Ô nhiễm tiếng ồn dần trở thành một trong những vấn đề nhức nhối của các đô thị, thành phố lớn tại Việt Nam, đặc biệt tại các khu dân cư đông đúc. Quy định về mức độ cũng như khung xử phạt về ô nhiễm tiếng ồn đã có, vậy tại sao tình trạng này vẫn chưa được xử lý?
Người dân phải… “sống chung với lũ”
Tại các đô thị, thành phố lớn, không khó để bắt gặp các nhà hàng, quán bar, quán cà phê có sân khấu biểu diễn lộ thiên với dàn loa công suất lớn, hay đơn giản hơn là loa thùng, loa kéo. Các thiết bị âm thanh này khi được sử dụng sẽ tạo ra nhiều mức âm lượng khác nhau, nhưng hầu như đều bị sử dụng ở quá mức cho phép.
Không chỉ tại các nhà hàng, quán bar, quán cafe, điều gây bức xúc hơn cả là nhiều hộ dân sống trong khu dân cư đông đúc cũng sử dụng các thiết bị này để “tra tấn” hàng xóm… Bên cạnh đó còn là tiếng máy đục, máy phá, máy khoan… nếu như có sự xuất hiện của các công trình xây dựng. Đây chỉ là một vài ví dụ điển hình của ô nhiễm tiếng ồn tại các khu dân cư.
Bà Kim Loan (tổ 12, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Hầu như ngày nào chúng tôi cũng bị tra tấn bởi tiếng hát karaoke từ các quán trà chanh, trà đá. Tình trạng này kéo dài 1 – 2 năm rồi. Không chỉ hát hò vào ban ngày, có nhiều hôm họ còn hát đến tận tối muộn – thời điểm gia đình chúng tôi cần nghỉ ngơi. Việc này diễn ra thường xuyên đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ, khiến chúng tôi rất bức xúc và mệt mỏi. Tôi đã nhiều lần phản ánh đến cơ quan chức năng nhưng tình trạng này không được xử lý triệt để. Chúng tôi chỉ còn cách “sống chung với lũ”.
Ảnh hưởng nặng nề nhưng lại bị coi nhẹ
Tuy gây hệ lụy không kém các dạng ô nhiễm truyền thống, nhưng ô nhiễm tiếng ồn lại khó xử lý bởi có tính chất vô hình, không để lại dấu vết trực quan như rác thải hay khói bụi…, dẫn đến khó hình dung được tác hại của chúng. Các tác động của ô nhiễm tiếng ồn thường xuất hiện dần dần và khó nhận biết ngay lập tức, không gây ra những hậu quả nghiêm trọng ngay.
Không như các loại ô nhiễm truyền thống, ô nhiễm tiếng ồn thường bị xem nhẹ hơn. Tuy nhiên, loại ô nhiễm này cũng gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của con người tương đương với ô nhiễm truyền thống. Không chỉ vậy, ô nhiễm tiếng ồn còn có khả năng tác động đến hệ sinh thái, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Khi được hỏi về các dạng ô nhiễm, phần lớn người dân không biết hoặc chỉ nghe qua về cụm từ “ô nhiễm tiếng ồn”. Phần lớn cho rằng tiếng ồn quá to chỉ gây ra sự khó chịu nhất thời chứ không gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe nên để gọi là “ô nhiễm” thì… hơi quá.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ô nhiễm tiếng ồn không đáng quan tâm. Những khó chịu mà tiếng ồn gây ra là không thể phủ nhận. Thậm chí, loại ô nhiễm này còn gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, hệ sinh thái và chất lượng cuộc sống.
Các tác động tiêu cực đó có thể là ảnh hưởng đến sức khỏe: Gây ra các vấn đề về thính lực, giấc ngủ, căng thẳng, tim mạch, và thậm chí là các bệnh tâm thần; Giảm chất lượng cuộc sống: Làm giảm sự thoải mái, giảm hiệu quả làm việc và học tập, gây ra các xung đột trong cộng đồng…
Đối với trẻ nhỏ, ô nhiễm tiếng ồn là mối đe dọa lớn đến tương lai. Những đứa trẻ với hệ thống thần kinh và thính giác non nớt khi tiếp xúc với tiếng ồn sẽ làm tổn thương tai, gây giảm thính lực và tác động xấu tới hệ thần kinh.
Đối với hệ sinh thái, ô nhiễm tiếng ồn gây rối loạn hành vi của động vật, ảnh hưởng đến quá trình sinh sản và di cư của nhiều loài.
Thậm chí, những hệ lụy do ô nhiễm tiếng ồn để lại không hề kém cạnh so với các loại ô nhiễm truyền thống hay dịch bệnh.
Vẫn chưa có biện pháp khắc phục những tồn tại
Mặc dù, việc xử lý về hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn đã được quy định trong Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhưng trên thực tế không ghi nhận nhiều trường hợp đã bị xử phạt về hành vi này.
Bởi nếu theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP, tại khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính), mức tiếng ồn được cho phép là 70dBA (từ 6h đến 21h) và 55dBA (21h đến 6h), nhưng để xác định được mức tiếng ồn, cần phải có thiết bị đo chuyên dụng được kiểm định bởi cơ quan chức năng. Hơn nữa, chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình khiến cho việc xử lý và xử phạt gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, việc nắm bắt và ghi nhận các trường hợp gây ô nhiễm tiếng ồn thường khó thực hiện hơn do thiếu các chỉ số đo lường cụ thể. Không ít trường hợp, người dân phản ánh về tiếng ồn, nhưng khi lực lượng chức năng tới hiện trường thì người vi phạm đã cho nhỏ mức âm lượng hoặc tắt hẳn. Nên để có được chứng cứ vi phạm, cần có thời gian mật phục, theo dõi… dẫn đến khó khăn trong việc đưa ra các biện pháp xử lý.
Tuy quy định về xử phạt đã có từ năm 2022, nhưng đến nay, vẫn chưa có biện pháp để giải quyết những tồn tại, khó khăn trong việc xử lý ô nhiễm tiếng ồn. Cùng với ô nhiễm đất, nước, không khí, ô nhiễm tiếng ồn cũng cần được quan tâm xử lý thỏa đáng để đảm bảo sức khỏe vật chất cũng như tinh thần cho người dân.