước đang phát triển. Trên toàn cầu, 282 triệu người có nguy cơ mất an ninh lương thực, tăng so với mức 135 triệu người trước đại dịch COVID-19 và 258 triệu người vào năm 2022. Lượng dự trữ tăng thêm từ SDR mới sẽ tạo điều kiện cho các nước nhập khẩu thêm lương thực và thuốc men, đồng thời đầu tư vào cơ sở hạ tầng y tế và trang thiết bị cần thiết.

Năm 2021, đợt phát hành SDR trị giá 209 tỷ USD đã vượt tổng viện trợ phát triển chính thức mà các nước đang phát triển nhận được trong năm đó. Việc phát hành SDR có thể cứu sống hàng trăm nghìn người trên toàn thế giới, và không giống như hầu hết các khoản viện trợ, nó không kèm theo nợ nần và điều kiện ràng buộc.

Theo các nhà kinh tế, kể cả tại Bộ Tài chính Mỹ, không có lý do thuyết phục nào cho thấy việc phát hành SDR mới sẽ mang lại rủi ro tiêu cực đáng kể. Đánh giá của chính IMF cũng cho thấy đợt phát hành trước đã “góp phần vào sự ổn định tài chính toàn cầu” và “không có bằng chứng cho thấy việc phân bổ này gây ra lạm phát toàn cầu.”

Ông Joseph E. Stiglitz cho rằng Chính phủ Mỹ nên lắng nghe ý kiến của các nhà kinh tế và khởi động việc phát hành SDR mới./.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *