Để có phong cách làm việc gần dân, sát dân, Người yêu cầu cán bộ, đảng viên cần thường xuyên tiếp xúc, làm việc với quần chúng Nhân dân, hòa mình vào những hoạt động thực tiễn phong phú, đa dạng, vào những phong trào thi đua yêu nước diễn ra trong các tầng lớp Nhân dân để lắng nghe những tâm tư tình cảm, nguyện vọng của quần chúng để thấu hiểu, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của họ.
Trong vòng 10 năm, từ năm 1955 – 1965, theo một thống kê chưa đầy đủ, Người đã về địa phương, cơ sở, đã đến với Nhân dân hơn 700 lần. Đặc biệt, vì muốn mắt thấy, tai nghe những việc thật, thông tin thật, người thật từ cơ sở, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường tránh báo trước, tránh những nghi thức rườm rà, nghi lễ đón tiếp, khẩu hiệu chào mừng, hàng rào danh dự… và nhất là rất ít khi ăn cơm ở những cơ sở, địa phương nơi Người đến.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về gần dân, đã có nhiều cán bộ, đảng viên phát huy tinh thần trách nhiệm, gắn bó với cơ sở, lắng nghe, phát hiện và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở. Nhiều việc khó được giải quyết nhanh chóng, thấu tình đạt lý, tạo được niềm tin của Nhân dân với Đảng, với tổ chức, địa phương và với bản thân mỗi cán bộ như công tác giải phóng mặt bằng làm đường giao thông, thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo, công tác cải cách thủ tục hành chính…
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn có cán bộ, đảng viên chưa thực sự gần dân, gắn bó với cơ sở. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: Có cán bộ còn ức hiếp Nhân dân, thờ ơ, bàng quang với Nhân dân, vòi vĩnh Nhân dân, trù dập Nhân dân họ giống như ông vua con ở những nơi đó. Đặc biệt, trước những tác động của mặt trái cơ chế thị trường và sự chống phá quyết liệt của kẻ thù, một số cán bộ, đảng viên đã không giữ được mình, bị chi phối bởi những đồng tiền, danh vọng, quyền lực, từ đó, xa vào quan liêu, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, không quan tâm, lo lắng đến cuộc sống của Nhân dân, chỉ lo lắng vun vén cho lợi ích cá nhân, gia đình, dòng họ của mình.
Tư tưởng gần dân, trọng dân, lắng nghe dân của Bác Hồ đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần để làm tròn bổn phận, trách nhiệm mà Đảng và Nhân dân giao phó.