Theo báo cáo Affiliate Marketing Report 2025 mới được AccessTrade công bố, khu vực châu Á – Thái Bình Dương nổi lên là khu vực có tiềm năng bùng nổ, với mức tăng trưởng kép hàng năm dự báo đạt 10% trong giai đoạn 2024-2031. Đây là một thông tin tích cực đối với thị trường tiếp thị liên kết tại Việt Nam. Vậy những động lực nào đã thúc đẩy thị trường liên kết phát triển?
Thị trường tiếp thị liên kết tại Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Theo báo cáo của AccessTrade, quy mô thị trường này tại Việt Nam năm 2024 ước tính đạt từ 700 triệu – 1 tỷ USD, tăng gấp 30 lần so với năm 2022. Sự tăng trưởng này có được là nhờ sự hỗ trợ và bùng nổ của rất nhiều sàn thương mại điện tử cũng như sự chủ động của các cá nhân, doanh nghiệp tại Việt Nam.
Năm 2020, bộ phận tiếp thị liên kết của doanh nghiệp này đã bắt đầu đi vào hoạt động, với công việc tiếp thị, bán hàng cho các doanh nghiệp khác và nhận về tiền hoa hồng. Dù bắt đầu với quy mô nhỏ, nhưng nay doanh thu từ các sàn thương mại điện tử của bộ phận đã có thể đạt từ vài chục cho tới cả trăm triệu đồng mỗi tháng.
Ông Lê Hải Vũ – Chủ tịch Công ty Velaboost cho biết: “Trước đây, tiếp thị liên kết thực sự không phải là cuộc chơi dành cho nhiều người và cuộc chơi đó tương đối khó. Nhưng đến thời điểm hiện tại, khi các nền tảng mạng xã hội kiêm sàn thương mại điện tử như TikTok ra đời, tiếp thị liên kết lại là một nghề khá phổ biến và các bạn trẻ hiện tại đang làm nghề đó rất nhiều”.
Sự phát triển của thị trường này đạt được là nhờ có sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương, năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Ngoài ra, các chính sách thuế nhắm tới kinh doanh trực tuyến và thương mại điện tử cũng tạo ra ảnh hưởng tích cực tới thị trường. Đến nay, Cục Thuế Hà Nội đã đưa vào quản lý 86.894 tổ chức và cá nhân, trong đó có 29.501 doanh nghiệp, 40.511 hộ kinh doanh trên sàn thương mại điện tử và 16.882 cá nhân có thu nhập từ tiếp thị liên kết, nội dung số hoặc quảng cáo.
Tính đến cuối năm 2024, tổng thu từ thương mại điện tử đạt 42.510 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2023.
Ông Bùi Mạnh Quân – Chủ tịch Công ty Mproject chia sẻ: “Việc Nhà nước siết chặt về thuế là một cơ hội để cho chúng ta làm thương mại điện tử nói chung và làm tiếp thị lên kết nói riêng một cách sạch sẽ và trung thực hơn. Bây giờ chúng ta không phải cạnh tranh nhau bằng những chiêu trò, bằng những đường gian lối lận mà chúng ta cạnh tranh nhau bằng sự sáng tạo, bằng chất lượng sản phẩm đích thực”.
Ông Hoàng Tùng – Chủ tịch Công ty F&B Investment nhận định: “Việt Nam là một quốc gia có dân số rất trẻ và năng động, có khả năng tiếp cận với internet rất mạnh. Những người làm tiếp thị liên kết tại Việt Nam cũng được coi là có nghề hơn so với những người làm về mảng thương mại điện tử ở khu vực Đông Nam Á. Về mảng thương mại điện tử, có thể nói thị trường Việt Nam đi trước thị trường Đông Nam Á một đoạn khá dài”.
Doanh thu từ tiếp thị liên kết trung bình chiếm 10% tổng doanh thu của các thương hiệu, tăng mạnh so với 4% năm 2022. Các nền tảng như Shopee, Lazada, Tiki và TikTok Shop ước tính đóng góp 70% tổng doanh thu thương mại điện tử trong năm 2024.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!