Đông đảo du khách tham quan, tìm hiểu các sản phẩm dệt truyền trống tại làng nghề
Chúng tôi đến làng dệt Chăm Mỹ Nghiệp những ngày này, chứng kiến bà nơi đây rất phấn khởi khi nghề dệt đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăn hộ đồng bào Chăm có thu nhập khá.
Con đường trung tâm làng Chăm Mỹ Nghiệp đã được trãi nhựa sạch đẹp, dọc hai bên đường là nhà cao tầng khang trang, tạo nên bộ mặt nông thôn đổi mới. Vào làng dệt, chúng tôi tận mắt chứng kiến nhiều nghệ nhân đôi bàn tay thoăn thoắt với những con thoi lướt trên khung dệt để tạo ra những tấm vải thổ cẩm thủ công tinh tế, màu sắc hoa văn độc đáo.
Nghệ nhân Thuận Thị Trào (đồng bào Chăm đã hơn 50 năm gắn bó với nghề dệt lại làng Chăm Mỹ Nghiệp) cho biết: Các sản phẩm dệt tại đây được làm hoàn toàn thủ công, nghề dệt cũng được lưu giữ đời này sang đời khác bằng hình thức “mẹ truyền con nối”.
Phụ nữ làm nhiệm vụ chính dệt vải, đàn ông sẽ nhận trách nhiệm cắt may thổ cẩm thành sản phẩm. Nguyên liệu chính làm nên thương hiệu dệt Mỹ Nghiệp chính là cây bông vải được trồng tại chính địa phương. Sau đó, phải trải qua rất nhiều công đoạn: bông sau khi thu hoạch được tách hạt, se sợi, cuộn, ngâm, dập, nhuộm, hồ, chải, đánh bóng rồi đem phơi.
Tiếp đến là khâu nhuộm được coi là quan trọng nhất, đòi hỏi kinh nghiệm, thẩm mỹ cao để pha màu sao cho đa dạng mà vẫn hài hòa. “Tất cả các màu đều được làm từ lá, vỏ cây rừng, như màu đen lấy từ lá cây chùm bầu đem ngâm bùn non, màu đỏ từ mủ cây cánh kiến, màu xanh từ lá vỏ cây tram”, nghệ nhân Thuận Thị Trào nói.
Nghệ nhân Kiều Thị Mỹ Thuận giới thiệu về các sản phẩm dệt
Bà Kiều Thị Mỹ Thuận (40 tuôi, người Chăm), một nghệ nhân có tay nghề giỏi tại đây cho rằng: Dệt hoa văn cổ trên các tấm vải được xem là khâu khó nhất trong các công đoạn dệt. Để dệt được những hoa văn này, người nghệ nhân phải có kỹ thuật giỏi và phải luyện qua thời gian rất dài.
Các biểu tượng hoa văn cổ mang đậm bản sắc dân tộc Chăm được dệt trên các tấm vải gồm: hình quả trám, hình rồng cách điệu, thần đèn, thần Siva và gần đây đã phát triển có thêm hình voi Tây Nguyên, hoa mai của người Kinh…
Trong khi các nghệ nhân nữ chuyên dệt thì các nghệ nhân nam tại làng nghề này chủ yếu làm các công đoạn cắt vải và may vá tạo ra các sản phẩm thủ công: túi sách, ba lô, khăn… để bán cho khách du lịch.
Anh Phú Minh Thuần, nghệ nhân đồng bào Chăm có 15 năm gắn bó với nghề cát vải vay hàng thủ công tại đây cho biết: Ngoài sản phẩm tấm thổ cẩm thô, làng Chăm Mỹ Nghiệp hiện tại đã có rất nhiều sản phẩm đa dạng khác, phải kể đến khăn rằn, khăn Chăm, túi xách, ví, áo sơ mi, áo khoác, váy, mũ, khăn trải bàn, khăn trải giường.
Hiện nay, mức thu nhập của anh Phú Minh Thuận là khoảng 7,5 triệu – 8 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập không cao lắm, nhưng nghề dệt đã tạo ra công ăn việc làm ổn định cho người dân nơi đây.
Ông Võ Minh Trân, Trưởng phòng VHTT huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận cho biết: Hiện nay, làng Chăm Mỹ Nghiệp có hơn 700 hộ đồng bào Chăm với khoảng 4.000 nhân khẩu, thì đã có tới 500 thợ dệt tay nghề cao, đầy kinh nghiệm gắn bó lâu năm với khung dệt. Các sản phẩm dệt tại đây một phần xuất ra thị trường các tỉnh, phần còn lại phục vụ bán cho khách du lịch đến tham quan tại làng nghề.
Nhiều du khách quốc tế rất quan tâm các sản phầm dệt truyền thống
Trong năm 2023, ước tính có khoảng 50.000 lượt khách trong nước, quốc tế đến làng nghề dệt Chăm Mỹ Nghiệp tham quan, tìm hiểm về nghề dệt của đồng bào Chăm. Vào các dịp lễ, tết, Lễ hội Katê khách du lịch đến làng rất đông, nhiều du khách còn mua các sản phẩm dệt để làm qua lưu niêm nên lượng hàng hóa từ sản phẩm dệt bán ra nhiều hơn, bà con theo nghề dệt cũng có thu nhập cao.
Từ xa xưa làng có tên Chăm là Ca Klaing, tên tiếng Việt là Mỹ Nghiệp. Theo truyền thuyết, thế kỷ XVII một người phụ nữ tên Ponagar đã đến vùng đất này, nhận thấy khí hậu nơi đây thích hợp với việc trồng bông lấy tơ dệt vải. Bà đã truyền lại nghề cho Ong Xa và bà Chaleng là hai vợ chồng sinh sống ở làng. Từ đó, cùng với làng gốm Bàu Trúc, làng Chăm Mỹ Nghiệp đã được phát triển đến tận ngày nay.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận xác nhận: Làng Chăm Mỹ Nghiệp hiện nay là một trong những điểm đến du lịch thu hút rất đông khách trong nước, quốc tế đến tham quan. Hằng năm, Sở VHTTDL phối hợp với địa phương, các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các tour du lịch thường xuyên đưa du khách về đây tham quan.
XUÂN HƯỚNG