Mỗi nghệ nhân biểu diễn đấu chiêng đều là người thổi hồn vào từng làn điệu, lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng của người Cor tại vùng núi rừng Quảng Ngãi.
Nghệ thuật biểu diễn đấu chiêng từ lâu đã trở thành là một nét văn hóa đặc sắc trong đời sống của đồng bào dân tộc Cor tại huyện miền núi Trà Bồng (Quảng Ngãi). Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận cồng chiêng dân tộc Cor là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó đấu chiêng là bộ môn nghệ thuật có giá trị đặc sắc nổi bật. Sự công nhận này góp phần để người Cor có thêm động lực lưu giữ nét văn hóa đặc trưng.
“Đối với người Cor, cái chiêng nó quý lắm, một chiếc chiêng có giá 30-40 triệu đồng, như vậy có khi phải đổi một con trâu mới có được chiếc chiêng”, đó là những lời bộc bạch mà nghệ nhân đấu chiêng đến từ Quảng Ngãi Hồ Văn Biên chia sẻ với Mekong ASEAN.
Chiếc chiêng không chỉ là một loại nhạc cụ thông thường, mà còn đóng vai trò quan trọng trong văn hóa tâm linh của người Cor và được sử dụng trong những dịp quan trọng của đồng bào như lễ hội Ngã rạ diễn ra vào tháng 11 âm lịch, dịp lễ để người Cor cảm tạ thần linh và nghỉ ngơi, vui chơi sau những ngày lao động nặng nhọc. Biểu diễn chiêng cũng được tổ chức trong các dịp lễ như giỗ ông bà, cúng thần, ngày hội Cồng Chiêng…
“Từ hồi xa xưa, cái chiêng đã được ông bà ta dùng để cúng thần, cúng ông bà, làm lễ hội. Người ta lấy cái chiêng để đánh mừng ông bà, để rước ông bà về nhà”, nghệ nhân Biên cho biết.
Chiêng của người Cor được làm từ đồng, có bề mặt tương đối phẳng, khác biệt so với các loại chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên. Ảnh: Lê Hồng Nhung |
Trong nghệ thuật đấu chiêng, trống là một loại nhạc cụ không thể thiếu. Trống của người Cor có bề mặt được làm từ da con mang. Ảnh: Lê Hồng Nhung |
Để tạo nên một màn biểu diễn đấu chiêng hoàn chỉnh cần có khoảng 20 người, trong đó sẽ có 5-6 người đánh chiêng, còn lại là người múa và người đánh trống. Bài chiêng được đánh trong thi đấu là sự kết hợp của bài chiêng đón khách và tiếp khách cùng với sự ngẫu hứng và sáng tạo của người thi đấu bổ sung vào hai bài chiêng này những chuỗi nhịp điệu nhanh, mạnh dứt khoát để tạo nên bài đấu chiêng có tiết tấu rộn rã, sôi động, khác lạ…
Chiêng của người Cor được làm từ chất liệu đồng, với đường kính trung bình 50 cm. Khác với chiêng vùng Tây Nguyên, chiêng của đồng bào Cor không có núm mà là bề mặt nhẵn nhụi. Tiếng trống, tiếng chiêng cùng những điệu múa đã tạo nên một bản hòa ca mà chỉ thuộc về đồng bào Cor và núi rừng Quảng Ngãi.
Nhân vật biểu diễn trong video: Nghệ nhân Hồ Văn Biên Video: Lê Hồng Nhung |
Là một nghệ nhân, nghệ nhân Hồ Văn Biên đã truyền dạy, thổi hồn đam mê đến với lớp trẻ tại địa phương. Dù vậy, với sự xoay chuyển của thời đại, người nghệ sỹ già vẫn luôn đau đáu về một nỗi trăn trở là làm sao để giữ gìn, đưa nghệ thuật đấu chiêng và văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình tiếp tục phát triển, không bị mai một.
“Đấu chiêng phải có đam mê nhưng thế hệ trẻ ngày nay lại thiếu điều đó, chỉ học cho biết. Các chú giờ cũng già rồi, cần có lớp trẻ tiếp nối gìn giữ. Giờ phải làm sao để thế hệ trẻ có thể tiếp bước cha ông, bảo tồn và phát triển nét văn hóa cồng chiêng của dân tộc”, nghệ nhân Biên nói.
Thời gian qua, ông Biên và những cộng sự của mình đã được tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ đến biểu diễn, quảng bá tại các tỉnh, thành phố trong nước cũng như tại nước ngoài, trong đó nổi bật là sự kiện biểu diễn tại đảo Jeju (Hàn Quốc) năm 2009, hay sự kiện “Vui Tết độc lập” năm 2022 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội).
Gần đây nhất là Hội nghị Giới thiệu tỉnh Quảng Ngãi ngày 25/10, nghệ thuật đấu chiêng của người Cor không chỉ được giới thiệu đến người dân trong nước mà còn đến bạn bè quốc tế, góp phần đưa nghệ thuật biểu diễn đấu chiêng của người Cor tiến tới gần hơn bản đồ văn hóa thế giới.
Tỉnh Quảng Ngãi thời gian qua đã nỗ lực trong việc đưa nét văn hóa đấu chiêng của đồng bào dân tộc Cor đến bạn bè trong nước và quốc tế thông qua các chương trình giao lưu, gần đây nhất là Hội nghị Giới thiệu Quảng Ngãi. Ảnh: Lê Hồng Nhung |
Để phát triển và quảng bá văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình, ông Biên cho rằng, cần có thêm các đề án liên kết du lịch để người Cor, đặc biệt là lớp trẻ có nền tảng vững chắc để bám địa phương, từ đó an tâm tiếp tục phát triển nghệ thuật đấu chiêng. Đồng thời, ông Biên cũng mong muốn đưa nghệ thuật biểu diễn này vào chương trình học cùng với việc dạy tiếng Cor…
Dưới góc độ chính quyền, chia sẻ với Mekong ASEAN, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng cho biết, tỉnh hiện đang thực hiện 3 mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Sở đã xây dựng kế hoạch liên quan đến 5 huyện miền núi trên địa bàn tỉnh, bao gồm quảng bá giới thiệu văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số.
Tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Dự án 6). Trong năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch thực hiện Dự án 6 trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025 và Kế hoạch thực hiện năm 2023.
Năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi đã dành khoảng 2 tỷ đồng ngân sách thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình, bao gồm công tác tuyên truyền, phục dựng một số hoạt động liên quan văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Giai đoạn 2024 – 2025, sau khi được phân bổ ngân sách, tỉnh sẽ tiếp tục chi các khoản này cho việc bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, bao gồm nghệ thuật biểu diễn đấu chiêng của người Cor.
Ảnh: Lê Hồng Nhung
“Sở đã có kế hoạch và đã truyền tải kinh phí để phục vụ cho các hoạt động bảo tồn văn hóa, bao gồm\ phát triển văn hóa phi vật thể, trong đó có văn hóa cồng chiêng và phát triển thành một nét văn của đồng bào Cor hay nghề dệt thổ cẩm Ba tơ. Chúng tôi đã có kế hoạch từ nay đến năm 2025 phải phục dựng, tạo điều kiện để lan truyền phát huy văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Cor”
Trong vấn đề đưa nghệ thuật biểu diễn đấu chiêng vào chương trình học, ông Dũng cho rằng đây là trách nhiệm của các ngành phải gìn giữ văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, nếu triển khai được, đây sẽ là một nét đặc trưng để thu hút khách du lịch, trở thành một sản phẩm du lịch, từ đó gắn kết nét văn hóa này với du lịch.
“Muốn gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của người Cor thì phải đưa vào trường học để lớp trẻ tiếp cận được. Số lượng nghệ nhân đấu chiêng hiện nay cũng đã lớn tuổi, phải dạy cho thể hệ trẻ để lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ sau”, theo ông Dũng.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong hành trình bảo tồn văn hóa này, bao gồm vấn đề liên kết du lịch. Hiện nay du lịch của Quảng Ngãi phát triển chưa mạnh, lượng du khách đến tỉnh còn ít mà muốn loại hình văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số phát triển, được quảng bá mạnh hơn thì phải có du khách.
Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng, đào tạo lớp trẻ kỹ năng đánh chiêng phải được lựa chọn kỹ, tìm các em thực sự có năng khiếu để cầm tay chỉ việc, do đó việc đào tạo không thể thực hiện đại trà và sẽ tốn nhiều thời gian. Ông Dũng cho rằng, vấn đề kinh phí cũng là một trong những thách thức khiến việc bảo tồn, phát triển trở nên khó khăn.
Niềm khao khát bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa của cha ông cùng sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đấu chiêng nói riêng và nghệ thuật cồng chiêng nói chung của người Cor được đặt ra với nhiều kỳ vọng sẽ phát triển xa hơn, đưa văn hóa này đến mọi vùng miền của tổ quốc và để văn hóa của người Cor vượt qua biên giới, ghi danh vào bản đồ văn hóa thế giới.