Nhọc nhằn, hiểm nguy nghề đi biển (*): Lấy chồng nghề biển, hồn treo cột buồm.

Hơn 10 ngày sau khi xảy ra sự cố chìm tàu ngoài khơi, không khí ở các làng biển tại 2 xã Tam Giang và Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam vẫn nhuốm màu u ám.

Mẹ góa, con côi

Tại nhà ngư dân Lương Hùng Vương (SN 1978; thôn An Đông, xã Tam Giang), tiếng kinh cầu từ chiếc máy thu âm liên tục vang vọng, khói hương tỏa khắp gian thờ. Vợ anh – chị Nguyễn Thị Thu Thủy – mới 35 tuổi đã phải chịu cảnh góa chồng.

Anh Vương mất đi để lại 2 con thơ, trong đó cháu nhỏ mới 6 tuổi. Đến giờ, cháu bé vẫn cứ nghĩ ba đi biển chưa về, không biết rằng mình đã phải chịu cảnh mồ côi. Ông Lương Văn Hiền, ông nội cháu bé, kể hôm đưa thi thể anh Vương về, cháu ngây ngô hỏi ai nằm đó…

Chị Thủy cho biết vợ chồng chị vay mượn tiền xây ngôi nhà cấp 4 từ năm 2016, đến nay vẫn chưa trả hết nợ. Giờ đây, khi anh Vương đã mất, một mình chị với đồng lương công nhân ít ỏi, chẳng biết xoay xở ra sao để nuôi 2 con nhỏ.

Nhìn lên bàn thờ con trai, bà Huỳnh Thị Luận chẳng còn tâm trí lau nước mắt. Chẳng ai có thể hiểu thấu nỗi đau của người mẹ khi cùng một lúc mất đi 2 người con. Trong chuyến biển định mệnh ấy, ngoài anh Vương, anh Lương Ngọc Anh (SN 1989) là con trai bà Luận hiện vẫn mất tích. Cũng như bao phụ nữ xứ biển, mấy chục năm trông ngóng chồng con trong mỗi chuyến ra khơi, sự khắc khổ, nỗi lo âu in hằn lên gương mặt bà.

“Lấy chồng nghề biển, hồn treo cột buồm… Phận đàn bà xứ biển, cứ mỗi lần nghe đài báo trời chuyển, có mưa gió là thấp thỏm lo âu, không thể nào yên giấc. Tối nào tôi cũng thắp hương cầu nguyện cho chồng con được bình an trở về. Chỉ khi tàu cập bến, chồng con trở về nhà, tôi mới có được giấc ngủ ngon. Ông trời đã quá nhẫn tâm khi cướp đi của tôi 2 đứa con trai cùng một lúc” – bà Luận nghẹn ngào. Bà lo lắng không biết tương lai sẽ thế nào khi 2 người con dâu, 4 đứa cháu nội chẳng còn trụ cột nào nương tựa.

Lấy chồng nghề biển, hồn treo cột buồm... - Ảnh 1.

Bà Huỳnh Thị Luận và con dâu Nguyễn Thị Thu Thủy mang nỗi đau mẹ mất con, vợ mất chồng khi anh Lương Hùng Vương gặp nạn trên biển .Ảnh: TRẦN THƯỜNG

“Ám ảnh” là hai từ mà chị Phạm Thị Nga (làng Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) nhắc đến khi nhớ về ngày định mệnh năm 2022, khiến chồng chị là anh Võ Anh Đức (SN 1980, một chủ tàu cá) mãi mãi không trở về sau một chuyến ra khơi vào mùa biển động. Chồng mất để lại chị Nga côi cút cùng 3 con thơ, trong đó đứa con trai út vừa tròn 1 tuổi và bố mẹ già đã ngoài 70 tuổi.

