Tham gia Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I tại tỉnh Lai Châu, năm 2023, đoàn Lào Cai đã giới thiệu tới du khách nghi lễ “Nhé khố sinh” của dân tộc Bố Y. Trích đoạn do các nghệ nhân, diễn viên dân tộc Bố Y của xã Thanh Bình, xã Mường Khương thuộc huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai thể hiện.
“Năm nay, đoàn Lào Cai chúng tôi đưa lễ Đuổi ma hỏa (Nhé khố sinh), bản thân lễ đó diễn ra trong cộng đồng, có không gian thiêng, và có cả những không gian không phải là thiêng. Đó là không gian vui chơi giải trí, tôi nghĩ rằng chúng tôi đã giữ được không gian, bản chất văn hóa cộng đồng của họ, để giới thiệu tới cộng đồng các dân tộc khác và quảng bá du lịch địa phương một cách tốt nhất”, đạo diễn Phùng Quang Mười, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh Lào Cai cho biết.
Lễ đuổi ma hỏa là nghi thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người Bố Y ở Mường Khương gắn liền với tập quán tín ngưỡng, lễ tết và canh tác nông nghiệp. Việc tổ chức lễ đuổi ma hỏa gắn liền với câu chuyện lịch sử di cư tộc người. Đó là truyền thuyết về nơi cư trú xưa, hạn hán, nắng nóng kéo dài nguồn nước cạn kiệt, ruộng nương nứt nẻ nguy cơ hỏa hoạn và sự sống bị đe dọa. Trước tình thế này, trâu thần xuất hiện, dẫn người Bố Y đến vùng đất mới có rừng, có suối, có nguồn nước và người Bố Y định canh như thế cho đến ngày nay. Vì vậy cứ vào dịp mùng 2-2 và 1-8 âm lịch hằng năm, người Bố Y làm Lễ đuổi ma hỏa với ý nghĩa đoàn kết cộng đồng, đuổi cái hanh khô, cái xấu xa ra khỏi bản làng, bảo vệ sự bình yên cho con người. Ngày trâu thần dẫn con người tìm đến nơi ở mới chính là ngày 8-4 âm lịch, mà ngày nay người Bố Y tổ chức tạ ơn trâu (sử giề pà) được coi là Tết to nhất trong năm.
Lễ đuổi ma hỏa mang sắc màu của tín ngưỡng dân gian cổ xưa diễn ra ở hầu hết các bản làng nơi người Bố Y sinh sống. Lễ mang yếu tố tâm linh huyền bí, được chuyển tải thông qua hoạt động trình diễn hàng loạt các mảng trò hấp dẫn, hàm chứa những yếu tố nghệ thuật dân gian tổng hợp.
Người dân tham gia dọn dẹp vệ sinh làng bản, khơi trong nguồn nước chuẩn bị lễ vật để tiến hành các nghi thức cúng đuổi ma làng “nhé khố sinh”
Ngay từ sáng sớm, già làng, trưởng bản cùng đại diện mỗi hộ gia đình 1 người tham gia dọn dẹp vệ sinh làng bản, khơi trong nguồn nước, chuẩn bị lễ vật để tiến hành các nghi thức cúng đuổi ma làng “nhé khố sinh”. Người Bố Y quan niệm mỗi năm vào ngày 2-2 và ngày 1-8 các vị thần tốt như thần rừng, thần suối, thành hoàng, thổ công sẽ về trợ giúp cho dân bản trước sự chứng kiến và công nhận của Ngọc Hoàng. Đại diện cho dân làng chuyển tải thông điệp đến Ngọc Hoàng và các vị thần là thầy cúng. Những lễ vật dân bản chuẩn bị để thầy cúng hành lễ, dâng lên thánh thần đều hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đạo lý uống nước nhớ nguồn, cầu an cho người sống, cầu siêu cho những người đã khuất và cầu được sự che chở, ban phát bình yên từ các vị thần.
Nơi đầu bản, đầu nguồn nước được coi là vị trí cao nhất, sạch nhất và linh thiêng nhất, người Bố Y chọn để đặt miếu thờ thần từ khi lập bản. Dọn dẹp làng bản, khơi trong mạch nước đầu nguồn xong, thầy cúng, phụ cúng, dân bản chuẩn bị đem lễ vật đến miếu và hành lễ vào đầu giờ thìn. Với người Bố Y giờ thìn được coi là giờ thiêng, giờ mà thầy cúng có thể thông ngôn được với các vị thần tốt, chuyển tải mong muốn của dân bản và dễ được các thần tiếp nhận, hỗ trợ.
Lễ vật chính là đôi gà trống màu đỏ, trắng và con chó lông đen cùng với tiền vàng, hương, rượu, thuyền rồng và hình nhân nộm rơm. Tuy nhiên có nơi dùng chó đen làm vật tế, nơi thì không. Điều này được lý giải bởi ý nghĩa của từng con vật: Gà mầu đỏ là sự mong cầu bình yên cho người sống; gà trắng là cầu bình an cho các linh hồn đã khuất và chó đen là vật để trừ tà ma xấu, dịch bệnh. Bản nào có dịch bệnh thì năm đó dân làng sẽ dùng con chó có lông mầu đen để thầy cúng làm lễ diệt trừ.
