Nhiều “điểm nóng”
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trên địa bàn một số huyện miền núi Nghệ An thường xuyên xảy ra mưa lớn, gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Có thể kể đến những “điểm nóng” về sạt lở đất ở các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong… Đặc biệt, tại huyện biên giới Kỳ Sơn, lũ quét gây sạt lở đất luôn là nỗi ám ảnh của người dân nhiều xã như Keng Đu, Mường Ải, Mường Típ, Bảo Nam, Tà Cạ…
Tại bản Huồi Cáng, xã Keng Đu, một bản nằm ở thung lũng giữa ngã 3 khe Nậm Sốc và khe Huồi Phuôn, đây là khu vực có địa hình hẹp, hai bên vách núi dựng đứng, lòng khe hẹp, thường xuyên có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất từ thượng nguồn đổ về. Đặc biệt, khe Nậm Sốc bắt nguồn từ xã Đoọc Mạy chảy xuống, vào mùa mưa hàng năm, lượng nước đổ về rất lớn, gây mất an toàn cho người dân. Đặc biệt, trong những năm 2018, 2021, 2022, tại khu vực này, người dân đã bị thiệt hại lớn do mưa lũ gây ra.
Trước tình trạng cấp bách, người dân bản Huồi Cáng đã nhiều lần kiến nghị các cấp có phương án di dời người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở. Thực tế, địa điểm này đã được UBND tỉnh quy hoạch di dời tại Quyết định số 214/QĐ-UBND ngày 21/01/2020 phê duyệt quy hoạch vùng dân cư và tổ chức sản xuất thích ứng với thiên tai trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2030.
Theo đó, phương án triển khai sẽ được tiến hành bằng việc đào san nền, xây dựng hệ thống mương thoát nước, điện sinh hoạt, nhà văn hóa… trên diện tích khoảng 5 ha, quy hoạch cho 40 hộ dân, với tổng chi phí khoảng 30 tỷ đồng. Dù vậy, cho đến nay, do nhiều khó khăn nên việc xây dựng điểm tái định cư để di dời 40 hộ dân bản Huồi Cáng vẫn chưa thực hiện được.
Bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) là nơi phải hứng chịu trận lũ quét kinh hoàng vào đầu tháng 10/2022. Trận lũ quét đã gây sạt lở núi nghiêm trọng, xuất hiện vết nứt lớn, có chỗ rộng nhất là 1,5m, sâu 1- 2m; chiều dài vết nứt, cung trượt khoảng 500-700m, tác động lún sụt đường giao thông tuyến Mường Xén – Tây Sơn (đoạn qua xã Tà Cạ); vùi lấp toàn bộ hệ thống khe Huồi Giảng (đoạn từ bản Sơn Hà đến bản Hòa Sơn). Ngoài ra, trận lũ quét kinh hoàng này còn khiến hàng chục hộ dân rơi vào cảnh mất nhà cửa. Trong số này, hiện có 16 hộ đang ở tạm trong lều, lán ở vị trí cũ; 6 hộ ở nhà người thân; 10 hộ ở nhà tạm tại vị trí khác; 3 hộ ở nhờ khu tập thể tại các trường học và 4 hộ đã tự tìm vị trí mới để xây dựng nhà ở kiên cố.
Sau trận lũ quét tại bản Hòa Sơn, UBND huyện Kỳ Sơn cũng đã lên phương án di dời tái định cư cho khoảng 200 hộ dân tại 2 địa điểm. Điểm số 1 tại bản Cầu Tám, có diện tích 8,6 ha; điểm số 2 có diện tích 3,9 ha, nằm phía sau Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện. Dù vậy, cho đến nay, việc di dời người dân đến nơi ở mới vẫn chưa hoàn thành, trong khi đó, mùa mưa lũ đã đến gần.
Theo quan sát thực tế của chúng tôi, tại điểm tái định cư ở bản Cầu Tám, hiện trạng khu vực này không có cây gỗ lớn mà chủ yếu là cây bụi. Một lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kỳ Sơn cho biết, điểm tái định cư này do đang vướng rừng tự nhiên phục hồi sau nương rẫy, nên phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi đất. Vì thế, đến nay chưa thực hiện được.
Được biết, hiện nay, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có 8 điểm sụt lún, sạt lở cần được hỗ trợ để thực hiện. Trong đó, ngoài vị trí sạt lở tại khối 4, 5 thị trấn Mường Xén đã được đào ngả mái và xây dựng kè chống sạt lở đất (nhưng vẫn tiếp tục bị sạt lở), thì nhiều điểm khác cũng đang rất cần được triển khai sớm.
Tại huyện Tương Dương, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cũng thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại nặng nề đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Ông Lô Khăm Kha – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tương Dương cho biết: Những năm qua, trên địa bàn huyện có nhiều điểm bị sạt lở, làm thiệt hại đến tài sản, nhà cửa của nhân dân, tập trung chủ yếu ở các xã Yên Na, Yên Hòa, Nga My, Lượng Minh, Tam Hợp… nơi gần các con sông, khe lớn. Thậm chí, một số địa điểm người dân phải sống trong vùng nguy cơ sạt lở cao trong nhiều năm, như điểm bản Xốp Nặm (xã Tam Hợp), nằm ở dưới chân đồi núi có độ cao 611m so với mực nước biển, trên bề mặt chủ yếu là cây bụi, nứa tép và có nhiều đá to, nguy cơ sạt lở rất cao đến 53 hộ dân và trường mầm non ở dưới chân núi.
Hay như tại bản Tùng Hương (xã Tam Quang), có 75 hộ dân sinh sống tại chân núi cao, sau các đợt mưa, bão kéo dài, nhân dân ở đây đều phải di dời đến vị trí an toàn, do địa điểm này đã xuất hiện sạt lở, nhiều tảng đá với khối lượng rất lớn lăn từ đỉnh đồi xuống nhà dân gây hoang mang, lo lắng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Ông Kha cho biết, trước mỗi mùa mưa bão, huyện đều chỉ đạo các xã thành lập tổ xung kích tại địa bàn luôn túc trực, ứng phó, nhằm kịp thời di dời các hộ dân đang sinh sống ven sông, suối, sườn núi, nơi có khả năng sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn. Tuy nhiên, về lâu dài thì rất cần sớm triển khai xây dựng các điểm tái định cư để người dân yên tâm sinh sống và sản xuất.
Cần đẩy nhanh thực hiện bố trí dân cư
Ngày 21/1/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 214/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch vùng dân cư và tổ chức sản xuất thích ứng với thiên tai trên địa bàn đến năm 2030. Việc quy hoạch này dựa trên quan điểm phù hợp với chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai, quy hoạch tỉnh; đảm bảo an toàn dân sinh, ổn định sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội vùng miền, địa phương. Trong đó, ưu tiên các vùng có nguy cơ cao về thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn. Ưu tiên bố trí theo hình thức xen ghép, ổn định tại chỗ, trong trường hợp không thể bố trí được mới bố trí, sắp xếp đến thôn, bản khác.
Mục tiêu của chương trình này là đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc bố trí dân cư và tổ chức sản xuất thích ứng với thiên tai trên địa bàn toàn tỉnh, ổn định cho nhân dân vùng tái định cư, nâng cao đời sống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai. Cụ thể, đến năm 2030 sẽ bố trí, sắp xếp ổn định cho 8.938 hộ, 38.405 nhân khẩu. Trong đó, có 99 hộ, 394 nhân khẩu thuộc đối tượng là hộ gia đình, cá nhân bị mất đất ở, đất sản xuất do sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, sụt lún đất, ngập lụt, lốc xoáy; 8.415 hộ, 36.585 nhân khẩu thuộc đối tượng là hộ gia đình, cá nhân sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét, lũ ống, sụt lún đất, ngập lụt, lốc xoáy…
Mặc dù Quyết định 214 đã được ban hành, nhưng để bố trí, sắp xếp ổn định cho hơn 8.000 hộ dân tại các vùng bị thiên tai là điều rất khó khăn. Ông Lê Văn Lương – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Từ thực tế thiên tai xảy ra thường xuyên, gây thiệt hại lớn về vật chất, tinh thần của nhân dân, vì thế, việc bố trí nơi ở mới cho người dân vùng thiên tai luôn được các cấp, ngành, địa phương quan tâm.
Trong giai đoạn 2013-2020, toàn tỉnh đã bố trí được hơn 1.000 hộ đến nơi ở mới. Giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh cũng đã dành trên 100 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ một số dự án di dân tập trung. Hiện tại, do nhu cầu bố trí ổn định dân cư trên toàn tỉnh là rất lớn, vì vậy, trong quá trình thực hiện vừa phải cân đối ngân sách, vừa dựa vào điều kiện thực tế, lồng ghép nhiều nguồn vốn, chương trình để thực hiện một cách phù hợp.
Ông Lương cũng cho biết, việc quy hoạch, bố trí đất để người dân đến các vùng tái định cư vừa đảm bảo chỗ ở an toàn trước thiên tai, bão lũ, vừa đảm bảo có đất để đảm bảo sản xuất, ổn định cuộc sống không phải là điều dễ dàng. Nguyên nhân là do việc tìm kiếm mặt bằng để bố trí dân cư ở các huyện miền núi hết sức khó khăn; quá trình thực hiện các dự án bố trí dân cư cũng mất nhiều thời gian, vì liên quan tới tâm tư, nguyện vọng, tập quán, sinh hoạt của người dân. Chưa kể, việc bố trí các địa điểm tái định cư cũng phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch để đảm bảo người dân đến nơi ở mới đảm bảo an toàn, có đời sống, sản xuất ổn định lâu dài…