Chị Nga kể hai vợ chồng kết hôn năm 2004, khi chị vừa tròn 18 tuổi. Cũng như bao gia đình ở làng chài này, cuộc sống của vợ chồng chị gắn liền với biển, bám biển để mưu sinh. Anh làm nghề chài lưới, chị ở nhà chăm lo quán xuyến việc gia đình và buôn bán hải sản sau mỗi chuyến chồng đánh bắt về.

Cách đây tròn 1 năm, vào mùa mưa tháng 10, anh Đức cùng các ngư dân ra khơi đánh cá như mọi lần. Khi mới đi được 2 ngày, không may biển động khiến tàu anh gặp nạn. Chuyến đi định mệnh ấy khiến thân xác anh ở lại với biển cả. Nhận tin, chị Nga chết lặng, đớn đau tận cùng.

Nỗi đau quá lớn tưởng chừng như làm người phụ nữ ấy gục ngã. Thế nhưng, nhờ sự động viên, an ủi của người thân, xóm làng và bằng nghị lực, tình yêu thương, chị đã kiên cường vượt qua giông bão, thay chồng nuôi con ăn học, phụng dưỡng cha mẹ già.

Cứ chờ, biết đâu có ngày…

Đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được mệnh danh là “vương quốc tỏi” vì gắn liền với đặc sản này. Trong tỏi Lý Sơn, tỏi cô đơn (hay tỏi mồ côi) là loại khá hiếm.

Không biết tên gọi tỏi cô đơn có từ bao giờ nhưng nhiều người hình dung nó gắn liền với hình ảnh những trẻ mồ côi, góa phụ ngày đêm ngóng chồng, đợi cha. Từ bao đời nay, ở Lý Sơn, người ta vẫn truyền nhau câu ca: “Lấy chồng nghề ruộng em theo. Lấy chồng nghề biển, hồn treo cột buồm”.

Câu ca ấy càng trở nên thấm thía hơn với những phụ nữ lấy chồng đi biển. Thế nhưng, nhiều người không than thân trách phận, nếu chồng xui rủi gặp nạn vẫn quyết không đi bước nữa, ở vậy tảo tần nuôi con, thờ chồng.

Trong số những phụ nữ như vậy, chúng tôi gặp chị Phạm Thị Bích Hạnh (xã An Hải, huyện Lý Sơn) khi đang tất bật rửa những ly trà, cà phê. Đã 15 năm sau ngày chồng chị là anh Nguyễn Tấn Thành bị tai nạn trong một chuyến lặn biển ở Hoàng Sa và mãi mãi không về, người ta vẫn thấy chị gắn bó với quán nước từ sáng sớm đến đêm khuya. Quán này do chính chị dựng lên để kiếm tiền trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học.

Chị Hạnh cho biết ngày chồng mất tích, đứa con gái Nguyễn Thị Bích Vy mới được 3 tháng trong bụng mẹ. Nhận tin chồng gặp nạn trong lúc lặn biển, chân tay chị bủn rủn, nói không nên lời. Ngày nào từ sáng sớm đến chiều tối, chị cũng ra bãi biển trông ngóng về phía chân trời – nơi những con sóng bạc đầu từng đợt ùa vào. Nghe nơi đâu có tàu đi đánh bắt ở Hoàng Sa trở về, chị lại tìm tới hỏi han tin tức của chồng. Nhiều lần chị xin lên tàu ra khơi tìm chồng nhưng người thân ngăn cản.

“Lúc đó, tôi không dám nghĩ về tương lai. Nghĩ về đứa con đang tượng hình trong bụng, tôi càng nhói đau vô cùng. Làm sao tôi có thể sống tiếp khi con chưa một ngày được nhìn mặt cha…” – chị Hạnh rơm rớm nước mắt.

Chồng mất tích, gia cảnh cha mẹ hai bên lại khó khăn khiến cuộc sống chị Hạnh như rơi vào ngõ cụt. Chị nhớ lại: “Cố cầm cự được 2 tháng sau khi sinh, tôi quyết tâm phải sống tiếp để nuôi con. Mình sinh con ra thì không thể vô trách nhiệm được. Nghĩ vậy nên tôi mở quán nước buôn bán qua ngày, kiếm đồng lời nuôi con… Mới đó đã hơn 15 năm, con tôi giờ học cấp 3 rồi”.

“Sao chị không đi bước nữa?” – tôi thắc mắc. Chị Hạnh đáp lại bằng giọng đậm chất Lý Sơn: “Chi đâu! Ở vậy nuôi con, chờ chồng chứ lấy chồng khác rồi ai nuôi con của mình. Nó đã mất cha, giờ mình bỏ nó đi lấy chồng khác sao cho được. Cứ chờ, biết đâu có ngày…”. Chị nói rồi nhìn ra phía biển xa xăm.

Ngày chồng gặp nạn, chị Dương Thị Thu An (ngụ xã An Hải) vừa tròn 21 tuổi. Ở lứa tuổi đôi mươi, mất chồng như một cú sốc tâm lý, mọi thứ bỗng chốc sụp đổ… Đã 10 năm từ ngày chồng gặp nạn trong lúc lặn biển, chị An vẫn ở vậy nuôi con khôn lớn. Trong căn nhà xập xệ lọt thỏm giữa làng biển, hằng ngày chị ở với cha mẹ chồng, phụ làm cá, hành tỏi hoặc bất cứ việc gì để kiếm tiền lo cho con ăn học.

Đưa chúng tôi đến bàn thờ chồng, chị An đốt nén nhang. Ngước nhìn di ảnh chồng, nước mắt chị tuôn dài trên gò má hốc hác. Đưa tay lau nước mắt, chị kể 2 người tìm hiểu và quen nhau được 2 năm thì gia đình cho làm đám cưới. Cưới xong, cũng như bao gia đình xứ biển khác, chồng chị là lao động chính khi gắn bó cuộc đời với những chuyến lặn biển kéo dài hàng tháng trời ở Hoàng Sa, Trường Sa.

Cuộc sống của họ bình yên trôi qua cho đến giữa tháng 7-2013, biển khơi bỗng chốc lấy đi người chồng của chị An vĩnh viễn. Chị buồn bã: “Ngày anh ấy gặp nạn, nhẫn cưới vẫn còn đeo trên tay, tôi cũng vừa sinh con được 2 tháng. Đến giờ, con của chúng tôi 10 tuổi rồi. Mẹ con tôi dựa vào nhau mà sống tiếp” .

Thấy mẹ rầu rĩ, bé Nguyễn Duy Khang đến ngồi bên cạnh an ủi. Khang khuyên mẹ đừng nghĩ nhiều về cha, vì cha đã mất từ lâu rồi… Dường như trong ánh mắt của cậu bé cũng đã thấu hiểu sự mất mát quá lớn của mẹ. 

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-10

Ở vậy nuôi con

Theo thống kê của Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, huyện Lý Sơn, xã này hiện có trên 180 phụ nữ góa chồng do gặp nạn lúc đi biển. Tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, số phụ nữ góa chồng cũng trên 200 người.

5-2

Nhiều phụ nữ ở làng biển Quảng Ngãi có chồng tử nạn vẫn ở vậy, làm lụng vất vả nuôi con .Ảnh: TỬ TRỰC

“Hầu hết họ còn rất trẻ, nhiều người tuổi mới chỉ đôi mươi… Phần lớn họ đều ở vậy nuôi con, không đi bước nữa, trừ một vài trường hợp chưa có con. Đây là đức tính cao cả, sự hy sinh vô bờ bến của phụ nữ xứ biển” – ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, nhận xét.

Ông La Ngọc Ửng – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định – cho biết địa phương này cũng có nhiều phụ nữ mất chồng vì gặp nạn trên biển. Dù biết rằng chồng mình nằm lại mãi mãi ngoài biển khơi nhưng hầu như chưa ai tái giá, bởi họ nghĩ đến trách nhiệm với gia đình chồng và con cái.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *