Đột phá trong chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu

Để giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển kinh tế-xã hội ổn định, bền vững, cần đến sự đồng bộ các giải pháp, cũng như đề ra được chiến lược thích ứng hiệu quả.

Đồng bằng sông Cửu Long: Hành động sớm, giảm thiệt hại

Tại TP Cần Thơ, theo ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân TP Cần Thơ, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sụt lún đất diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng sinh kế và đời sống của người dân tại Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cần Thơ nói riêng. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, TP Cần Thơ đã và đang tích cực phối hợp với các địa phương vùng châu thổ Cửu Long triển khai các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường trong vùng; đồng thời, tham gia các chương trình hợp tác, các công ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu… nhằm góp phần nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả và bền vững tài nguyên nước.

Tại An Giang, để ứng phó hiệu quả tác động của biến đổi khí hậu, tỉnh tập trung tổ chức thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất. Hiện nay, các ngành chức năng An Giang đang đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nắm bắt kịp thời tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là thời điểm mùa khô 2024-2025 để có các giải pháp ứng phó hiệu quả; tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn người dân chuyển đổi khoảng 35.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau, màu và cây ăn trái, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Để nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, tỉnh cũng đang đề xuất với các bộ, ngành Trung ương xem xét bố trí nguồn vốn để thực hiện Dự án Chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (MERIT – WB11) tỉnh An Giang. Trong đó, tập trung các giải pháp cải thiện hạ tầng thủy lợi trữ lũ tự nhiên trong các đê bao, bờ bao để phục vụ chuyển đổi sản xuất theo hướng thích ứng.

Cà Mau là tỉnh ven biển duy nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không được bổ sung nguồn nước ngọt từ các sông lớn đầu nguồn. Nhờ đưa vào vận hành hồ chứa nước ngọt của tỉnh có diện tích 102 ha, dung tích 3,85 triệu m3, tình trạng thiếu nước ngọt trong mùa khô năm nay đã dần được kiểm soát.

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau chia sẻ: “Tỉnh đã xây dựng hai kịch bản nhằm chủ động ứng phó thiệt hại do hạn hán gây ra trong năm 2025 và những năm tiếp theo, trong đó đề ra khá cụ thể những hành động ứng phó theo từng cấp độ dự báo, đồng thời thường xuyên theo dõi tình hình, có sự cập nhật, điều chỉnh một cách linh hoạt sát với tình hình thực tế”. Ngoài ra, Công ty cổ phần Ðầu tư ngành nước DNP (DNP Water) vừa đề xuất đầu tư dự án trạm bơm nước thô vùng tây nam sông Hậu và hệ thống ống truyền tải cung cấp nguồn nước thô cho ba tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng.

Cần cấp thiết hành động

Việt Nam đã cam kết đạt Net Zero vào năm 2050 và đang chứng minh việc đi đầu trong phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu bằng nhiều hành động cấp thiết như: Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang khẩn trương phối hợp các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học, chuyên gia xây dựng và triển khai Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia phục vụ mục tiêu Net Zero (gọi tắt là Chương trình KC.16/24-30). Theo đó, Chương trình gồm các nội dung chính: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về Net Zero; xây dựng mô hình chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh; giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Net Zero; công nghệ giảm phát thải trong các lĩnh vực (giao thông vận tải, nông nghiệp,…); các giải pháp kiểm kê và chứng nhận khí nhà kính, cảnh báo nguy cơ phát thải khí nhà kính…, góp phần thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Việt Nam.

Ở góc độ quản lý chuyên ngành, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đưa ra khuyến nghị, cần chú trọng phát triển, tăng cường một số biện pháp chính như: Xây dựng các chính sách về chuyển đổi năng lượng, quy hoạch điện toán, tạo nên nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch-hydrogen…; nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, hướng đến sử dụng năng lượng tiết kiệm, sử dụng tài nguyên kinh tế tuần hoàn; cần chuyển đổi sản xuất trong nông nghiệp, cây trồng, mùa vụ,… nhằm làm giảm phát thải và cho ra cây trồng chất lượng cao.

Là một nhà nghiên cứu khoa học, GS, TS Huỳnh Thị Lan Hương, Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề xuất, cần đồng bộ giải pháp gồm: Nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, bảo đảm sinh kế bền vững… trong việc trồng rừng giúp ngăn chặn tình trạng suy giảm, suy thoái; phục hồi các nguồn tài nguyên rừng và hệ sinh thái, chú trọng phát triển ngành nông nghiệp và an ninh lương thực, đầu tư xây dựng hạ tầng phù hợp thích ứng với biến đổi khí hậu; thiết lập các hệ thống dự báo, cảnh báo sớm; xây dựng các công trình phòng chống thiên tai và di dời dân ở khu vực có rủi ro cao trước tác động của biến đổi khí hậu.

Rõ ràng, để có được một cách tiếp cận toàn diện trong đối phó biến đổi khí hậu và áp lực con người tạo ra, cần xây dựng chiến lược trong thích ứng, thông qua việc chú trọng đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản bền vững ở Việt Nam.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *