Ở nội đô thành phố hay ngoại thành đều có thể nghe tiếng còi xe ô tô, xe máy, bất kể giờ giấc. Nó như thói quen, khi đi qua ngã tư đường vắng, chạy ào ào cũng bấm còi liên tục, ý để người qua ngã tư, người trong ngõ ra phải coi chừng tránh mình.
Tại Hà Nội, đường phố như khoác lên mình chiếc áo quá chật, thế nhưng những lúc giờ cao điểm, tiếng còi xe lại mỗi lúc một tăng, cực kỳ ồn ào. Nhiều trường hợp tay nhanh hơn não, đường tắc nhưng vẫn bóp còi inh ỏi, thậm chí còn kéo một hồi còi dài như tàu cập bến. Điều này vừa thiếu đạo đức con người, vừa vi phạm văn hoá giao thông.
Đường đông mà bấm còi vô tội vạ là “tay nhanh hơn não’’. Ảnh minh họa |
Không chỉ vậy, còn có trường hợp đường tắc, đèn đỏ, nhưng ở phía sau vẫn còi, đá đèn, dí vào đuôi xe. Thò đầu lại hỏi: Đi kiểu gì thế? Họ mắt trợn ngược, buông lời: Đố ông biết đấy!
Còn nữa, có nhiều loại xe còn được giới tài xế độ còi, như còi hơi hay còn gọi là kèn hơi gắn trên đầu xe ô tô hoặc là dưới gầm xe. Khi tham gia giao thông bấm vô tội vạ, nghe tiếng còi là giật mình té ngã.
Tự nghĩ: Giá như đến ngã tư, ai cũng tuân thủ luật giao thông, giảm tốc độ, nhường đường cho xe bên trái của mình nếu có, thì có cần bấm còi không? Không chỉ Lào mà cả Campuchia đi đường cũng rất ít khi nghe tiếng còixe. Một số nước trên thế giới bấm còi vô tội vạ là sẽ bị phạt, trên đường chỉ có xe cấp cứu, xe cảnh sát, xe chữa cháy mới được hú còi thôi.
Có ý kiến cho rằng, nếu đã học đạo đức người lái xe rồi mà vẫn không tuân thủ thì nên học lại, hoặc không tuân thủ nữa thì bất cứ xe nào nhập vào Việt Nam nên tháo bỏ còi, vì còi xe bấm mục đích để báo nguy hiểm, còi chỉ để làm tăng nguy hiểm thêm thôi!
>>> Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ ý kiến hoặc bài viết ở bình luận bên dưới. Những ý kiến hay, được đăng tải sẽ hưởng chế độ nhuận bút theo quy định!