Đại biểu Đoàn Nghệ An đề nghị Quốc hội thông qua chính sách bố trí 1.275 tỷ đồng chi trả giải phóng mặt bằng nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A qua tỉnh

Đây là ý kiến của đại biểu Thái Thị An Chung – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An khi thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Chiều 27/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ. Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An thảo luận tại Tổ 3 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Kạn và Quảng Ngãi. Dự phiên thảo luận có Thượng tướng Trần Quang Phương – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Đoàn ĐBQH Quảng Ngãi.

bna-toan-canh-phien-thao-luan-tai-to-3-anh-nam-an-8733.jpg.webp
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Nam An

Phiên thảo luận tổ tập trung vào vấn đề điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Đặc biệt, trong dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ có quy định: “Bố trí vốn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 để thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng (bao gồm phần chậm trả) các dự án giao thông đường bộ thuộc nhiệm vụ của ngân sách trung ương phát sinh sau khi dự án đã quyết toán”.

bna-dai-bieu-thai-thi-an-chung-pho-truong-doan-chuyen-trach-doan-dbqh-nghe-an-phat-bieu-thao-luan-7053.jpg.webp
Đại biểu Thái Thị An Chung – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nam An

Phát biểu thảo luận, đại biểu Thái Thị An Chung – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho biết, Nghị quyết trên nếu được thông qua sẽ bố trí tăng thu ngân sách năm 2022 để thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua Nghệ An còn tồn đọng.

Theo đó, Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua Nghệ An có tổng chiều dài là 73,8km do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ 1994 – 1998 và giai đoạn 2 từ 2013 -2015.

Vị đại biểu Đoàn Nghệ An cho biết: Thực tế giai đoạn 1, theo văn bản của Bộ GTVT và quy định của tỉnh thì phần diện tích giải tỏa hành lang chỉ bồi thường tài sản, không bồi thường về đất. Đến khi thực hiện giai đoạn 2, các hộ dân bị ảnh hưởng đề nghị bồi thường phần đất dự án giai đoạn 1 chưa thực hiện nhưng chưa được giải quyết.

Do đó, khi hoàn thành giai đoạn 2 của dự án, hơn 3.000 hộ dân có đơn khiếu nại, thậm chí rất nhiều đơn khởi kiện ra tòa liên quan đến vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng.

“Có những thời điểm xảy ra khiếu nại đông người, phức tạp. Sau đó, tỉnh Nghệ An đã thành lập rất nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra và phối hợp các bộ, ngành liên quan, xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường rất nhiều lần”, đại biểu Thái Thị An Chung nói và cho biết thêm, thực tế khi trúng cử ĐBQH đơn vị bầu cử thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu, cử tri đã phản ánh gay gắt việc giải quyết bồi thường này. Hiện nay, không chỉ Đoàn ĐBQH Nghệ An mà một số đại biểu và Đoàn ĐBQH khác cũng nhận được đơn thư của cử tri liên quan đến vấn đề tồn đọng nêu trên.

Thậm chí, không chỉ nhiệm kỳ này mà các nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV đã có rất nhiều đơn thư của công dân gửi đến cho các đại biểu.

Cũng theo đại biểu Thái Thị An Chung, năm 2019, 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường lần lượt có Công văn 1293, 4353 trả lời, trong đó khẳng định phần diện tích đã giải tỏa giai đoạn 1 của dự án phải được bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành.

Do vậy, tỉnh Nghệ An đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ GTVT để rà soát, xác định số kinh phí cần phải chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Hiện nay, nguồn kinh phí được báo cáo 1.275 tỷ đồng, trong đó tiền gốc hơn 573 tỷ đồng, tiền lãi do chậm chi trả là hơn 701 tỷ đồng (dự tính đến 31/12/2023).

Đại biểu Thái Thị An Chung phân tích thêm: Thực tế, theo quy định pháp luật về đất đai, xây dựng thì công tác giải phóng mặt bằng là một hạng mục trong tổng mức đầu tư của dự án, cho nên về nhiệm vụ chi thuộc trách nhiệm ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, dự án đã quyết toán nguồn vốn từ năm 2016 đến 2019 nên trong bố trí vốn trung hạn của Bộ GTVT không có.

“Lần này, cử tri Nghệ An cũng như các ĐBQH Đoàn Nghệ An rất mong mỏi được các vị ĐBQH ủng hộ để sớm giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân và ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn; đồng thời giải quyết sớm để tiết kiệm, tránh lãng phí trong vấn đề chi ngân sách, vì càng chậm trả thì tiền lãi càng phát sinh”.

Đại biểu Thái Thị An Chung – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An

Trước đó, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đồng tình cao với việc thực hiện Chính phủ trình Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, nhất là giao cho một số địa phương làm chủ đầu tư trên cơ sở đề xuất, năng lực của địa phương và vấn đề liên quan đến mỏ vật liệu xây dựng; xây dựng danh mục cụ thể để xác định rõ phạm vi thực hiện thí điểm; ủy quyền trong thời gian Quốc hội không họp thì cho phép Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề liên quan các dự án khác cần thiết phải thực hiện thí điểm.

bna-z4823088240656-eb5016060d2aac9a72f81e9e35e50eeb-3277.jpg.webp
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nam An

Liên quan đến điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ Nghệ An cho rằng, trong các nguyên nhân chậm trễ dự án có hai nguyên nhân là do tập trung nguồn lực cho việc thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn: Giầu Dây – Phan Thiết, Bến Lức – Long Thành; phục vụ các đoàn kiểm tra, giám sát nên lực lượng bị thiếu hụt là chưa thỏa đáng.

Theo đại biểu, việc tập trung nguồn lực các dự án đã có trong kế hoạch nên không phải là vấn đề phát sinh và cũng không phải là yếu tố khách quan; đồng thời công tác kiểm tra, giám sát là rất cần thiết trong việc thực hiện các dự án trọng điểm. Do đó, đề nghị xem xét lại đối với 2 nguyên nhân này.

Thành Duy

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *