Hoàn thiện tiêu chí về Hạ tầng thông tin và truyền thông để xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu

Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu đang được triển khai ở nhiều địa phương trên cả nước, với mong muốn tạo nhân tố tiên phong, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Trong 14 tiêu chí xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, tiêu chí về Hạ tầng thông tin và truyền thông gồm 4 tiêu chí thành phần: Hệ thống loa truyền thanh hoạt động thường xuyên, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân tại các Làng văn hóa kiểu mẫu; mạng wifi công cộng miễn phí được lắp đặt tại các nhà văn hóa thôn; ứng dụng trên nền tảng số (Zalo, facebook, fanpage) để thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến người dân; gắn mã số, địa chỉ số đến người dân.

Hệ thống loa truyền thanh hoạt động thường xuyên, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân tại các Làng văn hóa kiểu mẫu

Để đáp ứng yêu cầu các Làng văn hoá kiểu mẫu có hệ thống loa truyền thanh hoạt động thường xuyên và các cụm loa đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin đến các hộ dân, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các địa phương tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng các cụm loa truyền thanh tại các Làng văn hóa kiểu mẫu. Trên cơ sở đó, đề xuất đầu tư, bổ sung mới các cụm loa tại các khu vực lõm sóng, sóng yếu; đề xuất sửa chữa, nâng cấp đối với các cụm loa hỏng hóc, chất lượng kém.

loa.png
Hệ thống loa phát thanh phát huy hiệu quả tích cực trong việc tuyên truyền chính sách. (Ảnh: Internet)

Ở một số địa phương, Ngoài hệ thống loa truyền thanh đặt tại các khu dân cư, đài truyền thanh xã còn tăng cường hoạt động của các loa tuyên truyền lưu động tại các điểm chợ, khu vực đông dân cư để thông tin những nội dung cấp bách, cần thiết đến người dân.

Bên cạnh loa truyền thanh không dây, các xã còn được trang bị thêm loa truyền thanh thông minh thế hệ mới phát triển trên công nghệ IP, là công nghệ truyền dẫn thông tin số thông qua chuyển mạch gói, tiện ích cho việc lưu trữ dữ liệu phục vụ cho việc khai thác, sử dụng lâu dài. So với hệ thống loa trước đây, chất lượng loa truyền thanh không dây có âm thanh truyền đi vượt trội, nhanh chóng, tín hiệu truyền đi nguyên gốc so với nguồn phát.

Ngoài tính tiện ích trên, hệ thống loa truyền thanh thông minh còn hỗ trợ kết nối đa dạng wifi, 4G. Nguồn phát thông tin đa dạng tệp tin, microphone, thiết bị số hóa, văn bản, tiếp sóng. Đồng thời, hệ thống còn có ứng dụng cài trên thiết bị di động cho phép quản lý và điều khiển toàn bộ hệ thống truyền thanh ở mọi lúc, mọi nơi. Ứng dụng này cũng cho phép quản lý toàn bộ các chức năng của hệ thống truyền thanh, thực hiện phát thanh trực tiếp từ điện thoại trong trường hợp khẩn cấp, không cần phải đến tận phòng thu, cho phép chuyển dữ liệu nội dung văn bản sang giọng nói trực tiếp (MC ảo) nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo…

Để nâng cao hiệu quả của hệ thống truyền thanh cơ sở, các địa phương còn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho công tác thông tin cơ sở về công nghệ, năng lực quản trị hệ thống; kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để quản lý và vận hành thiết bị kỹ thuật, an toàn, an ninh thông tin; về kỹ năng biên soạn tài liệu tuyên truyền, sản xuất nội dung chương trình, biên tập tin, bài phát thanh theo hướng hiện đại.

Có thể nói, hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở đã được khẳng định trong thực tiễn đời sống, góp phần tạo sự đồng thuận, xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Đẩy mạnh lắp đạt hệ thống wifi miễn phí và ứng dụng trên nền tảng số

Hệ thống truy nhập Internet không dây miễn phí đã đáp ứng mục tiêu cải thiện điều kiện sinh hoạt cho nhân dân, giúp người dân có điều kiện tìm hiểu chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cập nhật tin tức, đời sống. Qua đó, chính quyền cũng nhanh chóng thông tin các chủ trương, chính sách đến người dân một cách nhanh chóng, tiện lợi nhất.

Đối với chỉ tiêu về mạng wifi công cộng, các địa phương cần tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng hạ tầng viễn thông tại các nhà văn hóa. Đồng thời, trực tiếp ký hợp đồng sử dụng dịch vụ Internet với các doanh nghiệp viễn thông để triển khai cung cấp dịch vụ mạng Internet wifi tại nhà văn hoá.

Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh đã chủ động thành lập Tổ giúp việc, đồng thời, ban hành văn bản hướng dẫn triển khai các tiêu chí về hạ tầng thông tin và truyền thông trong việc xây dựng Làng văn hoá kiểu mẫu.

Theo đó, việc lắp đặt hệ thống mạng wifi kết nối Internet tại nhà văn hóa thôn đã được triển khai thực hiện. Sau một thời gian triển khai lắp đặt, sử dụng, hệ thống wifi miễn phí tại nhà văn hóa thôn phát huy hiệu quả, lợi ích thiết thực, giúp thôn tổ chức tốt các hoạt động hội họp, sinh hoạt cộng đồng, người dân dễ dàng tiếp cận thông tin về chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao, du lịch.

Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đồng thời phát triển các dịch vụ công trực tuyến tại địa phương và thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số.

Về chỉ tiêu ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ xã hội số, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các địa phương đề xuất lựa chọn các nền tảng số Zalo, Facebook… để phục vụ tuyên truyền, thông tin. Tổ chức tập huấn, đào tạo cán bộ cấp xã, thôn triển khai ứng dụng các nền tảng số Zalo, Facebook, hỗ trợ người dân bán các sản phẩm địa phương qua các sàn thương mại điện tử Voso, Postmart…

Đồng thời, triển khai thông báo địa chỉ số đến 100% các Làng văn hóa kiểu mẫu; hướng dẫn cán bộ cấp xã, thôn xây dựng Fanpage trên Facebook và Official Account trên Zalo để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân.

Tích cực triển khai chương trình gắn mã số, địa chỉ số đến người dân

Bộ TT&TT ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển Nền tảng Địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số. Và ngày 23/6/2022, Bộ TT&TT ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch của Bộ TT&TT thúc đẩy phát triển và sử dụng Nền tảng Bản đồ số quốc gia. Đây là những nỗ lực nhằm triển khai Chiến lược Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, trong đó giao Bộ TT&TT phải đảm bảo “Mỗi hộ gia đình có 1 địa chỉ số”.

Theo đó, nội dung thực hiện gắn mã, cập nhật, thông báo và gắn biển địa chỉ số cho từng hộ gia đình và các cơ quan, tổ chức trên địa bàn nông thôn gắn với bản đồ số Việt Nam có quy định cụ thể như sau:

Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật địa chỉ số để thu thập, tạo lập, gán mã, cập nhật cơ sở dữ liệu địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số; triển khai các giải pháp quản lý khai thác, sử dụng địa chỉ số; đảm bảo an toàn thông tin cho nền tảng và cơ sở dữ liệu địa chỉ số; Thiết kế biển địa chỉ số;

Thông báo địa chỉ số thông qua các hình thức như: văn bản, tin nhắn, thư điện tử, tại hội nghị, gặp trực tiếp chủ địa chỉ số hoặc người đang khai thác, sử dụng địa chỉ;

Tổ chức sản xuất và gắn biển địa chỉ số đến từng điểm địa chỉ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và nhu cầu của chủ địa chỉ;

Thông tin, tuyên truyền về phát triển, sử dụng nền tảng địa chỉ số và các nội dung khác liên quan đến địa chỉ số; Quản lý, giám sát việc triển khai nền tảng và cơ sở dữ liệu địa chỉ số.

Như vậy có thể thấy rằng, thông qua các phong trào xây dựng nông thôn mới, Làng văn hoá kiểu mẫu, kết cấu hạ tầng thông tin và truyền thông ở các làng quê đã và đang được đầu tư, nâng cấp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Góp phần xây dựng những miền quê giàu bản sắc, đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững theo hướng văn minh, hiện đại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *