Ông Nguyễn Văn Lộc – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi đối thoại.
Chương trình nhằm tạo diễn đàn để người dân và cơ quan quản lý Nhà nước cùng trao đổi, lắng nghe và phản hồi các ý kiến, nguyện vọng của cử tri đối với thực trạng và tiềm năng phát triển của các nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh hiện nay. Qua đó, góp phần giải quyết kịp thời các vấn đề thực tiễn đặt ra, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân tỉnh nhà.
Cần có chính sách bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống
Trong không khí cởi mở, các cử tri đã thẳng thắn trao đổi, chia sẻ bày tỏ ý kiến, kiến nghị, tập trung vào các vấn đề: Đánh giá công tác quản lý nhà nước đối với các nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh hiện nay; nhận định những thuận lợi, khó khăn, tồn tại và làm rõ các nguyên nhân hạn chế, khó khăn trong phát triển các nghề truyền thống tại địa phương; những định hướng, giải pháp của tỉnh đối với sự phát triển các nghề truyền thống trong lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Toàn cảnh Chương trình
Bà Võ Thị Thanh Hương – Đại biểu HĐND tỉnh đặt câu hỏi: “Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07/7/2022 phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030, đề nghị Sở NN&PTNT cho biết tỉnh đã triển khai thực hiện chương trình này như thế nào để có thể vừa bảo tồn và phát triển vừa tạo điều kiện khơi dậy các tiềm năng phát triển của các nghề truyền thống của Bình Dương trong thời gian tới?”
Về vấn đề này, ông Hồ Trúc Thanh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thực hiện Quyết định 801 của Chính phủ, UBND tỉnh chỉ đạo Sở tham mưu phối hợp các địa phương xây dựng dự thảo kế hoạch đồng thời rà soát đánh giá lại hiện trạng làng nghề nông thôn, trên cơ sở các tiêu chí để có các chính sách hỗ trợ cho nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh tổ chức công nhận nghệ nhân, thợ giỏi. Thời gian tới, Sở phối hợp tham mưu cơ chế chính sách đào tạo nghề làm duy trì phát huy những giá trị, tinh hoa, sáng tạo của nghệ nhân, lưu giữ ngành nghề truyền thống. Đồng thời phối hợp Sở Công Thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát triển du lịch gắn với nghề truyền thống, đưa sản phẩm nghề truyền thống vươn ra thị trường thế giới.
Các cử tri đặt câu hỏi tại Chương trình
Trả lời câu hỏi của cử tri tại phường Tương Bình Hiệp, TP. Thủ Dầu Một qua đường dây nóng về các chính sách, chương trình hỗ trợ để giữ gìn nghề, truyền nghề cũng như thu hút người lao động trẻ quan tâm tham gia học các nghề truyền thống, ông Phạm Văn Tuyên – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay việc đào tạo các ngành nghề truyền thống chủ yếu qua truyền nghề từ các nghệ nhân lớn tuổi. Theo quy định hiện hành chưa có chính sách cụ thể đối với các ngành nghề truyền thống. Tuy nhiên trong danh mục ngành nghề đào tạo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành có những danh mục ngành nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội lại có nhu cầu. Trong đó có 3 nhóm nghề là nghề sơn mài, nghề điêu khắc và kỹ thuật điêu khắc cổ. Khi học các ngành nghề này người học được miễn học phí.
Ngoài ra, trong thời gian tới Sở tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách để thu hút những người học các ngành nghề truyền thống. “Riêng góc độ Sở, chúng tôi sẽ tiếp tục công tác truyền thông, làm sao để thu hút nhiều người tham gia học nghề nói chung, và đặc biệt là các nghành nghề truyền thống. Đồng thời phải nâng cao chất lượng đào tạo, thông qua việc nâng cao chất lượng đào tạo sẽ tiếp tục thu hút nhiều người vào học. Đặc biệt là đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và đào tạo theo chương trình yêu cầu mà hiện nay các sản phẩm hàng hoá của doanh nghiệp đang cần để sản xuất. Để công tác thu hút người học này có hiệu quả, cần phải chú trọng vấn đề giải quyết việc làm sau đào tạo. Do đó, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với hiệp hội các ngành hàng, cũng như các doanh nghiệp sản xuất các ngành hàng truyền thống này, để đảm bảo người học sau đào tạo có việc làm và có được thu nhập xứng đáng”, ông Tuyên cho biết thêm.
