BNEWS
Bắc Giang là một trong số địa phương được lựa chọn thí điểm triển khai bệnh án điện tử.
Nhằm đẩy mạnh triển khai các nội dung của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), chiều 7/1 Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang để triển khai thí điểm bệnh án điện tử trên địa bàn tỉnh. Bắc Giang là một trong số địa phương được lựa chọn thí điểm triển khai bệnh án điện tử. Theo đó, trong giai đoạn 1, cơ quan chuyên môn của tỉnh tập trung hoàn thiện hạ tầng, phấn đấu mỗi người dân Bắc Giang có một sổ sức khỏe điện tử, từ đó thuận lợi trong chuyển tuyến, hẹn khám lại. Ở giai đoạn 2, các bệnh viện, cơ sở y tế công lập kết nối với các nhà thuốc để thống nhất quản lý, tạo dữ liệu cho tỉnh. Tỉnh phấn đấu đến ngày 15/1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hoàn thành triển khai bệnh án điện tử, kết nối vào hệ thống chung với Bệnh viện Bạch Mai; các đơn vị còn lại hoàn thành trong năm 2025.Để chuẩn bị triển khai bệnh án điện tử, các cơ sở y tế trong tỉnh đã quan tâm bố trí kinh phí đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin. Đến nay, 17/17 cơ sở y tế công lập có phần mềm LIS (hệ thống phần mềm ghi lại, quản lý, cập nhật và lưu trữ dữ liệu xét nghiệm bệnh nhân) đạt mức nâng cao; 17/17 cơ sở có phần mềm PACS (hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh trong y khoa) nâng cao; hệ thống loa gọi bệnh nhân, xếp hàng tự động, màn hình hiển thị số thứ tự tự động tại các phòng khám, nâng cấp mạng LAN, máy chủ, hệ thống lưu trữ, tường lửa và hệ thống wifi…. Cùng với đó, toàn tỉnh có hơn 52,3 nghìn người tích hợp thẻ bảo hiểm y tế vào sổ sức khỏe điện tử trên VNeID, đạt 49,6%; tỷ lệ sử dụng thẻ căn cước công dân đi khám chữa bệnh đạt 83%.
Tuy nhiện, tại các bệnh viện dự kiến thí điểm triển khai bệnh án điện tử vẫn còn gặp một số khó khăn như: kinh phí lắp đặt hạ tầng phòng máy chủ lớn, dung lượng lưu trữ nhiều nên các cơ sở y tế gặp khó khăn về nguồn lực. Hạ tầng mạng chưa đồng bộ, tốc độ thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; phần mềm bệnh án điện tử mới triển khai nên còn nhiều vấn đề chưa phù hợp với thực tế… Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an nhấn mạnh, sổ sức khỏe điện tử là tiền đề quan trọng để làm bệnh án điện tử; đồng thời đề nghị tỉnh Bắc Giang cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động người dân, thực hiện thành công mục tiêu mỗi người dân trên địa bàn tỉnh có một sổ sức khỏe điện tử. Phấn đấu, đến ngày 15/1 vận hành chính thức liên thông dữ liệu sổ sức khỏe điện tử và bệnh án điện tử giữa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang với Bệnh viện Bạch Mai.Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau 1 năm triển khai bệnh án điện tử, đến nay Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thiện hạ tầng, sẵn sàng kết nối với các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Giang liên thông dữ liệu trên bệnh án điện tử, tạo thuận lợi, cắt giảm chi phí, thời gian cho người bệnh. Để triển khai thí điểm tại Bắc Giang, Bệnh viện Bạch Mai sẵn sàng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm với các cơ sở y tế của tỉnh. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn khẳng định, việc triển khai bệnh án điện tử càng sớm càng có lợi cho người dân và ngành y tế. Ông Mai Sơn đề nghị Văn phòng UBND tỉnh sớm tham mưu, trình UBND tỉnh văn bản chỉ đạo cơ quan, đơn vị, địa phương cùng vào cuộc triển khai bệnh án điện tử. Sở Y tế khẩn trương tổ chức đoàn công tác tham khảo cách triển khai tại Bệnh viện Bạch Mai, đồng thời tham mưu dự thảo, trình UBND tỉnh kế hoạch triển khai nội dung này đối với các Trung tâm Y tế trên địa bàn toàn tỉnh. Công an tỉnh phối hợp với Sở Y tế rà soát lại hệ thống an toàn an ninh mạng cho các đơn vị triển khai thí điểm bệnh án điện tử. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để tăng tỷ lệ tích hợp thẻ bảo hiểm y tế vào sổ sức khỏe điện tử, bảo đảm mỗi người dân có một sổ sức khỏe điện tử trên VNeID. Sở Y tế rà soát, yêu cầu các cơ sở chưa thực hiện khám bảo hiểm y tế hoàn thiện thủ tục để liên thông với ngành Bảo hiểm xã hội; kết nối với các ngân hàng thương mại hỗ trợ lắp đặt máy móc, trang thiết bị phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở khám chữa bệnh, bảo đảm thuận lợi nhất cho người dân.