Nước nào duy nhất trên thế giới không có đội tuyển bóng đá quốc gia?

Quần đảo Marshall là nơi duy nhất chưa có đội tuyển bóng đá quốc gia. Ảnh: Unsplash

Đứng đầu dự án đầy tham vọng này là Lloyd Owers, một công dân người Anh. Xuất thân từ vùng ngoại ô Oxford, huấn luyện viên 33 tuổi này đã tỏa sáng trên trường quốc tế, đặc biệt là ở Canada, Mỹ và Thụy Điển.

Mọi chuyện bắt đầu từ cuộc gọi từ Shem Livai-một kỹ sư cơ khí người Marshall tốt nghiệp Đại học Hawaii ở Mỹ. Năm 2020, anh thành lập Liên đoàn bóng đá Quần đảo Marshall (MISF). Qua điện thoại, anh nói với Lloyd Owers về tham vọng của mình, đó là thành lập đội tuyển bóng đá quốc gia Quần đảo Marshall.

Ý tưởng này ngay lập tức thu hút Lloyd Owers: “Theo quan điểm cá nhân, đó là một thách thức lớn: Thành lập một đội bóng ở quốc gia duy nhất trên thế giới chưa có đội bóng nào”, Lloyd Owers nói.

Cặp đôi này nhìn thấy những điều lớn lao: “Trước tiên, chúng tôi có ý định gia nhập Liên đoàn bóng đá châu Đại Dương và thi đấu với các quốc gia láng giềng nhưng tầm nhìn dài hạn của chúng tôi rộng hơn nhiều. Chúng tôi muốn được FIFA công nhận để có thể tham gia giải đấu World Cup và Olympic”, Lloyd Owers tâm sự. Ông tiếp tục: “10 năm nữa, nếu chúng tôi tiếp tục đi theo hướng mục tiêu của mình, không có lý do gì điều này không thể xảy ra”.

Với một bài đăng trên X (trước đây là Twitter), Liên đoàn bóng đá Quần đảo Marshall thông báo: “Chúng tôi là nước cuối cùng trên thế giới không có đội tuyển bóng đá quốc gia. Điều này sắp thay đổi và chúng tôi cũng đang hy vọng. Hãy theo dõi và giúp chúng tôi hiện thực hóa giấc mơ về một đội bóng đẳng cấp thế giới ở Quần đảo Marshall!”.

Người dùng Internet đã nhanh chóng bày tỏ sự nhiệt tình của họ. “Chúng tôi đã có 1.500 người đăng ký trên X chỉ trong hai hoặc ba ngày, thật không thể tin được. Chúng tôi chưa từng nghĩ điều đó!”, Lloyd Owers kêu lên.

Một chiếc áo thi đấu đã được bán ở hơn 30 quốc gia

Đối với đất nước nhỏ bé với 60.000 dân này, đây cũng là cơ hội để thoát khỏi quá khứ từng đeo bám nhiều năm qua. Bị Mỹ chiếm đóng sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Quần đảo Marshall từng là căn cứ cho các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân, trước khi giành được độc lập vào năm 1986. “Không có gì phải che giấu, đó là một phần bản sắc của văn hóa Mỹ. Bóng đá ở Quần đảo Marshall đang phát triển như Mỹ trước đây”, Lloyd Owers nói.

Chiếc áo thi đấu được bán ở hơn 30 quốc gia. Ảnh: mạng xã hội X

Bên cạnh việc xây dựng sân vận động bóng đá ở thủ đô Majuro, huấn luyện viên Lloyd Owers đã giám sát buổi tập đầu tiên cho trẻ em ở Quần đảo Marshall vào mùa hè năm 2023 này.

Liên đoàn bóng đá Quần đảo Marshall cũng tiết lộ chiếc áo thi đấu đầu tiên mà các cầu thủ Marshall dự kiến sẽ mặc trong trận đấu khai mạc từ nay đến tháng 8-2024. Đó là chiếc áo màu xanh lam và cam rực rỡ phản ánh màu sắc của quốc kỳ Marshall, trong khi các hoa văn và sọc phản ánh mối liên kết của quần đảo với đại dương. Theo huấn luyện viên Lloyd Owers, kể từ khi được giới thiệu vào cuối tháng 9-2023, chiếc áo này đã được bán ở hơn 30 quốc gia.

Theo Quân đội nhân dân

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *