Một số khách hàng khi đang cân nhắc đặt túi ngực, có thể đã nghe qua khả năng gây ung thư. Vậy đặt túi ngực có gây ung thư vú không? Có là yếu tố nguy cơ không? Bài viết này, bác sĩ chuyên khoa I Lê Ngọc Vinh, Đơn vị Ngoại Vú – Đầu Mặt Cổ, Trung tâm Khám chữa bệnh Tâm Anh Quận 7 và Khoa Ngoại Vú – Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM sẽ xem xét mối liên hệ giữa túi ngực và ung thư, trình bày các nghiên cứu hỗ trợ mối liên hệ này và phân tích rủi ro của túi ngực dựa trên kiến thức hiện tại.
Đặt túi ngực có gây ung thư vú không?
Có thể, đặt túi ngực có thể gây ung thư vú nhưng rất hiếm. Nghiên cứu đã liên kết một số loại túi ngực với các loại ung thư cụ thể và nhận thấy mối liên kết này rất hiếm. Hiện không có mối liên hệ giữa các loại túi ngực đang có trên thị trường và ung thư. Trước đây, các loại túi ngực nhám có tỷ lệ dương tính ung thư cao hơn so với túi ngực trơn.
Trên toàn cầu, bác sĩ thực hiện đặt hơn 1 triệu túi ngực/năm và chỉ có khoảng 1.100 người có túi ngực phát triển 1 loại ung thư hiếm gặp gọi là u lympho tế bào lớn bất sản liên quan đến túi ngực (BIA-ALCL). Các loại túi ngực nhám của Allergan có liên quan đến loại ung thư này đã loại bỏ khỏi thị trường. Ngoài ra, có rất ít người phát triển các loại ung thư khác từ túi ngực.
Tất cả các loại ung thư liên quan đến túi ngực đều hiếm gặp. Các số liệu bao gồm:
- BIA-ALCL: FDA – Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cho biết, năm 2022 có 1.130 trường hợp BIA-ALCL và 59 ca tử vong.
- Ung thư biểu mô tế bào vảy: FDA cho biết, có ít hơn 20 trường hợp ung thư biểu mô tế bào vảy liên quan đến túi ngực.
- Các loại u lympho khác: FDA cho biết, có ít hơn 30 trường hợp u lympho khác trong bao xơ quanh túi ngực.
Nghiên cứu đã liên kết nhiều trường hợp BIA-ALCL với một loại túi ngực cụ thể của Allergan đã bị thu hồi. Số trường hợp BIA-ALCL theo nhà sản xuất túi ngực như sau:
Nhà sản xuất | Số trường hợp | Tỷ lệ phần trăm (%) |
Allergan | 953 | 84 |
Mentor | 67 | 6 |
Sientra | 20 | 2 |
Nhà sản xuất khác | 10 | 1 |
Không rõ nhà sản xuất | 80 | 7 |
Tổng cộng FDA nhận được có 1.130 báo cáo về BIA-ALCL. Bảng này đã phân chia các trường hợp theo nhà sản xuất túi ngực. Lưu ý, điều này không có nghĩa tất cả sản phẩm từ nhà sản xuất có mặt trong danh sách đều liên quan đến BIA-ALCL. Loại túi ngực duy nhất được ghi nhận có nguy cơ tăng các trường hợp BIA-ALCL là dòng BIOCELL của Allergan nhưng đã bị rút khỏi thị trường vào năm 2019.
Mối liên hệ giữa đặt túi ngực và ung thư vú
Loại ung thư duy nhất có mối liên hệ rõ rệt với túi ngực là u lympho tế bào lớn bất sản liên quan đến túi ngực (BIA-ALCL). Đây là ung thư của tế bào bạch cầu (tế bào T, 1 phần của hệ miễn dịch, thuộc loại u lympho không Hodgkin) và không phải ung thư vú. Các ca ung thư này lần đầu được phát hiện vào những năm 1990.
Các tế bào T ung thư trong BIA-ALCL tồn tại trong mô sẹo và chất lỏng gần túi ngực. Đôi khi, tế bào T lan sang bộ phận khác của cơ thể. Thông thường, ung thư này phát triển trong mô sẹo (bao xơ) nhiều năm sau phẫu thuật đặt túi ngực, khi vết mổ đã lành.
Tháng 9 năm 2022, FDA cảnh báo khi nhận được báo cáo về các loại ung thư khác gồm: ung thư biểu mô tế bào vảy (ung thư phát triển từ tế bào lót nhiều cơ quan của cơ thể) và loại u lympho khác (ung thư tế bào bạch cầu) phát triển trong mô sẹo xung quanh túi ngực.
Khi nào việc đặt túi ngực có thể là yếu tố nguy cơ?
Hiện, có 4 loại túi ngực cơ bản được phân làm 2 nhóm gồm: nhóm chia theo phần chứa bên trong túi ngực (chứa nước muối sinh lý hoặc gel silicone) và nhóm chia theo bề mặt túi ngực làm bằng silicone ( nhám hoặc trơn). Dưới đây là thông tin về yếu tố nguy cơ ung thư của từng loại:
- Silicone và nước muối sinh lý: nguy cơ BIA-ALCL dường như không bị ảnh hưởng bởi thành phần chứa của túi ngực, tuy dữ liệu thông tin chứng minh còn hạn chế. Ngoài ra, cũng không có ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC) hoặc u lympho nào khác được liên kết với bất kỳ loại chất chứa nào cụ thể của túi ngực. Số trường hợp BIA-ALCL theo phần chứa bên trong túi ngực:
Thành phần chứa | Số trường hợp | Tỷ lệ phần trăm (%) |
Silicone | 728 | 64 |
Nước muối sinh lý | 304 | 27 |
Không xác định | 98 | 9 |
- Nhám và trơn: BIA-ALCL dường như xuất hiện thường xuyên hơn ở túi ngực nhám, đặc biệt túi nhám bề mặt lớn của Allergan. Ngoài ra, cũng không có SCC hoặc u lympho nào khác được liên kết với bất kỳ loại bề mặt túi ngực nào cụ thể. Số trường hợp BIA-ALCL theo bề mặt túi ngực:
Bề mặt túi ngực | Số trường hợp | Tỷ lệ phần trăm (%) |
Nhám | 798 | 71 |
Trơn | 37 | 3 |
Không xác định | 295 | 26 |
Dữ liệu từ FDA cập nhật vào tháng 4 năm 2022 cho thấy, BIA-ALCL có vẻ hơi phổ biến hơn ở người sử dụng túi ngực chứa silicone, tuy điều này chưa được xác nhận bởi 1 nghiên cứu lớn. Theo FDA, hiện chưa đủ dữ liệu để xác định chắc chắn mối liên hệ giữa túi ngực chứa silicone và nguy cơ gia tăng BIA-ALCL.
Các loại túi ngực và thiết bị giãn mô bị FDA thu hồi vào năm 2019 chỉ giới hạn ở các sản phẩm túi ngực nhám BIOCELL của Allergan, bao gồm:
- Túi ngực Natrelle chứa nước muối sinh lý.
- Túi ngực Natrelle chứa silicone.
- Túi ngực Natrelle Inspira chứa silicone.
- Túi ngực Natrelle 410 chứa silicone định hình cao.
- Thiết bị giãn mô Natrelle 133 plus.
- Thiết bị giãn mô Natrelle 133 có đính tab khâu.
Với các loại ung thư khác, nghiên cứu chưa tìm thấy mối liên hệ nào với bất kỳ loại túi ngực cụ thể nào, bao gồm cả trường hợp ung thư đã phát triển ở cả người sử dụng túi ngực nhám và trơn, túi ngực chứa nước muối sinh lý và silicone. FDA vẫn đang thu thập thêm dữ liệu để xác định mối liên hệ này.
Tóm lại, FDA nhận thấy các loại ung thư liên quan đến túi ngực rất hiếm. FDA vẫn đang tiếp tục thu thập và đánh giá thông tin về BIA-ALCL và các loại ung thư khác ở người có túi ngực hoặc đã sử dụng thiết bị giãn mô. Khi thu thập thêm thông tin, FDA có thể yêu cầu các nhà sản xuất tiếp tục thu hồi các loại túi ngực hoặc thiết bị giãn mô khác.
Phương pháp điều trị khi cần thiết
Hầu hết, những người mắc BIA-ALCL có tiên lượng tốt. Các phương pháp điều trị, bao gồm:
- Phẫu thuật.
- Hóa trị.
- Xạ trị.
Lưu ý an toàn cho người đặt túi ngực
1. Chọn loại túi ngực phù hợp
FDA lần đầu tiên liên kết ung thư này với túi ngực vào năm 2011 cho biết, thời điểm đó số ca BIA-ALCL rất ít và thông tin về các loại túi ngực được sử dụng còn hạn chế nên không thể liên kết đáng kể với bất kỳ loại túi ngực cụ thể nào cho đến nhiều năm sau đó.
Mặt khác, hiện vẫn có nhiều người đang mang túi ngực đã bị thu hồi. Nếu, khách hàng không có triệu chứng của BIA-ALCL, FDA không khuyến nghị gỡ bỏ túi ngực. Tất cả khách hàng có túi ngực, hãy khám định kỳ và theo dõi sức khỏe của mình. Lưu ý khi đi khám, hãy cho bác sĩ biết bạn đang mang túi ngực và cung cấp loại, nhãn hiệu nếu có thể, đặc biệt báo ngay nếu thấy bất kỳ thay đổi nào ở ngực hoặc lo lắng về túi ngực.
Nếu bạn có túi ngực và lo lắng về nguy cơ mắc BIA-ALCL, hãy chú ý đến các triệu chứng sau có thể xuất hiện sau nhiều năm đặt túi ngực:
- Sưng không giảm.
- Đau quanh túi ngực.
- Xuất hiện khối u hoặc cục gần túi ngực.
- Thay đổi da như đỏ da.
- Tụ dịch quanh túi ngực.
Nếu lo ung thư vú, khách hàng cần hiểu nguy cơ ung thư vú ở người có túi ngực không cao hơn so với người không có. Đồng thời, khách hàng hãy duy trì việc tầm soát ung thư vú định kỳ và chú ý đến triệu chứng phổ biến của ung thư vú như:
- Xuất hiện khối u ở vú hoặc nách dai dẳng.
- Một phần vú dày lên, sưng hoặc thay đổi hình dạng.
- Da vú kích ứng hoặc có nếp gấp.
- Da xung quanh núm vú đỏ hoặc bong tróc.
- Núm vú tụt vào hoặc đau.
- Tiết dịch bất thường từ núm vú (không phải sữa mẹ).
- Đau ở vú.
2. Tư vấn trước phẫu thuật
Trước phẫu thuật, bác sĩ sẽ tư vấn kỹ cho khách hàng về hình dạng, kích thước, kết cấu bề mặt, vị trí đặt túi ngực và vị trí mổ. Ngoài ra, khách hàng có thể trao đổi rõ với bác sĩ về mong muốn của bản thân. Sự tự vấn, trao đổi này sẽ giúp khách hàng và bác sĩ đưa ra quyết định để đạt được hình dáng ngực như mong muốn vẫn đảm bảo sức khỏe.
Đồng thời, khách hàng cũng cần nắm thông tin, người có túi ngực vẫn có thể phát triển các loại ung thư hiếm gặp, đặc biệt ung thư quan trọng nhất là u lympho tế bào lớn bất sản liên quan đến túi ngực (BIA-ALCL). Tuy nhiên đây là 1 loại u lympho không hodgkin, ung thư tế bào bạch cầu, không phải ung thư vú. Ngoài ra còn có các loại u lympho khác và ung thư biểu mô tế bào vảy đã được tìm thấy trong mô sẹo quanh túi ngực nhưng trường hợp này rất hiếm.
Ngoài ra, 1 nghiên cứu đã liên kết BIA-ALCL với túi ngực nhám bề mặt lớn do Allergan sản xuất. và đã rút túi ngực này khỏi thị trường vào năm 2019. Những túi ngực này không phổ biến ở Hoa Kỳ. Mặt khác,, BIA-ALCL cũng được tìm thấy ở người sử dụng túi ngực nhám khác. Tuy nhiên, FDA cho biết số trường hợp hiếm đến mức không có lý do để thu hồi bất kỳ túi ngực nào khác chỉ khoảng 1.130 trường hợp và 59 ca tử vong do BIA-ALCL đã được báo cáo. [1]
Nếu bạn có túi ngực đã bị thu hồi cũng không cần phải gỡ bỏ nhưng hãy theo dõi các triệu chứng của BIA-ALCL và trao đổi thêm với bác sĩ.
3. Theo dõi định kỳ sau phẫu thuật
Hầu hết, người có túi ngực nên tầm soát ung thư vú định kỳ với các phương pháp gồm: chụp X-quang vú (mammogram), siêu âm vú hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) vú. Riêng người có túi ngực và đã được loại bỏ toàn bộ mô vú trong quá trình phẫu thuật cắt bỏ vú 2 bên sẽ không cần tầm soát bằng chụp X-quang vú (mammogram) nữa. Khách hàng vẫn cần chụp X-quang vú (mammogram) định kỳ nếu đã:
- Phẫu thuật bảo tồn vú.
- Cắt bỏ vú có giữ lại núm vú.
- Chỉ cắt bỏ vú 1 bên.
Với phụ nữ đã chuyển giới có túi ngực, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định phương pháp tầm soát phù hợp.
Chụp X-quang vú (mammogram) khó thực hiện hơn ở người có túi ngực. Bởi, nếu túi ngực vỡ, việc chụp để có được hình ảnh tốt của mô vú cũng khó khăn hơn. Vì vậy, khách hàng hãy báo bản thân có đặt túi ngực cho kỹ thuật viên chụp X-quang khi đặt lịch hẹn.
Ngoài ra, để đảm bảo kết quả tầm soát chính xác khách hàng hãy đến cơ sở y tế uy tín, có kỹ thuật viên tay nghề cao trong lĩnh vực chụp X-quang vú (mammography). Đồng thời, khách hàng có thể được yêu cầu chụp thêm 2 hình ảnh của mỗi bên vú so với quy trình thông thường. Các hình ảnh bổ sung này giúp bác sĩ nhìn rõ hơn về vú nhưng có thể gây khó chịu hơn so với hình ảnh khác, vì kỹ thuật viên phải kéo mô vú ra khỏi túi ngực.
Khoa Ngoại Vú – Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM quy tụ các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm giúp các chị em lên liệu trình điều trị toàn diện, an toàn và thẩm mỹ. Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM liên tục cập nhật trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ bác sĩ trong việc tầm soát và điều trị chính xác, hiệu quả hơn.
Khoa Ngoại Vú – Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM còn lập nhóm “CLB bệnh nhân ung thư vú bệnh viện Tâm Anh” giúp người bệnh có thể chia sẻ những khó khăn, lo lắng với những người bệnh.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Khách hàng đặt túi ngực, hãy hiểu đây là phẫu thuật phổ biến và hầu hết không phát triển các loại ung thư liên quan. Thông qua bài “Đặt túi ngực có gây ung thư vú không? Có là yếu tố nguy cơ không?, khách hàng có thể nắm thông tin, yên tâm và biết cách ngừa ung thư vú hơn. Trường hợp, khách hàng đang mang túi ngực đã bị thu hồi sẽ không cần phải gỡ bỏ Thực tế, FDA khuyến cáo không nên gỡ bỏ. Khách hàng hãy trao đổi với bác sĩ để có hướng giải quyết phù hợp. Đồng thời theo dõi bất kỳ triệu chứng nào của BIA-ALCL. Trường hợp hiếm, người bệnh mắc loại ung thư này, hãy bình tình đến gặp bác sĩ vì bệnh có thể điều trị dễ, đặc biệt nếu được phát hiện sớm.