Phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp



Người lao động luôn ý thức, đặt an toàn lên hàng đầu trong quá trình tác nghiệp 

Khó kiểm soát

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 618.000 lao động đang làm việc trong các thành phần kinh tế. Trong đó, lao động làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động chiếm 60,5%, số lao động làm việc có quan hệ lao động và có hưởng tiền công, tiền lương chiếm 39,5%. Chia theo lĩnh vực hoạt động, có 25,1% lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; 26,2% lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng và 48,7% làm các ngành dịch vụ.

Nhiều công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn được khởi công và đi vào hoạt động, sử dụng nhiều lao động, đòi hỏi cần phải chú trọng, quan tâm đến công tác đảm bảo ATVSLĐ trong quá trình lao động, sản xuất. Tuy nhiên, tại một số đơn vị, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhận thức, ý thức của người sử dụng lao động về ATVSLĐ còn hạn chế. Công tác huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức về ATVSLĐ ở một số doanh nghiệp còn mang tính hình thức, việc tổ chức rút kinh nghiệm và thực hiện các giải pháp phòng ngừa TNLĐ ở một số doanh nghiệp chưa được coi trọng đúng mức. Ý thức, nhận thức việc chấp hành pháp luật về ATVSLĐ của một bộ phận người lao động còn hạn chế, chủ quan, làm bừa, làm ẩu, vi phạm quy trình an toàn, dẫn đến tăng nguy cơ xảy ra TNLĐ, BNN.

Theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, công tác thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lao động còn gặp nhiều khó khăn, nhất là lao động trong ngành xây dựng, giao thông do lao động thường xuyên biến động, đa số là lao động theo hợp đồng thời vụ nên việc thực hiện các chế độ về BHXH, BHYT, BHTN và các chính sách khác đối với người lao động chưa được đảm bảo theo quy định.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ mới chỉ tập trung vào các ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ như khai khoáng, điện, sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng. Số lượng các doanh nghiệp được thanh, kiểm tra còn ít so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Việc chấp hành các quy định pháp luật về ATVSLĐ của một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế, chưa quan tâm và dành nguồn lực, kinh phí thỏa đáng cho công tác ATVSLĐ. Còn nhiều doanh nghiệp sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu, không đảm bảo an toàn. Tỷ lệ các đơn vị thực hiện quan trắc môi trường lao động còn thấp hoặc một số nơi thực hiện mang tính hình thức, chưa chú trọng xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc.

Ý thức và trọng trách

Những năm gần đây, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm TNLĐ, BNN; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về ATVSLĐ, huấn luyện, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN… cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Đơn cử tại các đơn vị như Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế, Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế, Công ty Hữu hạn Xi măng Luks (Việt Nam), Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam…, lực lượng làm công tác ATVSLĐ tại các đơn vị này ý thức được vai trò và trách nhiệm nên đã tích cực nâng cao trình độ nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng tham mưu, giúp lãnh đạo đơn vị xây dựng, tổ chức thực hiện tốt hơn công tác ATVSLĐ.

Người sử dụng lao động cũng như lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã nhận thức rõ hơn về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và hạnh phúc của người lao động. Vì vậy, người sử dụng lao động luôn có trách nhiệm hơn trong việc chăm lo sức khỏe người lao động, tăng cường đầu tư máy móc, thiết bị, đổi mới công nghệ để cải thiện điều kiện làm việc; quản lý chặt chẽ công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Người lao động cũng thấy được hậu quả và hệ lụy do TNLĐ, BNN gây ra nên từng bước đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nội quy, quy trình, biện pháp đảm bảo ATVSLĐ trong quá trình thực hiện công việc. Nhờ đó, tình hình TNLĐ, BNN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được kiểm soát.

Về chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN, theo số liệu báo cáo từ cơ quan Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Thừa Thiên Huế có hơn 124.160 người tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN. Tổng số thu vào quỹ nửa đầu năm 2023 đạt hơn 19,87 tỷ đồng. Đến nay, cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 91 người lao động hưởng chế độ TNLĐ hàng tháng và 372 người lao động hưởng chế độ TNLĐ một lần; giải quyết 26 trường hợp hưởng chế độ BNN; giải quyết chế độ đối với thân nhân 86 trường hợp bị chết do TNLĐ. Trong đó, có 58 trường hợp hưởng chế độ tử tuất hàng tháng, 26 trường hợp đã được hưởng chế độ BNN. Thực ra, con số tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN so với tổng số lao động trên toàn tỉnh vẫn còn rất thấp.

Bên cạnh chú trọng đảm bảo ATVSLĐ cũng cần tăng tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN để đề phòng bất trắc, rủi ro xảy ra, nhất là lao động làm các nghề có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN trong khu vực không có quan hệ lao động.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *