Ngày 24/1 (25 tháng Chạp), ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày, nhiều người dân sinh sống và làm việc tại Thủ đô Hà Nội đã lỉnh kỉnh hành lý, đổ về các bến xe, nhà ga, sân bay trở về quê. Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, người dân tiếp tục rời thành phố về quê đón Tết, tại một số tuyến đường cửa ngõ ken kín người và phương tiện, nhanh chóng bị quá tải.
Hành khách làm thủ tục tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội).
Các bến đông nghẹt khách
Khoảng 13 giờ 30 phút, tại Bến xe Mỹ Đình, rất đông người dân tập trung tại khu vực bán vé của các nhà xe đi các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Lào Cai, Quảng Ninh,… Gia đình anh Trần Việt Hoàng (quê ở thành phố Việt Trì, Phú Thọ), do lo ngại ùn tắc ở các tuyến đường nội đô cho nên đã ra bến xe từ sớm. Anh Hoàng tay kéo chiếc va-li, tay xách mấy hộp bánh về làm quà, chị vợ bế đứa con theo sau. Anh Hoàng cho biết, do là ngày cuối làm việc của năm, nên nếu không có việc gấp, phần lớn cán bộ, người lao động ở quê thường xin phép nghỉ sớm nửa ngày về quê sớm để tránh tắc đường.
Chính vì tâm lý đó khiến ngày cuối làm việc, lượng người về quê cũng đông không kém ngày đầu nghỉ Tết, bởi ai cũng mong muốn được trở về bên gia đình sớm. Khi xe xuất bến, các ghế đã kín chỗ. “Gia đình tôi cũng định sáng mai mới về nhưng tâm lý nóng lòng về sớm lúc nào hay lúc đó. Hy vọng đường sá di chuyển thuận lợi, chứ như năm trước ùn tắc từ chiều đến đêm, phương tiện nhích từng mét, người ngồi trên xe rất mệt mỏi”, anh Hoàng nói.
Cuối giờ chiều, tại Bến xe Giáp Bát, khu vực đỗ xe khách đã có khá nhiều hành khách xếp hàng chờ lên xe. Các tuyến thu hút lượng người dân đi chủ yếu là các chặng ngắn như Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa. Đặc biệt, xe khách về các huyện luôn kín chỗ. Lỉnh kỉnh chiếc ba-lô quần áo và túi quà của cơ quan tặng về quê ăn Tết, chị Hằng (huyện Kiến Xương, Thái Bình) cũng xin nghỉ làm buổi chiều để tranh thủ bắt xe về quê ăn Tết. “Em đã điện trước nhà xe đặt chỗ ngồi, thế nhưng những ngày lễ, Tết này, nhà xe cũng khó giữ chỗ cho khách được. Xe tuyến huyện không nhiều cho nên đón được xe nào chỉ cần có chỗ ngồi là tốt lắm rồi”, chị Hằng chia sẻ.
Khu vực trước cổng Bến xe Giáp Bát, xe ôm và xe công nghệ nườm nượp vào trả khách ngay tại đường Giải Phóng. Lực lượng công an phường và bảo vệ bến xe phải liên tục yêu cầu phương tiện di chuyển để tránh ùn tắc cho xe ra, vào bến cũng như các phương tiện lưu thông trên đường. Phía cửa xe khách ra, từng dòng xe khách nối đuôi nhau rời bến, các xe đều đông hành khách.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngay từ sáng sớm, giao thông các tuyến cửa ngõ đi các tỉnh đã bắt đầu căng thẳng. Các tuyến quốc lộ, đường cao tốc đều di chuyển khá khó khăn. Tuyến quốc lộ 1 (đường Lê Khả Phiêu), đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương… qua huyện Bình Chánh luôn trong tình trạng đông đúc. Anh Nguyễn Hữu Đắc (quê Tiền Giang) cho biết, từ sáng sớm, anh đã rời chỗ trọ ở quận Bình Tân, lái xe máy chở vợ và 2 con nhỏ về quê. Tuy nhiên, khi ra đến vòng xoay An Lạc thì gặp cảnh ùn tắc. Khu vực này thường bị ùn tắc do phía trước mặt đường nhỏ, tạo thành nút thắt cổ chai.
Khu vực phía đông thành phố, tình hình giao thông cũng căng thẳng không kém. Các điểm nóng như nút giao thông An Phú đến trạm thu phí Long Phước, xe nối đuôi nhau thành hàng dài di chuyển chậm. Lực lượng cảnh sát giao thông liên tục phải tổ chức phân luồng giao thông, hướng dẫn xe di chuyển qua các đường lân cận tránh ùn tắc.
Theo dự báo của Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, dịp cao điểm Tết Nguyên đán, bình quân mỗi ngày có khoảng 93.500 hành khách qua các bến xe khách liên tỉnh. Trong đó, tại Bến xe miền Tây, ngày cao điểm có thể đạt hơn 2.000 xe và 62.000 khách. Hiện các đơn vị tăng cường khoảng 300 phương tiện vào bến để giải tỏa hành khách khi cần.
Theo dự báo của Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, dịp cao điểm Tết Nguyên đán, bình quân mỗi ngày có khoảng 93.500 hành khách qua các bến xe khách liên tỉnh. Trong đó, tại Bến xe miền Tây, ngày cao điểm có thể đạt hơn 2.000 xe và 62.000 khách. |
Tuyến đường Trường Chinh (Hà Nội) lúc 17 giờ ngày 24/1.
Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) hiện chỉ còn phục vụ một số tuyến cố định đi các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk,… Tuy nhiên, những ngày gần đây, bến cũng trở nên nhộn nhịp với hàng trăm hành khách cùng hành lý, đồ đạc đổ về bắt xe về quê đón Tết. Đại diện lãnh đạo Bến xe Miền Đông cho biết, đợt cao điểm Tết, bến phục vụ khoảng 182.000 hành khách, vài ngày gần đây, lượng khách dao động khoảng 19.000 lượt/ngày. Các chuyến xe trong những ngày cao điểm gần như đã kín chỗ. Bến đã bố trí thêm xe tăng cường để bảo đảm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Sẵn sàng giải tỏa hành khách
Theo ông Nguyễn Hoàng Tùng, Giám đốc Bến xe Giáp Bát, bến xe đón lượng khách cao gấp 2 lần ngày thường. Do người lao động hết ngày 24/1 mới được nghỉ, dự báo bến xe sẽ tập trung đông nhất người dân về quê trong ngày 25/1 và số người đi sẽ dàn đều trong ngày. “Trong ngày cao điểm, dự báo có khoảng 12.000 lượt khách và 800 lượt xe. Hành khách tăng tập trung chủ yếu các tuyến Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa,… Bến xe Giáp Bát cũng yêu cầu các đơn vị vận tải của bến thực hiện cam kết trước khi xuất bến, bảo đảm không nhồi nhét khách, không thu vé sai quy định và thực hiện đúng luồng tuyến, lộ trình”, ông Nguyễn Hoàng Tùng khẳng định.
Trong ngày cao điểm, dự báo có khoảng 12.000 lượt khách và 800 lượt xe. Hành khách tăng tập trung chủ yếu các tuyến Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa,… Bến xe Giáp Bát cũng yêu cầu các đơn vị vận tải của bến thực hiện cam kết trước khi xuất bến, bảo đảm không nhồi nhét khách, không thu vé sai quy định và thực hiện đúng luồng tuyến, lộ trình Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Giám đốc Bến xe Giáp Bát |
Tại Bến xe Nước Ngầm, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe cho biết, hiện ở bến có 74 tuyến vận tải khách trên 29 tỉnh/thành phố, công suất công bố hơn 1.000 chuyến/ngày, công suất bình quân trong năm 2024 đạt gần 500 chuyến/ngày, công suất bình quân trong ngày lễ 569 chuyến/ngày. “Lượng khách đi Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh trong đợt này dự báo có khả năng tăng 140-150% so với ngày thường. Các doanh nghiệp vận tải đã có phương án dự phòng khi lượng khách cao đột biến, phục vụ khách đi lại thuận tiện. Bến xe cũng chuẩn bị các phương án phối hợp doanh nghiệp vận tải trong những trường hợp phát sinh, kịp thời giải tỏa khách trong ngày,” ông Lập nhấn mạnh.
Đặc biệt, Bến xe Nước Ngầm sẽ tăng cường kiểm tra, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp tự ý tăng giá vé sai quy định; yêu cầu các doanh nghiệp vận tải ra, vào bến chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Nhà nước về vận tải hành khách liên tỉnh.
Rạng sáng 24/1, trên tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây-Phan Thiết, do người dân về quê ăn Tết, lượng phương tiện tăng đột biến, cùng với một số vụ va chạm giao thông trên đường cho nên đã xảy ra ùn tắc kéo dài. Lực lượng Cảnh sát giao thông căng mình điều tiết một phần phương tiện sang Quốc lộ 1 để giải tỏa phương tiện. Khoảng 7 giờ sáng, phương tiện đã trở lại lưu thông bình thường.
Trước đó, khoảng 1 giờ 10 phút, trên đường cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết (qua địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) đã xảy ra vụ va chạm liên hoàn giữa 5 xe (2 xe khách giường nằm, 3 ô-tô), không xảy ra thương vong nhưng khiến giao thông bị ùn ứ nghiêm trọng.
Tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), theo thống kê, trong ngày 24/1, có 846 chuyến bay với gần 150 nghìn hành khách đi lại, tăng 24 chuyến so với ngày 23/1. Tổng số chuyến bay phục vụ hành khách đợt cao điểm Tết Nguyên đán (từ ngày 14/1 đến 12/2) đạt hơn 26.000 chuyến bay, tổng số khách hơn 4 triệu lượt. Ngày cao điểm Tết, có 970 chuyến bay cất và hạ cánh mỗi ngày. Còn tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, theo thống kê, trong ngày 24/1 có 627 chuyến bay (325 chuyến bay nội địa và 302 chuyến bay quốc tế) với sản lượng 85.627 hành khách (có 48.272 khách nội địa và 37.400 khách quốc tế).
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, theo quy luật, thời điểm này, một số cảng hàng không khu vực miền bắc chịu ảnh hưởng sương mù, tầm nhìn hạn chế khiến hoạt động khai thác bị gián đoạn. Trong ngày 24/1, tại một số sân bay ở miền bắc, nhiều chuyến bay phải bay chờ hoặc chuyển hướng, ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác của các hãng hàng không và chất lượng dịch vụ đối với hành khách. Dự báo hiện tượng sương mù khu vực phía bắc còn tiếp diễn trong các ngày tới và có khả năng ảnh hưởng đến các chuyến bay đi, đến các cảng hàng không Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Cát Bi.
Từ 1 giờ 30 phút đến 9 giờ ngày 24/1, do sương mù tại Cảng Hàng không Vinh, Hãng Vietnam Airlines phải chuyển hướng hạ cánh 5 chuyến bay đến Vinh về hạ cánh tại Nội Bài, 4 chuyến bị chậm giờ và ảnh hưởng dây chuyền đến một số chuyến bay khác trong ngày. VietJet Air có 1 chuyến bay đến Vinh, 1 chuyến đến Thọ Xuân phải chuyển hướng hạ cánh tại Nội Bài, 5 chuyến bị chậm giờ và ảnh hưởng dây chuyền đến một số chuyến bay khác trong ngày. Các hãng hàng không hỗ trợ hành khách phải chuyển hướng hạ cánh tại sân bay Nội Bài đi xe buýt về Vinh và Thanh Hóa.
Các hãng hàng không mong muốn hành khách thông cảm vì lý do bất khả kháng này. Các chuyến bay chậm từ 2 tiếng trở lên, Vietnam Airlines phục vụ hành khách ăn uống tại phòng chờ. Đối với các chuyến bay buộc phải chuyển hướng, hãng hỗ trợ chi phí đường bộ từ sân bay dự bị đến sân bay dự định hạ cánh. Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi và cùng các cơ quan, đơn vị xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong dịp cao điểm vận chuyển hàng không Tết Nguyên đán với mục tiêu cao nhất là an toàn trên mỗi chuyến bay.
Theo Nhân Dân
https://nhandan.vn/nguoi-dan-tat-bat-tro-ve-que-don-tet-post857701.html