Sáng 12/9, tại Nghệ An đã diễn ra Hội thảo Nâng cao năng lực quản lý tài chính ngành thủ công mỹ nghệ thời kỳ hội nhập do Trung tâm Nghiên cứu phát triển thương hiệu làng nghề (Hiệp hội Làng nghề Việt Nam) phối hợp với Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) và Sở Công Thương tỉnh Nghệ An tổ chức.
Việt Nam là một vùng đất của rất nhiều hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị. Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ tinh tế của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Một số sản phẩm như gốm sứ, sơn mài, đồ gỗ, hàng mây tre, dệt may, thêu đang được nhiều nước ưa dùng để làm đồ trang trí nội thất và quà tặng.
Những năm gần đây, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đang có bước phát triển đáng khích lệ.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt hàng tỷ USD mỗi năm, góp phần tạo việc làm cho khoảng 1,5 triệu người ở hơn 2.000 làng nghề trên khắp cả nước.
Tuy nhiên, nếu so sánh với lượng tiêu thụ hàng nội thất và quà tặng trên thế giới, lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm 1 phần nhỏ dung lượng thị trường. Vì thế, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng và triển vọng phát triển.
Nhà giáo ưu tú Trịnh Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cho biết trước thách thức trong thời kỳ hội nhập, các doanh nghiệp cần được trang bị năng lực quản trị tài chính để hỗ trợ giải quyết các mối quan hệ tài chính phát sinh trong quá trình sản xuất và kinh doanh. Từ đó nhà quản trị tài chính sẽ có các quyết định về các loại tài sản của doanh nghiệp, tài trợ các loại tài sản và doanh nghiệp sẽ quản lý các nguồn tài sản của nó ra sao. Nếu như công việc này được thực hiện tối ưu, giá trị doanh nghiệp có thể đạt lớn thì tài sản của tổ chức cũng đạt lớn nhất.
Tại tham luận “Tác động của Hiệp định EVFTA đối với kinh tế Việt Nam nói chung và ngành thủ công mỹ nghệ, làng nghề nói riêng,” Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Vi Khải, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cho rằng trước làn sóng Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), ngành thủ công mỹ nghệ không thể nằm ngoài phát triển chung của nền kinh tế cả nước.
Theo Tiến sỹ Khải, những khó khăn, thách thức là định vị vị thế hàng thủ công mỹ nghệ trong mặt bằng các hàng hóa xuất khẩu; phân khúc thị trường, đánh giá thực lực; những khó khăn thách thức rào cản kỹ thuật, nguyên tắc hàng rào thuế quan, thói quen truyền thống nhu cầu đặc trưng; cạnh tranh từ hàng hoá, dịch vụ và nguồn lao động.
Theo thống kê đến hết năm 2019, toàn tỉnh Nghệ An đã có gần 500 làng nghề và làng có nghề; trong đó có 164 làng nghề đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An công nhận đạt tiêu chí theo quy định.
Sự phát triển làng nghề đã có những đóng góp quan trọng về kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, giá trị sản xuất từ làng nghề, làng có nghề hàng năm từ 14-15%, chiếm từ 6-7% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
Các làng nghề, làng có nghề thu hút 24-25 vạn lao động thường xuyên và rất nhiều việc cho lao động thời vụ, tăng thu nhập và cải thiện đời sống nông dân, góp phần đa dạng hóa kinh tế nông thôn, thúc đẩy quá trình đô thị hóa và đóng góp to lớn vào việc bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc…
Nghệ An được đánh giá là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển ngành thủ công mỹ nghệ nhờ các lợi thế về nguồn nguyên liệu và nhân công, bên cạnh đó các sản phẩm thân thiện với môi trường và bền vững nên nhu cầu sử dụng sản phẩm cả nội địa và xuất khẩu ngày càng cao, đặc biệt khi Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do quan trọng.
Tuy nhiên, theo ông Lê Đức Ánh, Phó giám đốc Sở Công Thương Nghệ An, thì thủ công mỹ nghệ hiện nay đối mặt với nhiều thách thức như rào cản kỹ thuật, khả năng tiếp cận thị trường, năng lực quản lý tài chính, nhân lực, đào tạo nghề và khả năng phát triển nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, chất lượng trong chuỗi giá trị của các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, năng lực tài chính còn hạn hẹp, thị trường tiêu thụ phụ thuộc vào bao tiêu của một số doanh nghiệp nên rất bị động.
Tại hội thảo, nhiều giải pháp, ý kiến đã được các đại biểu đưa ra để nâng cao năng lực quản lý tài chính ngành thủ công mỹ nghệ thời kỳ hội nhập. Trong số đó, chú trọng đến việc, tập huấn, đào tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ về cách quản lý hiệu quả tài chính; tạo nguồn vốn vay, gói vốn vay để người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận với những ưu đãi; tìm kiếm nhiều thị trường để có đầu ra ổn định cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ…
Bên cạnh đó, rà soát quy hoạch trong định hướng phát triển và đảm bảo nguồn nguyên liệu bền vững; thiết lập hệ thống cải tiến kỹ thuật và nâng cao chất lượng của sản phẩm, nguồn nhân lực cho ngành thủ công mỹ nghệ./.
Nguyễn Oanh (TTXVN/Vietnam+)
,Trực tiếp trận việt nam gặp thái lan