Nghệ thuật thêu tay truyền thống kết hợp với vẽ lụa: Sự độc đáo từ tài năng và sự sáng tạo

Độc đáo nét thêu tay truyền thống trên nền vẽ lụa- Ảnh 1.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng bên tác phẩm tranh thêu vẽ lụa hội họa. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ với phóng viên, nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng cho biết, chị được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất của nghề thêu tay truyền thống tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Trải qua nhiều thay đổi và biến cố nhưng nghề thêu của Đồng Tâm vẫn được giữ gìn, phát triển và giúp nuôi nấng biết bao thế hệ bà con bản xứ. 

Mặc dù vậy, nghề thêu vẫn chưa tạo ra những đột phá, nhất là trước những biến động của thị trường cộng với yêu cầu ngày càng cao và khó tính của khách hàng cũng như sự cạnh tranh của nhiều địa phương khác. 

Vì vậy, vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng đã nảy ra ý tưởng mang tính bước ngoặt khi mạnh dạn phối hợp dòng tranh thêu tay truyền thống trên nền vẽ lụa của hội họa. Đây cũng là nét tinh tế, độc đáo khi kết hợp giữa hai tài năng của vợ và chồng, của thêu tay truyền thống với nét đẹp mới mẻ, độc lạ của vẽ lụa hiện đại, khiến nghệ thuật bức tranh thêu như được nhân đôi, cộng hưởng thêm nhiều giá trị. 

Chính nhờ vậy khi thưởng tranh, khách hàng càng ngắm càng ưa thích và cảm nhận được nhiều nét đẹp, giá trị lan tỏa từ dòng tranh độc lạ này mang lại.

Theo chị Hằng, để có được những bức tranh thêu tay trên vẽ lụa phải mất rất nhiều tâm sức và đặc biệt phải “thật yêu” từng nét vẽ, đường kim mũi chỉ… mới có thể tạo nên được những tuyệt phẩm. Ban đầu của thêu tranh chính là các bước: Vẽ mẫu, căng nền, sang kiểu, chọn chỉ màu… Với những nét khó như hình ảnh sóng nước, tia nắng mặt trời… rất cần sự điêu luyện nghệ thuật để tạo nên một bức tranh hoàn hảo, ưng ý nhất.

Độc đáo nét thêu tay truyền thống trên nền vẽ lụa- Ảnh 2.

Nét đẹp độc đáo từ dòng tranh thêu tay truyền thống trên nền vẽ lụa của hội họa. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Hiện nay, xưởng tranh của vợ chồng chị Hằng có khoảng 50 nhân công là những người dân trong thôn, xã Đồng Tâm. Công việc diễn ra quanh năm nên tận dụng được sức lao động của bà con nhân dân khi nông nhàn mà vẫn giúp duy trì được nghề thêu truyền thống, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Trung bình mỗi công nhân tại xưởng của nhà anh chị có thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng.

Trên địa bàn xã Đồng Tâm hiện vẫn còn nhiều hộ gia đình làm nghề thêu tay truyền thống, chiếm khoảng 70% dân số của xã. Duy chỉ có gia đình vợ chồng chị Nguyễn Thị Hàng phát triển dòng tranh thêu tay kết hợp vẽ lụa, dòng tranh này được chính thức đưa ra thị trường từ năm 2020. Đây là dòng sản phẩm cao cấp, vì vậy các sản phẩm có giá bán cao, dao động khoảng từ 10 triệu đến vài chục triệu, có bức có giá vài trăm triệu. 

Hiện nay, các sản phẩm được nhiều cơ quan, doanh nghiệp đặt hàng để làm quà biếu, ngoài làm trên tranh dòng thêu tay trên vẽ lụa còn được ứng dụng trên áo dài, các loại phụ kiện như túi xách, gương, lược, hoa tai… với nhiều mẫu mã độc đáo, bắt mắt.

Độc đáo nét thêu tay truyền thống trên nền vẽ lụa- Ảnh 3.

HTX thêu tay Mỹ Đức. Ảnh: NVCC.

Đầu năm 2024, nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng và anh Lê Văn Khoa chuyển đổi mô hình từ xưởng sản xuất thành mô hình hợp tác với tên gọi HTX thêu tay Mỹ Đức. Sau khi thành lập, được sự quan tâm, hướng dẫn của xã Đồng Tâm và huyện Mỹ Đức, nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng đã đưa 5 sản phẩm: Thiền Sen, Quốc hoa đón xuân, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoa Hướng dương, Chùa Một Cột tham gia Chương trình OCOP. Qua đánh giá, phân hạng 05 sản phẩm thêu tay của HTX đã được UBND huyện Mỹ Đức cấp chứng nhận OCOP 3 sao.

Ngoài ra, để góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, vợ chồng chị Hằng đã dựng nên các video thực hiện các bức tranh thêu up lên kênh Youtube. Đồng thời mở các lớp dạy nghề cho thế hệ các bạn trẻ với phí 0 đồng, để giúp các em góp phần lan toả các giá trị của nghề thêu truyền thống.

Hiện nay, sản phẩm tranh thêu tay trên vẽ lụa ngoài việc được tiêu thụ tại Hà Nội còn được mang ra thị trường nước ngoài, như thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á…

Thiện Tâm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *