Đi thăm Thành Cổ Loa (tiếp theo) – Truyện / Ký

blank

Quang cảnh phía trước Đền Thượng, Thành Cổ Loa.


Chẳng bao lâu, chúng tôi đã tới trước cửa thành phía nam tức cửa Nam, cửa chính của thành Cổ Loa. Trước cửa thành có sông Hoàng Giang chảy bao bọc, ôm lấy thành từ hướng đông nam, qua nam, rồi vòng sang hướng tây nam của thành để làm “hào thiên nhiên” bảo vệ thành ở vòng ngoài. 

      Chúng tôi lên xe đạp tiến vào bên trong của khu thành Cổ Loa. Khi ngang qua cửa Nam, chúng tôi thấy hai bên cửa có hai ụ đất cao sát cổng thành có miếu thờ hai vị trấn tướng. Vì là cửa thành chính nên có hai trấn tướng còn những cửa phụ khác của thành chỉ có một trấn tướng mà thôi. Hai miếu này đã bị bụi cây che gần kín, phải để ý lắm mới thấy. Qua cổng chính không bao xa, chúng tôi gặp một ụ đất to, đó là Mả Tre nơi tìm thấy trống đồng Cổ Loa.

      Con đường dẫn chúng tôi tới đền An Dương Vương còn gọi là Đền Thượng hay “Tiên Từ Đệ Nhất” là con đường đất lớn, có đoạn lát gạch. Dọc theo hai bên đường là những xóm đông người với sinh hoạt nhộn nhịp, thỉnh thoảng có những thửa ruộng xen kẽ.

      Đền được xây trên nền của Hoàng cung cũ, một thửa đất cao hẳn lên so với những thửa đất rộng chung quanh. Theo phong thủy, đền nằm trên thế đất hình con rồng mà đền được xây trên lưng rồng. Trước cổng đền có một mô đất trên đó có cây mọc nên được ví như rồng đang nhả viên “ngọc châu”. Sau hòn “ngọc châu” là “giếng Ngọc” hay “giếng Trọng Thủy–Mỵ Châu”. Thật sự “giếng” chỉ là cái ao tròn không có miệng giếng, được xây bằng gạch như những “giếng làng”. Nơi đây Trọng Thủy đã gieo mình tự tử chết theo Mỵ Châu. Xác Trọng Thủy theo dòng sông Hoàng Giang mà trôi xuống các xã phía dưới. Do đó, khu vực Cổ Loa gồm 8 xã trên chỉ thờ vua An Dương Vương và Mỵ Châu, còn 6 xã cuối thờ thêm Trọng Thủy như thờ vong linh, hồn ma mà thôi. Thật sự thì sau khi Cổ Loa không còn là kinh đô của Âu Lạc nữa, cấu trúc thành được quy hoạch lại nên giếng Trọng Thủy nay ở ngay trước cửa đền vua An Dương Vương. 

    Vì là đền thờ vua nên đền An Dương Vương có 2 tam quan, “tam quan ngoại” và “tam quan nội”. Tam quan ngoại có một kiến trúc cổ rất đẹp và thanh thoát, hoàn toàn mang sắc thái văn hóa bản địa độc đáo của dân ta chứ không vay mượn từ kiến trúc Trung Hoa. Trước cửa tam quan ngoại có cặp rồng đá tạc rất công phu. Cặp rồng đá này được coi là tác phẩm nghệ thuật quý giá của nhà Lê. Ba cây hương bằng đá trước cặp rồng có niên hiệu Vĩnh Hựu thuộc thế kỷ thứ 17. Phía trên tam quan ngoại có gác chuông và có hàng đại tự “Phủ Ngưỡng Thiên Cổ” tức “Chiêm bái muôn năm.”

 

blank

Tam quan Ngoại với hai con rồng đá          Tam quan Nội.

và ba cây hương đá.

 

Uyên và Thi theo tôi vào sân Đền. Uyên mua hương, hoa để vào chiêm bái đức Vua. Sau “tam quan ngoại”, tới một sân rộng, rồi tới “tam quan nội”. Qua “tam quan nội” bằng cổng phụ, chúng tôi tới nhà Đại Bái là nơi tế lễ. Trước cửa nhà Đại Bái có hai “con nghê” bằng đá. Ý nghĩa của hai “con nghê” này là chúng có nhiệm vụ kiểm soát tư tưởng thanh tịnh của khách hành hương khi vào đền lễ bái trước bàn thờ ngài An Dương Vương. 