Lãnh đạo các sở ngành trả lời câu hỏi của cử tri
Chủ trương chung của tỉnh di dời các cơ sở sản xuất ở khu vực phía Nam lên phía Bắc, kể cả đối với các cơ sở nghề truyền thống. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc vừa có thể duy trì sản xuất cho các cơ sở, vừa có thể bảo tồn và gìn giữ nghề truyền thống. Cử tri Huỳnh Văn Bình (TP.Tân Uyên) đặt vấn đề định hướng giải pháp của tỉnh thực hiện công tác di dời để đảm bảo hài hòa giữa hai yếu tố trên.
Bà Nguyễn Thanh Hà – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, để thực hiện cái công tác di dời, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở ngành chuẩn bị một số nội dung. Cụ thể, xây dựng tiêu chí di dời, trên cơ sở tiêu chí này sẽ có những tiêu chí cụ thể để thực hiện công tác di dời và chuyển đổi công năng. Và đối với ngành nghề truyền thống, Sở cũng sẽ tham mưu đề xuất có những tiêu chí đặc biệt để làm sao cho các ngành nghề truyền thống, gốm sứ, cũng như sơn mài điêu khắc được tiếp tục phát triển và bảo tồn.
Để thực hiện được công tác di dời này hiệu quả phải có chính sách cụ thể. Hiện nay Sở Công Thương đang phối hợp với các sở ngành, thành viên các Ban chỉ đạo tham mưu xây dựng một số các chính sách, sau khi chính sách được HĐND tỉnh ban hành nghị quyết, Sở sẽ triển khai thực hiện để hỗ trợ cho các doanh nghiệp di dời.
Sở Công Thương cũng phối hợp với các địa phương rà soát và lên phương án phát triển các cụm công nghiệp tích hợp vào quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050. Sau khi quy hoạch của tỉnh được phê duyệt, sẽ triển khai thực hiện các cụm công nghiệp để phục vụ cho công tác di dời của các doanh nghiệp. Ưu tiên hàng đầu là chính sách hỗ trợ về giá thuê đất…
Xây dựng “chỗ đứng” cho các sản phẩm làng nghề
Các làng nghề không chỉ đơn thuần sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa mà còn là nơi bảo tồn, lưu giữ những tinh hoa nghệ thuật, truyền từ đời này sang đời khác, với những sản phẩm vừa mang bản sắc riêng vừa thể hiện nét độc đáo của cả dân tộc. Để khơi dậy những tiềm năng giúp lưu giữ và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống, theo TS. Phạm Lan Hương – Giảng viên chính của trường Đại học Văn hoá TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương cần đánh giá các giải pháp đang triển khai, đang thực hiện để xem giải pháp nào hiệu quả sẽ tiếp tục đẩy mạnh, những giải pháp nào chưa thực sự phù hợp thì bỏ qua. Bên cạnh đó, cần chú trọng về con người, con người ở đây là các chủ thể sáng tạo, chủ thể văn hoá, những người tạo ra các sản phẩm từ các làng nghề thủ công truyền thống, những người đã gìn giữ và trao truyền cho các thế hệ trong tương lai, chính vì vậy cần chú trọng trong việc tôn vinh, công nhận nghệ nhân. Bên cạnh đó không thể nào thiếu đi sự quan tâm đối với các chủ thể sáng tạo trẻ trong việc khuyến khích các bạn đam mê với nghề, với làng nghề và với các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh.
TS. Phạm Lan Hương – Giảng viên chính của trường Đại học Văn hoá TP. Hồ Chí Minh đóng góp các giải pháp cho tỉnh trong việc gìn giữ bảo tồn các nghề truyền thống
Bà Hương nhấn mạnh: “Vai trò cộng đồng là không thể thiếu được, chính vì vậy trong toàn bộ các giải pháp, trong toàn bộ quá trình phối kết hợp các bên liên quan để thực thi các chủ trương, các chính sách, các đề tài dự án, chúng ta nên chú trọng đến vai trò tham gia của cộng đồng. Ngoài ra, phải phát huy vai trò của các bên trung gian của các hiệp hội, Trung tâm xúc tiến du lịch, các sở, ban ngành trong việc kết nối với các doanh nghiệp… tổ chức các diễn đàn, các buổi trao đổi, chia sẻ để mọi người cùng kể về những câu chuyện về làng nghề, chia sẻ kinh nghiệm cũng như các xu hướng mới, sự phát triển mới của các nghề thủ công, không phải chỉ trong nước, trong khu vực mà còn ở trên thế giới. Và cuối cùng là vai trò của truyền thông, bên cạnh việc chúng ta sử dụng truyền thông truyền thống, nên chú trọng sử dụng các cái trang mạng xã hội và đồng thời tổ chức các cái hoạt động mang tính đa chiều hơn chẳng hạn như các lễ hội, trong đó không thể thiếu vai trò dấu ấn của các làng nghề”.