Thầy cúng dùng cành lá xanh vẩy nước bốn xung quanh tẩy uế quanh miếu, tẩy uế cho mọi thành viên trong đoàn, tẩy sạch cho các lễ vật, đạo cụ… không cho những điều xấu xâm nhập đến khu vực thầy hành lễ.
Thầy cúng hành lễ mời Ngọc Hoàng trên trời cao về ban cho sức mạnh để hành sự
Sau phần khai quang mũ áo, tiếng tù và nổi lên như một biểu tượng thông ngôn đầu tiên với các vị thần, thầy cúng hành lễ mời Ngọc Hoàng trên trời cao về ban cho sức mạnh để hành sự. Từng động tác của thầy cúng như là sự mô tả chặng đường thầy cúng đi qua để nghênh đón các vị thần tốt về ngôi miếu tận hưởng lễ vật, tiền vàng dân làng dâng lên, đồng thời cầu các thần ban phép quyền để phù trợ cho thầy làm việc. Mỗi lời trong bài cúng là sự thỉnh cầu, trình bày, diễn giải với thần thánh lý do dân làng thực hành nghi lễ.
Sau phần cúng tại miếu báo với Thổ công bản, Thành Hoàng làng, thầy cúng cầm kiếm pháp dẫn đoàn tùy tùng đi đến tất cả các đường làng, ngõ xóm, từng gia đình để bắt ma, quét ma thu lượm vào chiếc thuyền do hai hình nhân trấn giữ. Người Bố Y quan niệm những thứ không tốt đều được coi là ma xấu cần phải thu hồi, bắt giữ, đưa ra khỏi bản hay nhốt vào địa ngục.
Khi trống chiêng nổi lên, đôi gà được vung tròn như quét ma xấu, thầy cúng chỉ kiếm hướng về phía trước như mệnh lệnh ra quân quét kẻ thù, tiếng hô hào như đoàn quân rượt đuổi cái xấu. Đến mỗi ngã ba thầy cúng lại làm động tác múa kiếm chém ma thu hồi nhốt vào thuyền giấy, rồi tiếp tục đi đến mỗi gia đình trong làng. Tại mỗi ngôi nhà được đóng kín như là sự chạy trốn của những thứ ma xấu, ẩn náu, thầy cúng chỉ kiếm phá cửa xông vào.
Thầy cúng dẫn đoàn tùy tùng đi đến tất cả các đường làng, ngõ xóm, từng gia đình để bắt ma
Tại bàn thờ tổ tiên, thầy cúng thắp hương để báo với ông bà, tổ tiên của mỗi gia đình, nay là ngày thầy cúng và cả dân bản làm lễ đuổi cái xấu nên các cụ đừng có giật mình mà bỏ đi. Sau lời thầy cúng là đoàn quân cầm đôi gà quét ma, trống chiêng khua ầm ĩ, thầy cúng chỉ từng góc trong nhà quát ma để thu phục…
Sau khi tìm hết các ngõ ngách để bắt ma thu vào thuyền, đoàn tùy tùng đi ra, thầy cùng đổ bát nước phép và úp chiếc bát để ngăn cửa không cho ma xấu quay lại. Sau khi đi quét tất cả các nhà trong bản đoàn quân sẽ tiến thẳng ra phía hạ nguồn con suối cuối bản, thầy cúng sẽ đốt thuyền bắt ma để đưa ma xấu nhốt vào 18 tầng địa ngục nhằm bảo vệ sự bình yên cho dân làng.
Lễ đuổi ma hỏa (Nhé khố sinh) mang ý nghĩa phòng chống cháy, chống khô hạn, đồng thời là ngày cộng đồng người Bố Y đưa ra quy ước bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sự sống của con người.
Lễ vật sẽ được mổ thịt nấu nướng tại điểm cuối làng, mọi người ăn uống và chơi các trò chơi, chúc tụng nhau một năm được bình an. Từng tốp nam nữ hát đối đáp mừng vui bản làng đã sạch sẽ, ca ngợi cảnh đẹp quê hương, ca ngợi dòng suối, cánh rừng… Đồng thời già làng sẽ nhắc lại những quy ước bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, đoàn kết cộng đồng.
Những lời ca, điệu múa, tiếng nhạc tạo nên sắc màu văn hóa đa dạng, góp phần bảo tồn, giữ gìn bản sắc dân tộc, là động lực để toàn thể bà con nhân dân có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn môi trường sinh thái, môi trường sống trong lành. Đặc biệt, môi trường văn hóa tâm linh, sợi dây vô hình đầy sức mạnh niềm tin, giúp cho mỗi người dân Bố Y tự tin hơn trong công cuộc giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo tại địa phương.
NGUYỄN MINH HIỂN – Ảnh: TUẤN MINH