thách thức và thích ứng với phát triển du lịch hiện nay



Quê nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An – ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh


1. Đặt vấn đề


Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với 16.490,25 km2, dân số hơn 3 triệu người, đứng thứ tư cả nước với nhiều dân tộc cùng sinh sống. Lịch sử hình thành lâu đời đã để lại trên mảnh đất này hệ thống di tích – danh thắng có giá trị. Theo Quyết định số 201/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An ngày 17-1-2018 phê duyệt danh mục kiểm kê di tích, danh thắng trên địa bàn Nghệ An thì trên địa bàn tỉnh có 2.602 di tích, trong đó 481 di tích đã được xếp hạng, có 6 di tích cấp quốc gia đặc biệt. Trong số 481 di tích được xếp hạng, có 7/11 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận gồm: khu di tích lịch sử Truông Bồn (Đô Lương); đền thờ Hoàng đế Quang Trung và di tích Phượng Hoàng Trung Đô (Vinh); chùa Đại Tuệ (Nam Đàn); thác Khe Kèm (Con Cuông); đền Ông Hoàng Mười (Hưng Nguyên); đền Quả Sơn (Đô Lương), khu lưu niệm Phan Bội Châu (Nam Đàn). Đặc biệt, Nghệ An là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, với di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn).


Những thuận lợi trên chính là điều kiện, là cơ sở để khai thác, phát triển du lịch, đồng thời thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân cũng như doanh nghiệp vào hoạt động du lịch; góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền và người dân địa phương, hướng tới xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch xứ Nghệ.


Trong những năm qua, du lịch Nghệ An đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Hằng năm, Nghệ An được chọn làm điểm dừng chân của hàng nghìn lượt khách, trong đó, nhiều nhất là đền Ông Hoàng Mười, đền Cờn, đền Quả Sơn, Khu di tích Kim Liên… Để có được kết quả ấy là sự nỗ lực không ngừng của chính quyền địa phương và nhân dân Nghệ An, vượt qua những thách thức, tiến tới thích nghi với sự thay đổi của thời cuộc, biến thách thức thành cơ hội để phát triển.


2. Từ những thách thức


Thách thức đầu tiên là phương pháp đón tiếp, phục vụ khách theo kiểu truyền thống tại các di tích đã không còn phù hợp


Trừ một số di tích trọng điểm, di tích được công nhận điểm du lịch, hầu hết các di tích trên địa bàn tỉnh Nghệ An những năm qua vẫn còn tư tưởng ngồi chờ khách đến, khách tự phục vụ. Đây là tư tưởng lỗi thời, ảnh hưởng nặng nề bởi quá khứ. Điều này dễ lý giải bởi Nghệ An từ xưa đến nay luôn được xem là vùng đất trọng trấn, đất căn bản của các triều đại phong kiến. Vì thế, người dân cũng mang nặng tư tưởng phong kiến, đó là kiểu trọng nam khinh nữ, việc cúng đơm, lễ bái là việc của đàn ông, phụ nữ không được phép bước chân vào cửa chùa, cửa đền. Bởi vậy, khi về với các công trình văn hóa tâm linh ở Nghệ An, người ta thường bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ chỉ là người quét dọn vệ sinh ở phía ngoài, không được vào bên trong. Tuy nhiên, có một nghịch lý là số lượng nữ giới so với nam giới đến với đền, chùa, miếu mạo… lại chiếm phần hơn. Nhiều di tích vẫn giữ quan niệm không cho nữ giới bước chân vào hậu cung, thậm chí là chỉ được bái vọng ở phía ngoài. Đây chính là lý do khiến nhiều nữ du khách ngoại tỉnh tỏ thái độ khó chịu, bất bình. Chưa kể, với người dân bản địa, việc tự phục vụ không có vấn đề khó khăn, nhưng du khách nơi khác đến, không rõ phong tục tập quán, không rõ cách thức sắp xếp lễ vật và trình thức thực hiện nghi lễ nên bỡ ngỡ, lúng túng là điều không tránh khỏi. Quan trọng hơn là họ luôn mang tâm trạng lo lắng vì sợ làm không đúng, không phải, mạo phạm đến thần linh. Và rõ ràng là, lần đầu đến họ sẽ không muốn quay lại lần thứ hai nếu không thay đổi tư tưởng và cách phục vụ.


