Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, đây là lần đầu tiên Thủ đô tổ chức hội thi này với các nhóm sản phẩm chính từ: Mây, tre, lá tự nhiên; nhóm sơn mài, khảm trai, gỗ mỹ nghệ; nhóm gốm sứ và thủy tinh cho tới nhóm dệt, may, thêu đan, móc… 5 nhóm sản phẩm làng nghề với chủ đề nâng tầm sáng tạo, lan toa tinh hoa làng nghề Hà Nội, các sản phẩm được lựa chọn đều thể hiện rõ giá trị văn hóa truyền thống làng nghề Thủ đô.
Các tác phẩm dự thi là sản phẩm thủ công mỹ nghệ có tính sáng tạo, tiêu biểu, tinh hoa, thẩm mỹ, mang giá trị truyền thống, thân thiện với môi trường và có tính thương mại trong số các sản phẩm cùng loại dự thi. Đặc biệt, Ban tổ chức cũng đề cao tính thân thiện với môi trường, công nghệ sản xuất giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nguyên vật liệu sản xuất ít hoặc không ảnh hưởng đến môi trường. Ưu tiên các sản phẩm sử dụng nguyên liệu tái chế tính thẩm mỹ, sản phẩm có thiết kế kiểu dáng đẹp, độc đáo, có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ tốt, có hoa văn họa tiết và màu sắc độc đáo và tính văn hóa truyền thống. Sản phẩm mang đậm nét truyền thống truyền tải và thể hiện được nét văn hóa riêng của Hà Nội.
Trong gần hai tháng triển khai, phát động, Hội thi sản phẩm làng nghề Thành phố Hà Nội năm 2023 đã thú hút 327 sản phẩm, bộ sản phẩm của 109 tổ chức, cá nhân, nghệ nhân, thợ giỏi gồm 30 nghệ nhân (10 nghệ nhân ưu tú) và 79 thợ giỏi tham gia dự thi, đến từ 25 quận, huyện, thị xã. Qua đó, thể hiện sự quan tâm đánh giá cao của các nghệ nhân cũng như mối quan tâm của xã hội với sản phẩm làng nghề, nghề truyền thống, không chỉ ở các làng nghề, mà còn là ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan chức năng Thành phố.
Hà Nội hiện cũng là địa phương có số làng nghề nhiều nhất cả nước với 1.350 làng nghề, chiếm 56% tổng số làng nghề trong cả nước. Đáng nói không chỉ lưu giữ các giá trị văn hóa, các làng nghề của Hà Nội còn đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương khi liên tục có sự tăng trưởng về doanh thu, trong đó khoảng 100 làng nghề đạt từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm…
Hội thi sản phẩm làng nghề Hà Nội năm 2023 góp phần nâng cao ý thức cho những làng nghề truyền thống tập trung hơn vào đổi mới sáng tạo, hình thức mẫu mã… để các sản phẩm thủ công mỹ nghệ vừa gìn giữ được những bản sắc văn hóa hồn cốt của quê hương đất nước đồng thời có những bước cải tiến phù hợp xu thế hiện đại hội nhập, khẳng định vị thế của sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội với cả nước và trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, Ban tổ chức sẽ lựa chọn các tác giả có sản phẩm đạt giải của Thành phố tham dự Lễ tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn Toàn quốc do lãnh đạo Nhà nước gặp mặt biểu dương, dự kiến vào sáng ngày 09/11 tại Phủ Chủ tịch nước. Đồng thời, những sản phẩm đạt giải sẽ được trưng bày tại Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 do Bộ NN&PTNT và UBND TP. Hà Nội tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội từ ngày 9/11-12/11.
Thiện Tâm