Câu hỏi rất thời sự nhưng không dễ trả lời, được PGS.TS Phạm Quỳnh Phương – ĐH Quốc gia Hà Nội – đặt ra tại tọa đàm khoa học “Đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong các trường ĐH đa ngành – những vấn đề lý luận và thực tiễn” – do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư tổ chức vào ngày 27-10.
Loay hoay kiếm việc
Bà Phạm Quỳnh Phương cho biết con trai bà tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp (khoa đồ họa) nhưng cả năm vừa rồi không làm gì cả vì bạn cho rằng mình vẫn thiếu hụt các kỹ năng cần thiết để gia nhập thị trường lao động đầy cạnh tranh.
Một năm qua bạn học hỏi thêm marketing, làm video, học sâu hơn về văn hóa, kỹ năng kinh doanh… đã không được dạy ở trường ĐH.
Con trai bà Phương không là cá biệt. Các sinh viên nghệ thuật hiện nay hầu hết vẫn chỉ được trang bị những kỹ năng truyền thống cơ bản sẽ thua trắng trước trí tuệ nhân tạo trong tương lai khi mà AI sẽ ngày càng hoàn thiện và xâm lấn hơn.
TS Phạm Quang Long, nguyên giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội, sau là Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, khẳng định đào tạo nghệ thuật ở các trường ĐH của ta những năm qua chưa cung cấp đủ tri thức cho sinh viên ra trường làm nghề và phát triển đường dài.
Ông ví dụ qua quan sát vài chục nghệ sĩ ở các nhà hát của Hà Nội.
Họ ban đầu diễn rất tốt, có thanh có sắc, nhưng 10 năm sau đa số họ vẫn chỉ quanh quẩn với các vai nhân vật phụ. Chỉ một số ít lên kép chính. Ông Long nhận ra cái đưa các nghệ sĩ đi xa không phải chỉ có thanh, sắc, kỹ năng diễn xuất mà còn cần phông văn hóa rộng lớn.
Ngày nay, trước sự “đe dọa” từ AI, những người làm sáng tạo, các nghệ sĩ sẽ càng cần phải mở rộng phông văn hóa mới có thể khác biệt và tồn tại. PGS.TS Phạm Xuân Thạch – Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội – cũng đặt câu hỏi các trường phải chuẩn bị gì cho sinh viên khi các lĩnh vực truyền thống hiện nay đang khủng hoảng.
Ví dụ, với sinh viên khoa văn, các em sẽ ra sao khi “Viện Văn học hiện nay giỏi lắm mỗi năm lấy một cán bộ, các viện nghiên cứu may lắm mỗi năm lấy hai, ba nhân lực, các cơ quan quản lý văn hóa trầy trật xin được một biên chế”.
Nghệ sĩ phải có tư duy sáng tạo nhờ vào kiến thức toàn diện. Sẽ không xa nữa, sự khác biệt là ở chỗ có biết sử dụng AI hay không mà thôi. Các nghệ sĩ sẽ phải như các kiến trúc sư trong văn hóa nghệ thuật chứ không chỉ là những nghệ sĩ.
Bà Phạm Quỳnh Phương
Khác biệt là biết sử dụng AI không
Bà Phạm Quỳnh Phương cho rằng để sinh viên nghệ thuật có thể tham gia thị trường các ngành công nghiệp sáng tạo thì ngoài kỹ năng chuyên môn cần thêm nhiều kỹ năng khác. Và các trường đa ngành có thể góp vào sự thiếu hụt này.
Ở các trường đa ngành, sinh viên nghệ thuật có thể tiếp cận nhiều ngành học khác nhau, khơi sự sáng tạo, góc nhìn mới mẻ trong tiếp cận nghệ thuật, khuyến khích công nghệ, ý tưởng mới.
Nhờ đó sinh viên có thể được kích hoạt một tư duy mới, toàn diện hơn về nghệ thuật. Nghệ sĩ của thời đại AI cần biết đặt nghệ thuật trong bức tranh rộng hơn của đời sống con người.
Trước AI, các sinh viên ngành thiết kế sẽ không chỉ học kỹ năng thiết kế, phát triển sản phẩm mà phải được đào tạo cả quản trị kinh doanh, luật, phương thức khởi nghiệp.
Thế hệ lao động sáng tạo mới không chỉ có các sản phẩm cụ thể mà quan trọng nhất là phải có một tầm nhìn, nghiên cứu và định hướng để phát triển các sản phẩm tạo nên giá trị cạnh tranh cho quốc gia.