Trong quá trình phát triển, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là sự tác động của nền kinh tế thị trường và khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến không ít các nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đang dần mai một. Do đó, cần có các giải pháp hiệu quả hơn nữa đối với việc bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống, vừa bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh, vừa góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đất và người Bình Dương. Ông Nguyễn Tiến Thành – Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương cho rằng, muốn tồn tại và phát triển trong giai đoạn hiện nay doanh nghiệp gốm sứ phải nỗ lực đầu tư nâng cấp cơ sở, đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng quản lý trong sản xuất, tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, thực hiện tốt chính sách cho người lao động; tạo ra giá trị sản phẩm đáp ứng đúng tiêu chí của các doanh nghiệp nhập khẩu, nhà bán lẻ trên thế giới.
Ông Nguyễn Tiến Thành – Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương kiến nghị
Ông Thành cho rằng vấn đề di dời mang tính sống còn của doanh nghiệp gốm sứ do đa số doanh nghiệp gốm sứ hoạt động kiểu gia đình, sản xuất nhỏ, rất ít doanh nghiệp có những nguồn vốn mua đất để xây dựng nhà máy để có thể di dời. Do đó ông kiến nghị tỉnh có những chính chính sách hỗ trợ về vốn đối với những doanh nghiệp không phù hợp về tiêu chí bắt buộc phải di dời. Đồng thời tỉnh cần quan tâm bố trí cho các doanh nghiệp làng nghề có những vị trí giao thông không quá xa nơi sản xuất cũ để vừa thuận tiện cho việc di chuyển lao động có tay nghề vừa đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách trong phát triển du lịch kết hợp với làng nghề truyền thống.
Để hỗ trợ, giúp các nghề, làng nghề truyền thống của tỉnh tiếp tục được duy trì, phát triển gắn với phát triển tiềm năng kinh tế, du lịch trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Bình Dương sẽ quy hoạch lại ngành nghề truyền thống của tỉnh. Những ngành nghề nào đã có tiêu chuẩn sẽ có chương trình để mà phát triển mạnh mẽ hơn, những ngành nghề nào đã có truyền thống nhưng chưa đạt tiêu chuẩn, tiếp tục xây dựng đưa vào các ngành nghề mang tính chất truyền thống khôi phục, cũng như bảo tồn và phát triển.
Ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Chương trình
Đồng thời quy hoạch không gian phát triển để tạo điều kiện cho các cơ sở truyền thống lâu đời, theo tiêu chí phát triển khoa học, phát triển bền vững, phát triển theo hướng hiện đại, bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ mới, nhưng bảo tồn được cái các giá trị truyền thống, xây dựng các ngành nghề truyền thống trở thành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển du lịch. Trên cơ sở quy hoạch đào tạo nghề, giúp cho người lao động cũng như chủ thể văn hoá nâng cao tay nghề, tạo thương hiệu, uy tín, để sản phẩm cạnh tranh trên thị trường thế giới.
UBND tỉnh chỉ đạo các ngành tăng cường chương trình, phổ biến các chính sách pháp luật cho nhân dân hiểu được, cộng đồng xã hội hiểu được, chủ thể văn hoá hiểu được, người dân hiểu được các giá trị bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống này. Xây dựng cái thể chế, chính sách, cơ chế đặc thù, khuyến khích động viên các cơ sở sản xuất này duy trì được hoạt động, người lao động sống được, làm giàu được từ những nghề truyền thống. Ông yêu cầu các sở ngành tham mưu UBND tỉnh những chính sách của tỉnh, thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, của Chính phủ để hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, làng nghề truyền thống…