Ngày 2/11, tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 Hà Nội, Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm (Ban Chỉ đạo 89) Thành phố Hà Nội tổ chức Chương trình tọa đàm trao đổi về công tác dạy nghề, việc làm cho học viên cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy và vay vốn tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú với chủ đề “Đường về”.
Nghiên cứu những chính sách phù hợp, hiệu quả trong dạy nghề, tạo việc làm cho học viên cai nghiện
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 89 Thành phố cho biết, trong thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND, Ban Chỉ đạo các cấp luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy và quản lý, điều trị cho người nghiện ma túy.
Bên cạnh việc tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền, đấu tranh triệt xóa, bắt giữ các đường dây, ổ nhóm, đối tượng phạm tội về ma túy, Thành phố đặc biệt quan tâm tới công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện, trong đó có công tác lao động trị liệu tại các Cơ sở và tạo việc làm tại nơi cư trú cho người nghiện sau cai nghiện ma túy.
Ban Chỉ đạo 89 Thành phố đã dành nhiều tâm – sức trong việc tổ chức buổi chương trình “Đường về” với tâm ý: Chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể luôn sát cánh cùng gia đình để đồng hành cùng các học viên trong quá trình trị liệu, lao động và dạy nghề, tạo việc làm xây dựng cuộc sống mới, có công ăn việc làm ổn định, nuôi sống được bản thân và gia đình, trở thành những người công dân có ích cho xã hội.
Tại chương trình, những tâm tư, nguyện vọng của hơn 400 học viên đang cai nghiện ma túy đại diện cho 3.000 học viên của 7 cơ sở cai nghiện của Hà Nội đã được gửi gắm tới lãnh đạo các cấp, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất và gia đình.
Có thể thấy, cai nghiện ma túy thành công là một hành trình đầy gian nan và nhiều thử thách. Song việc giữ gìn không tái nghiện cũng là cả một sự nỗ lực, cố gắng không ngừng. Thực tế, đã có một số trường hợp nghị lực, bản lĩnh, cộng với sự quan tâm, trợ giúp từ nhiều phía, đã từ bỏ ma túy trong nhiều năm, hòa nhập xã hội tốt, lấy lại niềm tin yêu của những người xung quanh.
Có thể kể đến trường hợp Đội trưởng Đội công tác xã hội, Chủ nhiệm Câu lạc bộ B93 xã Đông Xuân (huyện Sóc Sơn) Ngô Hữu Mười hay hội viên Câu lạc bộ B93 phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình) Nguyễn Trường Giang.
Sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện về nơi cư trú từ năm 2014, các anh đã tự vận động tìm việc làm, lao động sản xuất và còn tham gia Câu lạc bộ B93 và Đội Công tác xã hội tình nguyện, cho đến nay, các anh đều có việc làm ổn định, còn tham gia công tác phòng chống tệ nạn xã hội, ma túy.
Từ trải nghiệm của bản thân, hai tấm gương cai nghiện thành công cùng bày tỏ: “Con đường trở về luôn rộng mở, chỉ cần mỗi người hãy quyết tâm từ bỏ con đường từng lầm lỡ, hãy làm lại cuộc đời bằng sự tự tin của chính mình”.
Cũng tại tọa đàm, nhiều học viên đã chia sẻ quyết tâm từ bỏ ma túy như học viên Nguyễn Văn Thiệu (SN 1984, Long Biên, Hà Nội). Từng là là sinh viên du học Trung Quốc, Thiệu luôn được cha định hướng nghiêm khắc và mong con thành đạt. Trong thời gian học ở Trung Quốc, Thiệu bị tai nạn và được cha vượt ngàn km sang tận nơi chăm sóc. Đến khi tốt nghiệp về nước tìm việc làm thì gặp cú sốc tâm lý cha mất do tai biến khiến Thiệu rơi vào bế tắc và tìm đến ma túy. Trong thời gian cai nghiện, vợ Thiệu bỏ đi để lại 2 con nhỏ cho mẹ đẻ Thiệu nuôi. Thiệu mong muốn sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện được trở thành trụ cột gia đình, lo cho mẹ và con.
Hay trường hợp học viên Nguyễn Huy Hiếu (SN 1995, Mê Linh, Hà Nội). Khi biết Hiếu sa vào con đường nghiện ngập, cha Hiếu đã dùng mọi cách để giúp con tránh xa ma túy trong đó có việc dùng xích cột trói tay chân lại. Tâm lý Hiếu lúc đó rất tiêu cực nghĩ cha quá khắt khe, nghiêm khắc. Cho đến giờ khi đang cai nghiện, Hiếu mới nhận ra cha mẹ rất quan tâm tới Hiếu bởi thường xuyên được cha mẹ thăm nuôi, không bỏ mặc. Do vậy, Hiếu mong muốn và quyết tâm từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời.
Tuy nhiên, để giúp các học viên trên “đường về” làm lại cuộc đời thì hoạt động tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm được coi là giải pháp hết sức quan trọng. Trong thời gian qua, TP. Hà Nội đã có nhiều chính sách trong công tác dạy nghề, tạo việc làm và vay vốn dành cho học viên sau cai; chính quyền các cấp và các cơ quan, đoàn thể có liên quan đã có sự vào cuộc đồng bộ, nhưng công tác này còn nhiều hạn chế, khó khăn vướng mắc.