      Phía trong cùng nhà Đại Bái là khu thờ cúng có tượng đồng của Đức vua An Dương Vương. Nơi thờ Ngài thì tối, trên bàn thờ chỉ thắp một ngọn đèn dầu nhỏ lờ mờ. Được biết nơi thờ phượng thường để tối như thế để tỏ lòng cung kính và tạo sự trang nghiêm.

 

blank

Nhà Đại Bái với hai con “Nghê”                  Bàn thờ An Dương Vương.

        đá hai bên cửa vào.

 

Trong đền có cặp ngựa gỗ mầu đỏ đậm, được tạc vào đời nhà Lê, tượng trưng cho thời kỳ Đức An Dương Vương dùng ngựa để đánh Tần đuổi Triệu.

      Ngoài ra trong đền còn lưu trữ và trưng bày trong tủ kính một số mũi tên đồng, vài loại khác nhau. Ông từ (người coi đền) cho chúng tôi biết, theo dân gian truyền tụng lại, trong thời kỳ Hai Bà Trưng đánh nhau với quân Mã Viện, Hai Bà có ghé qua đây cầu xin Đức An Dương Vương dùng thần lực phù trợ giúp cho sự chiến đấu của Hai Bà được thành công.

        Uyên, Thi và tôi lại trở ra ngoài tam quan ngoại. Ngay hai bên cổng tam quan ngoại có, một bên là một ụ đất nằm ngay phía bên tay phải, một bên là một hố hơi trũng nằm ngay phía bên tay trái hướng từ Đền nhìn ra. Dân trong vùng gọi đó là hai con mắt của con rồng. Một mắt bị hư mù tức là hố đất trũng khô nước, mắt còn sáng là ụ đất cao. Được biết, có cái lạ là, dù vào mùa nắng khô, ụ đất ấy luôn luôn ướt. Dân gian gọi con rồng này là “rồng độc nhãn” tức rồng một mắt.

      Chúng tôi leo lên gác chuông của tam quan ngoại. Trên gác chuông có một quả chuông rất lớn. Nếu đánh chuông lên, tôi tin là tiếng chuông sẽ ngân vang và lan ra xa có thể tới mấy làng chung quanh. Từ gác chuông cao, chúng tôi có thể quan sát gần như toàn bộ cổ thành. Tôi chỉ cho Uyên biết một vài nơi nhìn thấy trước mặt như Xóm Mít mà dân ở đây trước là dân chài, nay họ lên bờ thành Ngoại sinh sống mà lập nên xóm này. Phía tây nam là quốc lộ 2, và gần đó có đình Mạch Tràng, là kho lương thực của thành Cổ Loa. Đặc biệt là những di tích của những vòng thành còn sót lại, cách nhau bởi những hào nước mà nay đã trở thành ruộng. Nơi cột cờ là hướng chính nam có cửa chính của thành gọi là cửa Nam mà chúng tôi vừa đi qua.

      Uyên chỉ những bức tường đất xa xa hỏi tôi:

      – Có phải những đoạn tường đất xa xa kia, trước đây là những bức tường thành của thành Cổ Loa mà nay đã bị sụp đổ từng phần đó không?

 

blank

Bức tường thành xưa.

 

Nhân đó, tôi chỉ cho Uyên và Thi biết thêm những chi tiết về thành Cổ Loa qua cảnh vật hiện thực chung quanh và phối hợp với bản đồ của thành cổ này đã được trưng bày ở một vài nơi trong Đền.

      Thi chợt hỏi:

      – Thế thành có mấy vòng hở anh?

      Tôi ngửng lên, cười với Thi:

      – Em đoán là có mấy vòng?

      – Thưa anh, em không biết, chắc phải nhiều vòng lắm.

      Uyên mỉm cười trước câu trả lời của cô em:

      – Em quên rồi sao? Trên bản đồ trong Đền đã vẽ rõ là thành có 3 vòng thành có hình đường cong khép kín. Em không chịu để ý đấy thôi!

      Nghe chị nói, Thi giả vờ đóng vai cô học trò nhỏ khoanh tay, cúi đầu lễ phép đáp đùa:

      – Xin lỗi cô giáo! Lần sau “con” không dám thế nữa ạ! 

      Tôi bật cười, cốc nhẹ vào đầu Thi:

      – Thôi, anh xin cô giáo tha cho. Phải ngoan đấy!
blank

Vòng màu đỏ: tường thành, ụ đất

Vòng màu xanh dương: sông, hào

 

Tôi nói tiếp về những bức tường thành:

      – Cứ dựa theo sự chỉ dẫn và chú thích trên bản đồ, vòng ngoài gọi là “thành Ngoại” dành cho quân lính ở, có chu vi là 8 cây số. Vòng ở giữa gọi là “thành Trung”, dành cho quan lại ở, có chu vi là 6,5 cây số. Cả hai vòng thành Ngoại và Trung là những đường cong không có hình dáng nhất định, khép kín, vì lúc xây thành người ta cố lợi dụng “uốn” tường thành theo địa thế thiên nhiên có sẵn như những ụ đất hay đê của khúc sông Ngũ Huyện Khê để xây dựng thêm lên. Đồng thời, người ta cũng lợi dụng nương theo những hệ thống sông, lạch chằng chịt để biến chúng thành những hào thiên nhiên bảo vệ thành. Vòng trong cùng được gọi là “thành Nội” hay “thành Cấm”, nơi vua và hoàng gia ở. Thành Nội được xây tương đối hình chữ nhật trên thửa đất cao, có chu vi vào khoảng 1,5 cây số. Có những nhà khảo cổ cho rằng thành Nội được xây thêm vào thời vua Ngô Quyền, cũng có người cho rằng nó được xây từ thời Mã Viện sau khi đánh thắng Hai Bà Trưng vì nơi đây đã tìm được những dấu vết của văn hóa Hán tộc và kiến trúc xây thành Nội cũng tương tự như thành của nhà Hán rất phổ biến thời bấy giờ. Nếu quả như vậy, thành Cổ Loa là sự phối hợp của hai nền văn minh Hán-Việt và thuần Việt cổ.

      Các tường thành có chiều cao từ 4 đến 5 mét, ba người công kênh nhau lên mới tới. Có chỗ cao tới từ 8 đến 12 mét. Chân tường thành rộng từ 20 đến 30 mét, mặt thành rộng từ 6 tới 10 mét, quân có thể di chuyển hàng mười. Thành tường bên ngoài dựng đứng, bên trong xoai xoải để dễ di chuyển, do đó bên ngoài đánh vào rất khó nhưng bên trong đánh ra rất dễ. Trên mặt thành lại có những “hỏa hồi” cao để có thể quan sát cả một vùng rộng lớn.

      Ngoài 3 tường thành còn có những “lũy tiền vệ” ở cả phía bắc thành Ngoại và nằm khoảng giữa thành Ngoại và thành Trung. Hướng bắc luôn là hướng tấn công chính của địch.

      Uyên chợt hỏi tôi:

      – Thế còn những truyền thuyết hàng đêm có hàng nghìn cô tiên đến giúp xây thành, rồi lại có truyền thuyết có thần Kim Quy đến giúp, theo anh nghĩ thế nào về những truyền thuyết ấy?

      – Ừ, truyền thuyết dân gian thì nhiều lắm, đặc biệt trong việc xây dựng thành Cổ Loa này. Theo các nhà nghiên cứu cũng như chúng ta đã biết đấy, vùng đất này khi xưa là vùng đất trũng, nền móng là đất mềm nên rất khó xây tường thành đứng vững. Có thể cứ xây xong lại đổ nên dân gian có những truyền thuyết ấy để diễn tả sự khó khăn cần phải có thêm thần linh giúp đỡ mới xong. Vào thời đó dân ta còn trọng tín ngưỡng tôn thờ “vật tổ” mà những vật tổ thông thường mà ta thường nghe đến là Tiên, Rồng, Rắn, Chim, Rùa … Những truyền thuyết đó nói lên những khó khăn một phần và cũng là một thứ chiến tranh tâm lý một phần. Công việc nào có “Trời” giúp cho thì phải tốt, bền vững, linh thiêng hơn những công trình thuần chỉ do sức người xây dựng lên, và cũng từ đó, nó tự tạo nên một niềm tin tuyệt đối trong dân gian.

      Thật sự ra, theo các nhà khảo cổ “mổ xẻ” bức tường thành, họ cho thấy những nơi đất trũng và mềm, người xưa đã cho “tăng cường” thêm ở phía dưới chân tường bằng những tảng đá to. Cộng thêm vào đó là những cục đá hòn có đường kính từ 15 đến 60 phân tây và những mảnh sành đất nung vỡ có độ nung già non khác nhau.

      Dưới chân phía ngoài những tường thành đều có hào nước để bảo vệ thành. Những hào nước rộng từ 10 đến 30 mét thường là những nhánh sông, lạch thiên nhiên chảy vào và ăn thông với nhau tạo thành một mạng lưới thủy văn chằng chịt. Thuyền có thể di chuyển hàng ba dễ dàng. Những nhánh sông này được tiếp nước từ những con sông lớn như sông Cầu và sông Hồng. Những hào này, ngày nay đã trở thành những dải ruộng khô.

      Trên là thành cao, dưới là hào rộng và sâu nên thành Cổ Loa dễ dàng phối hợp cả bộ binh lẫn thủy binh. 

      Uyên chợt hỏi tôi:

      – Thưa anh, sao người ta gọi thành này là thành có hình trôn ốc (Cổ Loa)?

      Tôi khen Uyên:

      – Câu hỏi này rất hay! Uyên hãy nhớ lại trên bản đồ thành Cổ Loa ta xem lúc trước, ba vòng thành Nội, Trung và Ngoại gần như chúng có một đoạn giáp lại rất gần nhau, đó là cửa Nam mà lúc vào thành chúng ta đã đi ngang qua. Vì có chỗ chụm lại gần nhau như thế nên thành có hình dáng của đường xoáy ốc mà khu Đền Thượng này cũng là Hoàng cung xưa chính là trôn ốc. Chính cái không đều đặn của thành và hào sâu chằng chịt ăn thông nhau tạo cho thành những “bát quái đồ” hay “mê hồn trận”. Khi quân địch có vào được thành cũng khó tấn công thêm hoặc khó rút ra.

       Cũng dựa trên luận cứ của những nhà nghiên cứu về thành Cổ Loa cho ta thấy thêm những tính toán quân sự của người xưa trong việc xây thành. Cửa Nam là cửa chính và cũng là cửa thành duy nhất mà ba vòng thành có thể ăn thông với nhau. Ngoài ra, những cửa của thành Trung và thành Ngoại, không kể cửa Nam, gồm những cửa phụ như cửa Đông ăn thông với sông Hồng và có đầm Cả mà những nhà quân sự ngày nay cho là đó là quân cảng của Cổ Loa ngày xưa; cửa Bắc quan trọng hơn cả vì là hướng trực diện với quân thù do tướng Cao Lỗ đích thân trấn giữ   nên nay có tượng thờ tướng Cao Lỗ, tức là ông Nỏ, ở cửa thành này; cửa Tây bắccửa Tây nam. Những cửa này không có cửa nào ăn thông suốt với cửa kia như cửa Nam, nên quân địch không thể dùng thế đánh “gọng kìm” hay tiếp ứng cho nhau dễ dàng được.

      Đứng trên gác chuông cao, tôi chỉ cho Uyên và Thi những vị trí cần biết mà những người đến thăm thành Cổ Loa không thể không lưu tâm đến, đó là những khu vực mà các nhà khảo cổ đã đào tìm ra được những di chỉ cổ xưa, như:

    – Ở Bãi Mèn hay Đường Mèn đã tìm được những di vật đầu thời đại Đồng thau

    – Ở Cầu Vực tìm được hàng vạn đầu mũi tên đồng. Điều này chứng tỏ Cổ Loa đã có một kỹ nghệ chế tạo vũ khí khá quy mô.

    – Ở gò Mả Tre đã tìm được trống đồng Cổ Loa, nổi tiếng sánh ngang với những trống đồng Ngọc Lũ và trống đồng Hoàng Hạ cùng có niên đại trên 2.000 năm.

    Cứ như những cổ vật tìm được ở trên thì ta thấy đã có người sinh sống bên bờ sông Hoàng Giang này cách nay từ trên 2.300 năm.

 

Chúng tôi dời Đền Thượng, theo hướng trở lại cửa thành phía Nam để đến Đình Cổ Loa gần đó. Đình này còn gọi là đình “Ngự Triều Di Quy” xây trên di tích còn sót lại của “Điện Ngự Triều” trong “thành Nội”, nơi vua họp bàn việc nước cùng các quan.

                

blank
Cổng đền “Ngự Triều Di Quy”.                  Sân đình “Ngự Triều Di Quy”.

 

Ngôi đình cũ đã bị tàn phá bởi chiến tranh. Ngôi đình hiện tại có niên đại chính xác vào đời vua Thành Thái (1891). Đình được mua từ Việt Trì, cách Cổ Loa khoảng 50 cây số, được thả bè trôi sông tới sông Đuống thì được kéo lên, đem về đây lắp lại. Quanh khu đình là một khoảng đất rộng, khang trang. Kiến trúc cổng đình và tường xây chung quanh rất đẹp, mang rất rõ nét đặc thù văn hóa cổng đình của Việt nam.

      Trong đình có bàn thờ, trước bàn thờ có nhiều câu đối và có một tấm “võng thờ” sơn son thếp vàng, trạm trổ long, ly, quy, phượng rất công phu và tuyệt đẹp. Hai bên bàn thờ là đôi hạc và hai bộ “bát bộ” (vũ khí thời xưa).

 

blank

Bàn thờ với tấm “cửa võng” chạm trổ tinh vi.

      

Bên cạnh đình có một cây đa, dân địa phương gọi là “cây đa nghìn tuổi”, do chính tay vua Ngô Quyền trồng khi ngài đóng đô ở đây. Rễ đa được bao trùm lên cổng vào của miếu thờ Công chúa Mỵ Châu. Rễ chính của cây đa đã chết, nay nó chỉ sống nhờ vào những rễ phụ.

 

blank

Cây đa “nghìn tuổi” được vua Ngô Quyền trồng năm 939
khi ngài đóng đô ở Cổ Loa.Rễ cây đa phủ lên cổng vào miếu Mỵ Nương.

 

Chúng tôi vào trong miếu Mỵ Châu. Trong miếu có một tượng thờ cụt đầu ở thế ngồi xếp chân “bằng tròn”, mặc áo công chúa mầu vàng, rộng phủ hết ngôi tượng, cổ đeo nhiều vòng trang sức xanh đỏ sặc sỡ. Nghe nói tượng này là phiến đá mang từ đường Cống Sứ về. 

      Theo truyền thuyết thì trước khi bị cha chém đầu, Công chúa lậy thưa cùng vua cha: “Lạy cha. Vì con nhẹ dạ tin người nên bị người lừa, chứ con không có bụng dạ nào phản cha, hại nước. Nếu quả con có lòng theo giặc làm phản, thì chết đi con sẽ trở thành tro, thành bụi. Nếu trước sau con vẫn một dạ thờ cha thì con sẽ thành đá, thành ngọc, ngược dòng trôi về cửa cha”. Theo truyền thuyết này, xác Mỵ Châu trôi về Cổ Loa và được dân làng vớt lên chôn cất. Hàng năm cứ đến ngày 13 tháng 8 âm lịch thì dân chúng trong vùng có tục lệ “ăn sêu” bà Chúa, chỉ ăn bún chứ không ăn cơm.

      Trong miếu thờ, ánh sáng lù mù của đôi đèn nhỏ làm không khí nơi thờ phượng công chúa Mỵ Châu trở nên âm u như có những vong linh lẩn quất nơi đây. Thi riu ríu đi bên tôi như có vẻ sợ hãi.

 

blank    

                    Tượng công chúa Mỵ Châu.

 

     Tôi nói với Thi:

      – Em ra khấn gì đi, bà Chúa linh thiêng lắm đấy!

      Thi nhìn tôi rồi cũng rón rén ra trước tượng Công chúa cụt đầu chắp tay lâm râm khấn vái. 

      Khấn xong, Thi lại rụt rè đi về phía tôi mà trên nét mặt nàng vẫn còn phảng phất nét nửa e dè, nửa trịnh trọng, trang nghiêm và thành khẩn.

      Thi hỏi tôi:

      – Anh không khấn à?

      – Anh khấn rồi.

      – Anh khấn gì vậy?

      Tôi nheo mắt trêu Thi:

      – Em biết rồi mà!

      Thi nhìn thẳng vào mắt tôi rồi ngượng nghịu cúi xuống, nói nhỏ:

      – Em không biết!

      Vừa đúng lúc đó Uyên bước vào. Thi nhanh nhẩu nói:

      – Chị Uyên vào khấn bà Chúa đi! Em vừa cầu xin sức khỏe cho Thầy mẹ và gia đình mình.

      Nói xong Thi nhìn tôi mỉm cười. Tôi biết, thế là Thi đã hiểu được những gì tôi vừa muốn nói. Con gái họ cũng tinh ý lắm.

      Thi bỏ ra ngoài để mặc tôi và Uyên ở lại trong miếu. Uyên, cũng với bộ mặt nghiêm trang, tiến tới đứng gần tôi nhìn quanh. Uyên nắm cánh tay tôi kéo ra ngoài.

      Vừa tới cửa miếu, Uyên nói với tôi bằng một giọng thật nhẹ nhàng:

      – Em cám ơn anh!

      – Cám ơn gì hở Uyên?

      Uyên nhìn tôi cười với ánh mắt biết ơn:

      – Em cám ơn anh đã đưa chúng em đi chơi ngày hôm nay.

      Tôi vội quay người lại, đối diện với Uyên, tay phải để trước ngực, cúi rạp mình xuống:

      – Hân hạnh! Hân hạnh!

      Uyên cười đánh nhẹ vào cánh tay tôi:

      – Cái anh này!

      Chợt Thi ở đâu chạy lại với hai quả quít trên tay:

      – Anh và chị có chuyện gì mà vui thế? Em mới xin được “lộc” cho anh và chị đây này.

      Chúng tôi ra khỏi đình, đạp xe thẳng tới cửa Bắc để chiêm bái tượng ngài Cao Lỗ.

      Cao Lỗ, người tướng tài của vua Thục An Dương Vương, đã từng theo vua đi đánh giặc Tần, đã từng khuyên vua dời đô từ vùng trung du về miền xuôi đồng bằng vì vùng đất đó hứa hẹn sự phát triển mau chóng cho đất nước về sau. Ông cũng là người có công lớn trong việc xây dựng nên thành Cổ Loa và đã phát minh ra “nỏ thần” bắn được nhiều mũi tên trong một lần bấm cò. 

      Mỗi khi nhắc tới nỏ thần, dân gian cho đó là một loại võ khí chỉ sông sông cạn, chỉ núi núi tan. “Cò nẩy” của nỏ thần là một “bí mật quốc gia” mà vua An Dương Vương đã để bị tiết lộ bởi gian kế của địch quân Triệu Đà. Tin vào quân địch, bỏ tướng trung, việc mất nước của vua An Dương Vương là điều có thể hiểu được và cũng là bài học mà con cháu phải trả một giá quá đắt với một nghìn năm nô lệ. Nhân dân đời sau rất thương quý vua An Dương Vương nhưng cũng phê phán: Người cơ mưu chẳng nghiệm, thương con, tin rể thì còn trách ai.

      Khi được tin Triệu Đà đánh thắng vua An Dương Vương, Cao Lỗ vội từ quê nhà trở lại Cổ Loa để cứu vua, nhưng quá trễ. Cao Lỗ bị Triệu Đà giết chết trong trận đánh cuối cùng. Ta cũng nên biết, danh tướng Cao Lỗ đã bị nhà vua đuổi đi hoặc ông đã tự xin từ chức về quê vì đã hết mực ngăn cản việc giao hòa với Triệu Đà bằng cách nhận cho Trọng Thủy vào thành ở rể mà không thành. Tướng Cao Lỗ quả là một nhân vật lịch sử, quân sự tài ba, nhìn xa biết rộng của thuở sơ khai lập quốc của dân tộc ta. Thật đáng tiếc thay!
blank

Đền và tượng tướng Cao Lỗ hay ông Nỏ.    Tên đồng Cổ Loa.

 

Bên cạnh truyện ông Nỏ ta cũng còn truyện ông Nồi tương tự trong thời gian ấy. Theo sử sách kể lại, có một nhà nghèo nọ ở Hương Canh, nay thuộc huyện Yên Lãng, tỉnh Phú Thọ (Vĩnh Phú) làm nghề nặn nồi niêu. Hai vợ chồng sinh ra một đứa con trai, đặt tên là Nồi.

      Nồi càng lớn càng thông minh, lại giỏi võ nghệ. Nhân vua An Dương Vương mở khóa thi võ để chọn người tài, Nồi dự thi và giật giải đô vật và giải võ, được cử làm tướng trong triều. Ông Nồi lấy vợ ở làng Chiêm Trạch gần Cổ Loa, đẻ hai con trai là Đống và Vực. Ba cha con cùng theo giúp vua An Dương Vương. Cũng như ông Nỏ, ông Nồi nhất quyết can ngăn nhà vua cho Trọng Thủy được ở trong thành. Thấy các Lạc tướng trong triều được Triệu Đà mua chuộc, vua lại không nghe lời khuyên can của mình nên ba cha con ông Nồi cùng bỏ triều đình về quê sinh sống ở Chiêm Trạch. 

      Khi Triệu Đà đánh thắng vua An Dương Vương, ba cha con ông Nồi chiêu binh, lập căn cứ ở Chiêm Trạch để chống trả lại Triệu Đà. Cuộc chống trả không thành công, ba cha con ông Nồi bị bắt. Triệu Đà dụ hàng, ba cha con ông Nồi không chịu, Triều Đà giết đi cả.

      Thêm nữa, vua An Dương Vương không phải chỉ có tướng giỏi trong giai đoạn đóng đô ở Cổ Loa mà ngay cả trong thời gian xẩy ra trận chiến 10 năm chống quân Tần Thủy Hoàng sang xâm lăng Âu Việt (Thục) và Lạc Việt (Văn Lang). Vua Thục An Dương Vương lúc đó đã biết sử dụng chiến tranh du kích và tiêu thổ kháng chiến để đánh thắng 50 vạn quân Tần bách chiến bách thắng từ xa tới. Tướng nguyên soái cầm đầu đoàn quân viễn chinh ấy là Đồ Thư cũng bị giết chết. Trong cuộc chiến tranh 10 năm ấy, có một tướng tài của vua Thục Phán là Lý Ông Trọng. 

      Cuộc chiến tranh dài ấy, lúc đánh lúc hòa. Lúc cần hòa vua Thục Phán đã sai ông Lý Ông Trọng đi sứ sang Tần. Nhà Tần lúc đó đã xây Vạn Lý Trường Thành để ngăn chặn người Hung Nô ở phía bắc nước Tầu thường sang đánh phá ở biên giới. Vạn Lý Trường Thành không đủ ngăn cản nổi sự tấn công của người Hung Nô. Tần Thủy Hoàng nhờ Lý Ông Trọng đến biên giới để đánh quân Hung Nô.

      Đánh đâu thắng đó, vua Tần Thủy Hoàng rất yêu quý ông và gả công chúa cho. Vua Tần muốn giữ ông ở lại, nhưng ông Trọng nại cớ tuổi đã cao nhất quyết xin về nước. Vua Tần đành phải cho ông về. Theo truyền thuyết trong Lĩnh Nam Chích Quái có ghi là sau khi ông Trọng về rồi, vua Tần Thủy Hoàng sai đúc tượng đồng giống ông rất lớn. Mỗi khi quân Hung Nô sang đánh nước Tần, quân Tần lại kéo tượng ông tới trận tiền. Quân Hung Nô tưởng ông có mặt thì rút lui. Sau này người Tầu gọi chung những tượng lớn là “tượng Ông Trọng.”

      Uyên và Thi yên lặng nghe tôi nói về những vị tướng lịch sử mà dân gian yêu quý đã trở thành truyền thuyết hay huyền thoại. Thi cứ ngẩn cả người ra nghe như đang nghe tôi kể truyện cổ tích. Tôi nhẹ đùa xoa đầu Thi khen là học trò ngoan. Thi chỉ mỉm cười. Nàng còn đang chìm đắm trong những huyền thoại về những nhân vật lịch sử mà tôi vừa kể. 

      Những huyền thoại trong dân gian nước ta lại dường như được lồng vào trong những thực tại, nên ta có thể coi huyền thoại như một thực thể có thật được diễn tả dưới dạng dân gian. Như “nỏ thần” là có thật, đã tìm được, mà nay nó được nhìn nhận như một phát minh cơ khí của tướng Cao Lỗ với hàng vạn mũi tên đồng nay tìm được ở Cầu Vực, Cổ Loa. Cũng như truyện Sơn Tinh–Thủy Tinh là những khó khăn trị thủy của dân ta qua hệ thống đê điều. Huyền thoại và thực tế đan lồng vào với nhau để diễn tả một sự việc có thật dưới dạng một hệ thống tâm thức, tư duy hay tâm linh khác.

 

– Nguyễn Giụ Hùng


(Ảnh chụp là của tác giả).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *