Từ hành trình truyền nghề cho học viên…
Tôi gặp cô Nguyễn Thị Hiền khi đến tham dự Tuần lễ áo dài cộng đồng Huế 2023 tại di tích Nghinh Lương Đình, TP.Huế. Ấn tượng ban đầu về cô giáo dạy nghề nổi danh xứ Huế này chính là nụ cười tỏa sáng của người phụ nữ đã qua ngưỡng 55, với tà áo dài tím duyên dáng, thướt tha.
Cô Nguyễn Thị Hiền sinh 1967, trong một gia đình thuần nông ở xã Phú Mỹ (H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế). Vì gia cảnh khó khăn nên học đến lớp 9 thì phải nghỉ học để đỡ đần bố mẹ. Sau đó, Hiền đi học nghề may. Vốn thông minh, lại cần cù chăm chỉ nên chỉ 1 năm sau Hiền đã ra riêng mở “Nhà may Hiền” ở TP.Huế.
Điều đáng nói, cô có ý chí, quyết tâm vượt khó để học nghề (lúc đã 30 tuổi, khi đã có chồng và 3 con). Cô theo học Trường trung cấp nghề ở Trung tâm Giới thiệu việc làm (đường Bùi Thị Xuân, TP.Huế) để nâng cao trình độ tay nghề. Sau khi tốt nghiệp, cô vừa mở tiệm may, vừa tham gia dạy nghề may miễn phí vào ban đêm cho trẻ mồ côi ở phường An Tây (TP.Huế) suốt 3 năm (1998-2001), vì cô tâm niệm: “Học Bác trước hết là học ở tấm lòng nhân ái, khoan dung; thương người như thể thương thân; học Bác để sống nhân hậu, thân ái, biết yêu thương giúp đỡ mọi người”.
Sau đó, như một cơ duyên, cô được về dạy ở Trung tâm dạy nghề huyện Phú Vang (xã Phú Đa, H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế). Trong quá trình công tác, cô luôn làm việc tận tụy, hết lòng yêu thương học viên, góp phần cùng trung tâm đào tạo hàng chục lớp, cho “ra lò” hàng trăm thợ may lành nghề, trong số đó có em đã đi xuất khẩu lao động sang Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan… Tiếng lành đồn xa, cô Hiền được nhiều trung tâm dạy nghề trong toàn tỉnh biết đến và tin tưởng mời hợp tác.
Trên hành trình “vừa dạy nghề, vừa dạy người”, cô đã giảng dạy cho hàng trăm lượt học viên, đủ mọi thành phần, lứa tuổi (từ 14 đến 60 tuổi) ở Trung tâm dạy nghề tại huyện Phong Điền, huyện Phú Lộc, các trung tâm xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên-Huế…
Có người ví von rằng, cô dạy “mát tay” nên học viên do cô đào tạo học đến đâu là nắm chắc tới đó, về lý thuyết, kỹ thuật, kỹ năng hành nghề. Có những học viên giờ đây đã vững vàng: Nguyễn Thanh Phú – thuyền trưởng công ty Skavi (H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế); Mai Thị Thu (xã Vinh Hà, H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) mở xưởng may có 10 thợ, nhận gia công tại quê nhà; Trần Thị Nở (xã Lộc Trì, H.Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) mở xưởng may hàng gia dụng, tạo việc làm cho 15 công nhân; Lâm Kiều My (xã Quảng Phú, Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) sau 3 năm xuất khẩu lao động ở Nhật Bản (nghề may) về xây được nhà cao tầng…
… đến đồng cảm những số phận
Điều đáng trân quý, cô Hiền không chỉ đến với học viên bằng việc truyền thụ kiến thức nghề may, mà trong quá trình đó, cô luôn chú trọng dạy người khi lồng ghép giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho các em.
Khi dạy học viên ở vùng biển thì cô tổ chức cho các anh, chị đá bóng bãi biển; dạy ở vùng cao thì cô trò cùng đi suối, leo núi… Thông qua các buổi dã ngoại, hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa ấy, tình cảm cô trò càng gắn kết sâu đậm, từ đó giúp cô có điều kiện tìm hiểu rõ hơn về gia cảnh của từng học viên mà có hướng giải quyết, giúp đỡ.
Đã có những trường hợp học viên gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, có ý định bỏ học nửa chừng thì được cô kịp thời động viên an ủi. Hay, khi còn dạy ở Trung tâm GDNN-GDTX huyện Phú Vang, đến giờ vào học nhưng còn một số học viên vắng mặt, hỏi ra mới biết các chị đang còn bán đồ ăn sáng như xôi, bánh nậm, lọc… chưa hết. Thế là cô đã động viên cả lớp cùng nhau góp tiền mua giúp các chị để các chị được tới lớp kịp giờ học.
Hiện nay, cô vừa là giáo viên hợp đồng ở Trường trung cấp Công nghệ số 10 (TP.Huế), vừa tham gia dạy nghề may ở Trung tâm GDNN-GDTX huyện Nam Đông (Thừa Thiên-Huế).
Mỗi ngày như mọi ngày, cứ tờ mờ sáng, trên chiếc xe máy cũ kỹ, với chai nước, hộp xôi móc ghi đông… cô lại bon bon trên quốc lộ, từ thành phố Huế lên Nam Đông, cả đi và về với quãng đường 160 km.
Thương các chị học viên vùng cao Nam Đông còn thiếu thốn ăn mặc, cứ mỗi lần đi dạy cô “đèo” theo mấy bao áo quần đã qua sử dụng quyên góp được gửi đến các chị. Cô nói: “Cũ người mới ta, ở thành phố người ta có điều kiện hơn nên áo quần họ mặc hơi phai màu hoặc lỗi thời một chút là không dùng nữa; còn phụ nữ ở vùng cao thì xem đó là món quà, có người mặc để đi chợ, lên nương rẫy, thậm chí còn ‘diện’ để đi dự lễ cưới, tiệc tùng…”.
Hỏi cô vì sao gắn bó nghề dạy may với vùng cao tha thiết đến thế, cô Hiền cười rất hiền: “Tôi yêu Nam Đông như máu thịt, yêu con đường rợp bóng cây xanh quen thuộc hằng ngày tôi đi qua, yêu những con người ở núi rừng thật thà, chân chất. Nếu chúng tôi không quyết tâm vượt khó để trao cho họ ‘cần câu’ thì biết đến bao giờ họ mới có ‘cá’…”.
Ông Đỗ Thanh Doan – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường trung cấp Công nghệ số 10 (tỉnh Thừa Thiên-Huế) cho biết: “Cô Nguyễn Thị Hiền có năng lực chuyên môn vững vàng, trình độ tay nghề rất chắc, tận tụy trong công việc, hết mực yêu thương học viên. Chính sự năng động, sáng tạo, hoạt bát, tận tâm tận lực trong công việc của cô đã giúp nhà trường rất nhiều trong việc nâng cao chất lượng đào tạo trong nhiều năm qua”.
Không chỉ “giỏi việc nước”, cô Nguyễn Thị Hiền còn “đảm việc nhà”, nuôi dạy 3 con học hành tử tế, ngoan hiền, hiếu thảo. Các con của cô giờ đã có gia đình, có việc làm ổn định. Trong đó, có 2 người con gái cũng theo nghiệp dạy may của mẹ. Ngày Gia đình Việt Nam 28.6.2022, gia đình cô Hiền vinh dự là đại diện duy nhất cho TP.Huế tham dự cuộc thi “Gia đình hạnh phúc” của tỉnh Thừa Thiên-Huế và đoạt giải nhì cấp tỉnh.
Với công lao đào tạo nghề của cô giáo Nguyễn Thị Hiền trong suốt hàng chục năm qua cũng như những đóng góp thầm lặng cho công tác từ thiện xã hội ở địa phương, cô đã được các cấp lãnh đạo khen thưởng: giấy chứng nhận, bằng khen của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, của Bộ LĐTB-XH, kỷ niệm chương vì sự phát triển của phụ nữ, kỷ niệm chương về dân số… Đặc biệt, năm 2017 cô Hiền vinh dự được Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam cấp bằng chứng nhận “Nghệ nhân Quốc gia”.