Trong khi đó, nhìn ra các tỉnh khác có du lịch tâm linh phát triển như Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Nội… các di tích đền, chùa tấp nập người ra vào, người phục vụ trong đền không phân biệt nam, nữ, cách phục vụ chuyên nghiệp. Không những thế, tại nhiều di tích, đội tế lễ là nữ, trình thức cúng tế bài bản, tạo nên nét đặc sắc, thu hút du khách. Như vậy, đây là một thách thức rất lớn, nếu không muốn nói là rào cản, trên con đường đưa hệ thống di tích trở thành bệ đỡ để phát triển du lịch của tỉnh Nghệ An.


Thứ hai là cơ sở vật chất, cách thức quản lý và kết nối du lịch


Ngoài các di tích trọng điểm, tại các di tích còn lại, phần lớn chưa được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất. Trong khuôn viên di tích, cơ bản thiếu các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh công cộng, khu vực rửa lễ, phòng ngồi chờ… Hệ thống điện, đường, nhà hàng, khách sạn… cũng thiếu và không đạt tiêu chuẩn. Nhiều di tích bố trí hệ thống đường điện không phù hợp, dây rợ lằng nhằng, rất nguy hiểm cho du khách. Một số di tích nằm ở vị trí sâu hoặc ở lưng chừng núi, đường vào rất khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa. Hệ thống quán ăn, nhà nghỉ xung quanh nhiều di tích, nhất là di tích ở nông thôn và miền núi cũng vừa thưa thớt, vừa tạm bợ, có nơi du khách đến tham quan di tích nhưng phải quay trở lại mấy chục cây số mới có nhà nghỉ, khách sạn, thậm chí như Khu di tích Kim Liên du khách phải xuống thành phố Vinh mới tìm được nhà nghỉ, khách sạn đạt chuẩn…


Cách thức quản lý tại các di tích còn lỏng lẻo. Với các di tích trọng điểm (trừ những di tích tỉnh quản lý trực tiếp: khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, khu lưu niệm Phan Bội Châu, nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai, Khu di tích Kim Liên, khu di tích Truông Bồn), Ban/ Tổ quản lý di tích thường có cán bộ huyện, thành phố, thị xã làm trưởng ban. Tuy nhiên, do chỉ kiêm nhiệm nên không có nhiều thời gian dành cho các hoạt động tại di tích, các thành phần này chỉ xuất hiện vào các dịp quan trọng, còn lại là do các bác làm việc tại các di tích tự quản lý. Lực lượng quản lý cũng mỏng nên thường không thể kiểm soát được các hoạt động, nhất là vào dịp lễ hội. Bởi vậy, hình ảnh thường thấy khi đến với các di tích ở Nghệ An vào dịp này là: phía ngoài, tình trạng ăn xin, chèo kéo khách mua hàng, tăng giá dịch vụ gửi xe (đền Ông Hoàng Mười, đền Cờn, đền Làng Rào…). Phía trong là tình trạng tranh giành khách của các thày cúng, gây mất thiện cảm đối với du khách ngoại tỉnh. Đối với các di tích ở miền núi, vào các dịp lễ hội thì ngoài các tiêu cực như tăng giá dịch vụ, chèo kéo khách còn có tình trạng để các gian hàng trò chơi lấn át các hoạt động truyền thống. Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm, là một thách thức không nhỏ nếu muốn đẩy mạnh phát triển du lịch từ hệ thống di tích. Ngoài ra, tại một số di tích còn xảy ra hiện tượng thất thoát lớn về tiền công đức. Đây chính là hệ luỵ của hoạt động quản lý lỏng lẻo.


Việc kết nối du lịch còn thụ động, hầu như du khách đến với các di tích (trừ những di tích trọng điểm) đều do tự tìm hiểu hoặc được những người đi trước giới thiệu. Chính quyền các địa phương chưa quan tâm, chú trọng đến công tác quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, kết nối với các đơn vị lữ hành, các công ty du lịch, chưa đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ, nhất là với các di tích danh thắng ở miền Tây Nghệ An. Tình trạng các du khách đi theo kiểu tự phát rất phổ biến, nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra do không có người quản lý, hướng dẫn cũng như cơ sở vật chất không đảm bảo.


Thứ ba là không theo kịp sự phát triển của công nghệ thông tin


Trong khi trình độ công nghệ thông tin được nâng cấp từng ngày thì ở các di tích tại Nghệ An, khả năng áp dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ cao còn chậm, lúng túng và chưa đồng đều. Hầu hết, các di tích mới chỉ dừng lại ở việc đăng tin quảng bá, giới thiệu trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, hoạt động này cũng chưa thường xuyên, chỉ tập trung tuyên truyền vào một số ngày lễ lớn. Với một số di tích trọng điểm, có đầu tư, phối hợp với các đài truyền hình trung ương và tỉnh xây dựng các chuyên đề và phát trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc xây dựng các video phát trên các nền tảng xã hội như YouTube, TikTok… còn xa lạ. Chưa kể, trong khi công nghệ số đã phát triển lên mức 4D, 5D… thì ở Nghệ An, các di tích vẫn đang sử dụng các phương thức truyền thống như phát tờ rơi, tuyên truyền bằng hệ thống loa phát thanh hay thông qua các cuộc thi tìm hiểu… Tại hầu hết các di tích ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, việc ứng dụng công nghệ thông tin rất khó khăn do không có hoặc đường truyền mạng yếu.


Thứ tư là cán bộ, người lao động làm việc trong hệ thống các di tích còn thiếu và yếu cả về trình độ chuyên môn lẫn khả năng tiếp cận công nghệ


Cán bộ làm việc tại các di tích đa phần là những người lớn tuổi, những người đã nghỉ hưu tại các cơ quan nhà nước. Bởi vậy, khả năng nhanh nhạy, tiếp cận với sự thay đổi của công nghệ thông tin, ứng dụng, vận dụng công nghệ cao vào việc quản lý, điều hành và quảng bá, giới thiệu di tích rất hạn chế. Trong khi đó, bộ phận cán bộ đương chức làm việc tại các cơ quan nhà nước như Ban quản lý Di tích tỉnh, Trung tâm Văn hóa thông tin và truyền thông, Phòng Văn hóa – Thông tin các huyện, thành phố, thị xã được giao quản lý di tích cũng chỉ là kiêm nhiệm nên thời gian và tâm huyết dành cho di tích cũng không nhiều, không thể tập trung chuyên môn sâu vào mảng di tích.


Thứ năm là thách thức đối với nhiều lễ hội tại các di tích


Nếu như trước đây, lễ hội là dịp để thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh, thì ngày nay, vì nhiều nguyên nhân, một số lễ hội đã không còn giữ được sức thu hút, hấp dẫn của mình đối với du khách. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất, phổ biến nhất là sự giống nhau giữa các lễ hội. Ngoài một số lễ hội tiêu biểu đã được ghi danh vào danh mục di sản phi vật thể cấp quốc gia hay lễ hội được công nhận là lễ hội truyền thống cấp tỉnh thì đi đến đâu du khách cũng dễ dàng nhận thấy sự giống nhau trong cách thức tổ chức, nội dung, trò chơi… nhiều lễ hội được phục hồi nhưng lại sao chép nội dung của lễ hội khác khiến nó trở nên lạ lẫm đối với người dân bản địa và nhạt nhòa đối với du khách thập phương như lễ hội đền Cồng (Quỳnh Lưu), lễ hội đền Vích (Diễn Châu)…



Lễ hội Đền Cờn – ảnh: Cổng TTĐT Sở Du lịch Nghệ An


 


3. Đến sự thích nghi với phát triển du lịch


Cũng như các địa bàn trên cả nước, chính quyền và nhân dân Nghệ An cũng thấy được sự phát triển không ngừng của đời sống xã hội, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, xã hội bắt đầu tiệm cận tới những tiêu chí mới về đời sống vật chất, tinh thần. Nhu cầu về du lịch, trong đó có du lịch tâm linh, du lịch sinh thái ngày càng lớn. Bởi vậy, nếu không thay đổi tư duy theo kiểu lối mòn truyền thống sẽ rất khó để tạo động lực cho kinh tế du lịch phát triển, dẫn đến tình trạng “đóng băng” cả hệ thống di tích. Do đó, thích nghi là xu hướng tất yếu để hệ thống di tích tồn tại và phát triển:


Thứ nhất là thay đổi tư duy quản lý và điều hành hoạt động, coi hệ thống di tích là sản phẩm phục vụ du lịch


Di tích vốn dĩ đã là một sản phẩm của lịch sử, chứa đựng trong mình những thông điệp của thời gian, những tri thức của dân gian. Bởi vậy, khi di tích được khai thác để phục vụ du lịch, không chỉ đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị về kết cấu kiến trúc, phong tục, tín ngưỡng mà ngược lại còn giúp di tích “sống” được, hòa nhập được với đời sống văn hóa hiện đại.


Tại nhiều địa phương ở Nghệ An như thị xã Hoàng Mai, huyện Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn… chính quyền đã chú trọng đến cơ sở vật chất, các công trình phụ trợ như nhà khách, nhà soạn lễ, nhà vệ sinh công cộng… được đầu tư. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng như điện, đường, nhà nghỉ, khách sạn, quán ăn, nhà hàng… cũng được chính quyền tỉnh, huyện quan tâm đầu tư. Thái độ phục vụ của những người trực tiếp làm việc tại di tích đã thay đổi theo chiều hướng tích cực, chuyên nghiệp hơn, từ việc hướng dẫn, phân luồng du khách thắp hương, tham quan đến bố trí người thực hiện dịch vụ cúng đơm, xóc xăm, giải thẻ…


 Không thể phủ nhận, những năm gần đây, du khách về với Nghệ An ngày càng đông, trong đó, tốp đầu chính là các di tích trọng điểm như đền Cờn, đền Ông Hoàng Mười, Khu di tích Kim Liên… kéo theo sự phát triển của rất nhiều dịch vụ, góp phần tăng trưởng kinh tế của địa phương, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho những người dân nơi có di tích.


Thứ hai là vận dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào di tích


Những năm gần đây, nhận thấy tầm quan trọng và hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ cao vào việc quảng bá và giới thiệu, lan toả giá trị của di tích đối với du khách trong tỉnh, ngoài tỉnh và du khách quốc tế, nhiều di tích đã mạnh dạn đầu tư các trang thiết bị hiện đại để vận dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao. Đi đầu trong hoạt động này là Khu di tích Kim Liên. Đến tham quan quê nội, quê ngoại Bác, du khách còn được trải nghiệm tham quan các địa điểm khác bằng công nghệ ảo VR 360 độ và công nghệ AR thực tế ảo. Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng được các di tích (bao gồm cả những di tích chưa xếp hạng) tận dụng triệt để. Nhiều di tích chủ động lập các trang fanpage, Zalo, Facebook… để giới thiệu, quảng bá và tiếp nhận thông tin của du khách. Các nền tảng số như YouTube, TikTok, Instagram… cũng được tận dụng tối đa vào mục đích quảng bá, giới thiệu di tích, đặc biệt là vào các dịp lễ hội hoặc kỉ niệm ngày sinh, ngày mất của các danh nhân. Ngày càng xuất hiện nhiều video giới thiệu về di tích của các Youtuber, Tiktoker chuyên nghiệp, các cán bộ văn hóa cũng như của những du khách trực tiếp trải nghiệm… trên các trang Zalo, Facebook, TikTok… Nhờ đó, nhiều di tích trước đây, nhất là loại hình danh thắng chưa từng được biết hoặc chỉ phục vụ dân bản địa thì nay đã thu hút được hàng trăm lượt khách trong và ngoài tỉnh vào các dịp lễ (thác Khe Kèm, suối nước Mọc…).


Năm 2018, Ban quản lý Di tích tỉnh Nghệ An đã số hóa đối hệ thống tư liệu liên quan đến các di tích. Với chương trình này, nhân dân và du khách ở bất cứ đâu cũng có thể truy cập được thông tin về các di tích trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ban còn chú trọng đào tạo một số cán bộ chuyên sâu về công nghệ thông tin nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quảng bá, giới thiệu các di tích do tỉnh trực tiếp quản lý và hướng dẫn các địa phương phát huy giá trị di tích bằng các ứng dụng công nghệ thông tin.


Thứ ba là chủ động xây dựng các tiêu chí để phù hợp với sự phát triển của du lịch


Nếu như trước đây, việc phát huy các di tích thường là tự phát, mạnh ai nấy làm thì hiện nay, với các tiêu chí đã được quy định tại Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19-6-2017; Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31-12-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch; Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15-12-2017 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, các địa phương có di tích, nhất là những di tích thu hút số lượng khách du lịch lớn đều chủ động xây dựng các tiêu chí theo quy định. Các tiêu chí này bao gồm: 1. Có tài nguyên du lịch, có ranh giới xác định trên bản đồ; 2. Có kết cấu hạ tầng, dịch vụ cần thiết bảo đảm phục vụ khách du lịch, bao gồm: Có kết nối giao thông, thông tin liên lạc thuận lợi. Có điện, nước sạch. Có biển chỉ dẫn, thuyết minh về điểm du lịch. Có dịch vụ ăn uống, mua sắm; 3. Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, bao gồm: Có bộ phận bảo vệ trực 24 giờ mỗi ngày. Công khai số điện thoại, địa chỉ của tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch. Có hình thức tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của khách du lịch. Nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng, được bố trí đủ, tương ứng với số lượng khách du lịch vào thời kỳ cao điểm. Có biện pháp thu gom và xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; bố trí nhân lực làm vệ sinh môi trường. Áp dụng các biện pháp phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.


Như vậy, có thể thấy, tiêu chí để công nhận điểm du lịch vô cùng chặt chẽ, thậm chí là khó khăn đối với nhiều di tích. Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp thì nhiều di tích cũng đang nỗ lực không ngừng để được công nhận điểm du lịch. Điều này cho thấy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân đã nhận thấy vai trò và lợi ích thiết thực từ hệ thống di tích trong việc phát triển du lịch. Và với sự quyết tâm, nỗ lực ấy, tin chắn rằng, hệ thống di tích ở Nghệ An không chỉ dừng lại ở con số có 7/11 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận.


Thứ tư là thích ứng về mặt nhân sự và quản lý nhà nước


Nếu như trước đây, hệ thống di tích ở Nghệ An cơ bản đón các đoàn khách trong tỉnh, trong nước, chỉ một số di tích mang tính chất chính trị như Khu di tích Kim Liên, khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, khu lưu niệm Phan Bội Châu… thỉnh thoảng đón các đoàn nước ngoài về dâng hương, đều có phiên dịch theo cùng. Thì nay, nắm bắt được xu thế hội nhập toàn cầu, ngày càng có nhiều đoàn khách từ các nước Đông Nam Á và các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… đã đào tạo các cán bộ thuyết minh, hướng dẫn biết một số tiếng cơ bản như tiếng Anh (Khu di tích Kim Liên, khu di tích Tổng Bí thư Lê Hồng Phong), tiếng Lào (Khu di tích Kim Liên)…


Mặt khác, các thuyết minh viên tại các di tích thường xuyên được tạo điều kiện để học tập chuyên môn, chuyên sâu, nâng cao trình độ. Bởi vậy, tại hệ thống di tích ở Nghệ An, các thuyết minh viên không chỉ nắm vững được nội dung chuyên môn mà phong cách cũng rất chuyên nghiệp, linh hoạt, chủ động đối với từng đoàn khách. Có thể nói, từ sự thụ động ban đầu đến hình ảnh chuyên nghiệp hiện nay chính là một minh chứng cho sự thích nghi rất thành công, góp phần lan toả hình ảnh di tích Nghệ An, góp phần thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh cũng như du khách quốc tế.


Khâu quản lý nhà nước cũng phải thích nghi theo. Ngoài việc bố trí các cán bộ chính quyền địa phương vào các Ban/ Tổ quản lý di tích, còn phải tăng số lượng và nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn đối với các thành viên của Ban/ Tổ quản lý di tích. Về điều này, hiện nay, tại các di tích đang có những chuyển biến rất tích cực, nhiều Ban/ Tổ quản thực hiện công tác quản lý và điều hành hoạt động rất tốt như Ban quản lý đền Ông Hoàng Mười, Ban quản lý đền Cờn, Ban quản lý đền Bạch Mã, Ban quản lý đền Quả Sơn… Nhiều địa phương đã biết tận dụng nguồn cán bộ chuyên môn về di tích nghỉ hưu để bổ sung vào Ban/ Tổ quản lý các di tích trên địa bàn, góp phần thực hiện tốt hơn công tác chuyên môn cũng như quản lý nhà nước.


Như vậy, ở Nghệ An (và nhiều tỉnh khác) luôn tồn tại hai mặt: thách thức và nguy cơ trong việc phát huy giá trị hệ thống di tích gắn với kết nối, phát triển du lịch. Điều quan trọng là chính quyền và nhân dân Nghệ An đã biết biến thách thức thành cơ hội, để hệ thống di tích hoàn toàn có thể thích nghi với đời sống hiện đại, tạo cơ sở, tiềm năng cho việc khai thác, phát triển du lịch. Tin chắc rằng, trong tương lai không xa, hệ thống di tích sẽ giúp ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh nhà bứt phá, sánh ngang cùng các tỉnh khác như Ninh Bình, Thái Bình, Thái Nguyên… góp phần đưa Nghệ An phát triển thành tỉnh khá như Bác Hồ kính yêu của chúng ta lúc sinh thời hằng mong muốn.


NGÔ THỊ LÂM – NGUYỄN THỊ LƯƠNG


Ths, Ban Quản lý di tích tỉnh Nghệ An


 


_______________


Tham luận tại Hội thảo khoa học “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 – Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức (9/2023)


 




 


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *