Bình Phước : Cổng thông tin điện tử
https://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Khi công nghệ phát triển hơn, loa phường (loa truyền thanh) đã trở thành công cụ chính để thông tin, tuyên truyền tới người dân. Hàng ngày, định kỳ theo mỗi khung giờ hoặc đột xuất, phát thanh viên ngồi trong phòng máy để đọc các nội dung theo kịch bản đã xây dựng trước. Có những nội dung quan trọng cần phổ biến tới người dân, phát thanh viên phải đọc đi đọc lại nhiều lần.
Công nghệ loa phường đến nay đã tiếp tục có nhiều cải tiến. Phát thanh viên không cần phòng máy, có thể phát nội dung từ bất kỳ nơi đâu có kết nối Internet. Phát thanh viên không cần đọc nội dung, mà nội dung được đọc bởi máy theo giọng đọc nam nữ, vùng miền.
Hệ thống truyền thanh cơ sở là cánh tay nối dài của Hệ thống đài phát thanh Trung ương và tỉnh, đóng vai trò tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chính trị của địa phương. Sự ra đời của truyền thanh ứng dụng Công nghệ Thông tin – Viễn thông (thông minh) không chỉ mang lại sự tiện lợi, thiết thực, mà còn tiết kiệm được cả thời gian, chi phí và nhân lực. Chính vì vậy, mô hình phát thanh thông minh đang ngày được các địa phương quan tâm, nhân rộng.
Câu chuyện về hệ thống loa thông minh tại tỉnh Bình Phước.
Trước đây, tại tỉnh Bình Phước, các xã, phường cần nhiều nguồn lực để duy trì hoạt động của phòng phát thanh của đơn vị. Hàng ngày, phát thanh viên đều đặn mỗi ngày hai lần chuẩn bị và ngồi tại phòng phát thanh của xã, đọc nội dung tuyên truyền về chính sách, thông tin tới người dân.
Đến nay, Tỉnh đã quan tâm đầu tư Hệ thống loa truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông, và đã lắp đặt tại 843/843 thôn, ấp, khu phố thuộc 111/111 xã, phường, thị trấn của tỉnh với tổng số 1.639 cụm, 3.807 loa, trong đó 1.484 cụm, 3.423 loa thuộc Dự án tập trung, 155 cụm với 384 loa từ các dự án khác trước đó, sau khi đầu tư hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông, cán bộ truyền thanh xã không cần mất nhiều thời gian, công sức như trước nữa. Từ khi triển khai hệ thống loa thông minh, cán bộ truyền thanh đã có thể thực hiện nhiệm vụ của mình ở bất kỳ nơi đâu có Internet.
Phát thanh viên hiện nay đã không còn ngồi đọc nội dung như trước. Công nghệ trí tuệ nhân tạo, tự động chuyển nội dung văn bản (text) sang giọng nói (voice). Phát thanh viên có thể tuy chọn giọng đọc theo ý muốn: giọng nam / nữ, giọng theo vùng miền bắc / trung / nam, tốc độ đọc nhanh hay chậm. Nội dung đọc được lưu lại, cho phép phát thanh viên phát lại nhiều lần.
Với sự hỗ trợ của công nghệ, thời gian chuẩn bị nội dung phát sóng đã được rút ngắn hơn rất nhiều. Và vì vậy, phát thanh xã có thể tùy biến nội dung phát thanh theo từng thôn. Ví dụ: Tại Thành phố Đồng Xoài: Phường Tân Bình có thể phát nội dung về diễn biến tiếp xúc cử tri, xã Tiến Hưng có thể phát nội dung tuyên truyền nông thôn mới. Hoặc có thể phát những Thông báo khẩn cấp về tình hình thiên tai, dịch bệnh, chỉ đạo theo nhu cầu tại từng khu vực thông qua phần mềm quản lý hệ thống truyền thanh đã được cấp, phân quyền cho cán bộ phụ trách truyền thanh của các đơn vị.
Trong trường hợp cần phát thanh qua micro, phát thanh viên có thể ngồi bất cứ đâu với máy tính truy cập hệ thống truyền thanh thông minh kết nối micro.
Hệ thống thông tin nguồn (hạ tầng kỹ thuật đặt tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh) hiện tại đã được vận hành tại địa chỉ: tttm.binhphuoc.gov.vn, kết nối với Trung tâm IOC tỉnh; hiện đang kết nối, quản lý, cung cấp thông tin nguồn cho các cụm loa truyền thanh công nghệ IP trên địa bàn tỉnh. Hệ thống thông tin nguồn được đầu tư để quản lý, cung cấp thông tin, chia sẻ, vận hành hệ thống đáp ứng các yêu cầu về chức năng, tính năng kỹ thuật, giải pháp an toàn thông tin theo quy định của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, phù hợp với kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bình Phước.