Chương trình dạy nghề chủ yếu mang tính “trị liệu” cho học viên là chính, chưa có sự gắn kết giữa các chương trình dạy nghề với các doanh nghiệp, công ty, cơ sở kinh doanh, sản xuất… nên chưa tạo được nhiều cơ hội việc làm cho học viên sau cai nghiện ma túy.
Chính sách cho học viên sau cai nghiện ma túy được vay vốn để tạo việc làm, chính sách ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp nhận các học viên sau cai nghiện vào làm việc còn nhiều vướng mắc dẫn tới rất ít cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhận “người sau cai nghiện” vào làm việc. Hơn nữa, bản thân người sau cai nghiện cũng mặc cảm, tự ti, chưa thực sự có ý chí để tìm công việc phù hợp, tránh xa môi trường cũ. Cũng không ít trường hợp do thiếu sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình khiến cho quá trình cai nghiện trước đó nhanh chóng thất bại, dễ dàng tái nghiện…
Do đó, rất cần các cấp, các ngành nghiên cứu, có những chính sách phù hợp, hiệu quả trong dạy nghề, tạo việc làm cho học viên cai nghiện ma túy và dạy nghề, vay vốn, tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú góp phần tích cực đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội tại cộng đồng, bảo đảm các chính sách an ninh xã hội.
Bản lĩnh, nỗ lực, cố gắng của chính bản thân các học viên
Chứng kiến những câu chuyện, chia sẻ tại chương trình, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo 89 TP. Hà Nội xúc động cho hay: “Tọa đàm thực sự xúc động, có nụ cười, niềm vui, có giọt nước mắt. Chúng ta tin tưởng rằng qua chương trình sẽ tạo thêm động lực, niềm tin để các bạn học viên ‘về nhà’ thành công như chủ đề rất ý nghĩa “Đường về”.
Ông Lê Hồng Sơn cũng nhắn nhủ các học viên cai nghiện: “Tương lai, cuộc sống, đường về có tốt đẹp, có thành công hay không chính là phụ thuộc vào bản lĩnh, nỗ lực, cố gắng của chính bản thân các học viên. Hãy tận dụng tối đa hiệu quả, cơ hội cai nghiện, học nghề, thành nghề, có việc làm, thu nhập, nuôi sống bản thân và gia đình, để những giọt nước mắt của người thân yêu sẽ không phải rơi…”.
Cũng tại chương trình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn giao Ban Chỉ đạo 89 các quận, huyện, thị xã chỉ đạo cụ thể, quyết liệt hơn nữa về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai, xác định được tầm quan trọng của công tác dạy nghề, tổ chức lao động trị liệu cho người tham gia cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện; công tác quản lý, chăm sóc, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú thông qua các mô hình sau cai nghiện. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm, giới thiệu các chính sách hỗ trợ của Trung ương và Thành phố cho người sau cai nghiện ma túy.
Sở LĐTB&XH TP. Hà Nội có giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phối hợp tiếp nhận, tổ chức quản lý, điều trị cai nghiện cho học viên tại cơ sở, bám sát nhu cầu học nghề của học viên; chủ động tham mưu xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, cơ chế phối hợp nhằm đổi mới, tạo một điểm khác biệt nâng cao về công tác dạy nghề, tổ chức lao động trị liệu và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho học viên tại các cơ sở cai nghiện ma túy.
“Khẩn trương phối hợp với các sở, ban HĐND hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình HĐND ban hành về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, quản lý sau cai nghiện”, ông Lê Hồng Sơn nói.
Ban Chỉ đạo 89 các quận, huyện, thị xã cần đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý người sau cai nghiện ma túy, bảo đảm 100% người sau cai nghiện ma túy trở về địa phương được quản lý, chăm sóc, hỗ trợ tại cộng đồng, thông qua các mô hình quản lý, chăm sóc hỗ trợ người sau cai tại các địa phương. Chủ động phối hợp với các tổ chức ngân hàng, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tích cực giới thiệu, hướng dẫn tạo cơ hội cho người sau cai được tiếp cận vốn vay, được học nghề, giới thiệu vệc làm ngay tại địa phương…
Lắng nghe các trao đổi, chia sẻ tại chương trình, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi đánh giá Hà Nội đã triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng chống ma túy, cai nghiện, từ đó, đã từng bước xã hội hóa việc dạy nghề, tạo việc làm tạo nguồn lực cho công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn Hà Nội.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị UBND TP.Hà Nội, Ban chỉ đạo 89 Thành phố và các sở, ban ngành có liên quan có các biện pháp nhằm nhân rộng các điển hình cai nghiện thành công và vay vốn, tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú (tuyên truyền vận động, giáo dục thuyết phục, cơ chế, chính sách pháp luật…).
Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy đảng và chính quyền, đặc biệt là cấp xã, phường với công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát động phong trào toàn dân tham gia vận động, giúp đỡ, quản lý người nghiện cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng; đồng thời nâng cao trách nhiệm của bản thân người nghiện, gia đình người nghiện, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội trong công tác cai nghiện, dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy, để giúp nhiều người nghiện ma túy cai nghiện thành công, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Cũng nhân chương trình ý nghĩa này, Ban Chỉ đạo 89 TP.Hà Nội tặng quà 7 cơ sở cai nghiện ma túy của Thành phố thực hiện tốt công tác cai nghiện, dạy nghề, tạo việc làm cho học viên; đồng thời biểu dương, tặng quà 14 học viên của Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội và Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 Hà Nội có kết quả tốt trong hoạt động rèn luyện và lao động trị liệu.
Hoàng Giang