Tham dự diễn đàn, có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy; bà Võ Thị Minh Sinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An.
Diễn đàn được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu trung tâm đến 442 điểm cầu cấp huyện, cấp xã với sự tham gia của hơn 13.900 cán bộ, công chức, người làm công tác Mặt trận chuyên trách và không chuyên trách từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư.
Tại diễn đàn, đã có hàng ngàn lượt ý kiến được gửi đến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến với các nội dung như bộ máy, phương thức và cơ chế hoạt động của Mặt trận. Đồng thời là những ý kiến liên quan đến những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, những hiến kế… để hoạt động Mặt trận đạt được kết quả cao hơn.
Mở đầu chương trình, ông Phan Đình Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thanh Chương nêu kiến nghị về kế hoạch xây dựng “Đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố trên phạm vi cả nước”. Cũng như việc, đánh giá hiệu quả mô hình tự quản cộng đồng trên phạm vi cả nước để có hướng dẫn cụ thể về tổ chức, hoạt động của mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư để nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.
Về vấn đề này, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, tại văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13 đã nói rõ, trong đó nhấn mạnh về vai trò mô hình tự quản khu dân cư. Với vấn đề này, Đảng đoàn UBTƯ MTTQ Việt Nam hiện đang hoàn thiện nhằm xây dựng đề án này một cách hiệu quả, đúng thực tiễn.
Về cơ bản có sự đồng thuận, UBTƯ MTTQ Việt Nam đang phối hợp các bên liên quan để hoàn chỉnh trên cơ sở những nội dung mang tính nguyên tắc, khung, còn chi tiết thì do cấp tỉnh quyết định. “Trong thời gian tới, nội dung này sẽ được thông qua, khi sửa đổi điều lệ Mặt trận Khóa 10, sẽ thay đổi đậm nét về nội dung này, phù hợp với mong muốn của người dân”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Tiếp đó, ông Nguyễn Duy Thảo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nam Đàn kiến nghị Tỉnh ủy và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam kiến nghị Ban Bí thư quy định nâng số lượng ủy viên BTV cấp ủy cấp huyện nhiều hơn 11 người để đủ bố trí tối thiểu là 12 chức danh yêu cầu phải là ủy viên BTV cấp ủy. Đồng thời, đề nghị Tỉnh ủy xem xét có văn bản chỉ đạo cấp ủy cấp huyện bố trí cấp phó của 02 cơ quan này là cấp ủy viên.
Với nội dung này, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng, tại Nghệ An đã bám sát các quy định của cấp trên, trong đó căn cứ Chỉ thị 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tại Thông tri 13-TT/TU, ngày 28/10/2019 của Tỉnh ủy về đại hội Đảng các cấp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã chỉ đạo.
Đối với các địa phương thực hiện thí điểm mô hình trưởng Ban dân vận đồng thời là Chủ tịch UBMTTQ thì ngoài cơ cấu 01 ủy viên ban thường vụ có thể xem xét, cơ cấu 01 cấp phó UBMTTQ cấp huyện tham gia cấp ủy cùng cấp. Việc thực hiện chủ trương này đã góp phần giảm đầu mối lãnh đạo, đồng thời rút ngắn thời gian và đảm bảo sự thống nhất toàn diện giữa chủ trương và triển khai tổ chức thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác của Mặt trận cấp huyện.
Trong thời gian tới, để chuẩn bị tốt công tác nhân sự cho Đại hội MTTQ các cấp nhiệm kỳ 2024 – 2029 và đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ giao Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với UBMTTQ tỉnh và các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện việc sơ, tổng kết, đánh giá những mặt ưu điểm, tồn tại, hạn chế của mô hình trưởng Ban dân vận đồng thời là Chủ tịch UBMTTQ cấp huyện theo tinh thần Kết luận 50-KL/TW, ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị để công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Dân vận cũng như hoạt động của Ủy ban MTTQ các cấp đạt hiệu quả cao.
Nói về công tác phản biện xã hội, ong Nguyễn Trọng Điệp, Thành viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ – Pháp luật cho rằng, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020, chưa được hướng dẫn cụ thể nên khó khăn thực hiện. Cụ thể, dự thảo văn bản không đề xuất Mặt trận thực hiện phản biện, nhưng lại gửi xin ý kiến góp ý. Thời điểm góp ý cũng không có quy trình nên có những văn bản dự thảo đang còn sơ sài, lấy ý kiến nhiều lần… dẫn đến công tác phản biện không đảm bảo, hiệu quả thấp.
Vấn đề này, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng, trong thời gian qua, nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã có sự phối hợp khá tốt với MTTQ cùng cấp trong công tác góp ý và phản biện xã hội.
Ở Trung ương thì công tác này thực hiện khá đồng bộ, nhuần nhuyễn. Tuy nhiên, ở địa phương thì hoạt động này vẫn chưa được bài bản, vẫn có tình trạng nội dung cần phản biện nhưng lại lấy ý kiến góp ý; dự thảo chưa được lãnh đạo cho ý kiến đã gửi lấy ý kiến; thời gian, thời điểm lấy ý kiến chưa hợp lý…
“Để khắc phục vấn đề này, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ nghiên cứu dự thảo hướng dẫn quy trình phản biện, văn bản quy phạm pháp luật, trong đó quy định rõ những dự thảo văn bản phải thực hiện phản biện xã hội; phản biện xã hội ở bước nào của dự thảo; cơ chế giải trình các ý kiến không tiếp thu… để phối hợp ban hành”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận tại diễn đàn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đánh giá cao vai trò của Uỷ ban MTTQ tỉnh Nghệ An trong việc tổ chức diễn đàn “Lắng nghe tiếng nói Mặt trận cơ sở”. Đây là một cuộc tiếp xúc cử tri rất đặc biệt, được nghe những ý kiến kiến nghị rất trách nhiệm, xây dựng của cán bộ Mặt trận. Là dịp để những người làm công tác mặt trận gặp gỡ, trao đổi, nói lên tiếng nói của mình. Cũng là dịp để UBTƯ MTTQ Việt Nam, cá nhân Chủ tịch lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, trăn trở, vướng mắc của hoạt động Mặt trận các cấp.
Được biết, trong nhiệm kỳ qua với khẩu hiệu hành động “Bản lĩnh, tinh thông, đồng lòng, đổi mới”, trong những năm qua, hoạt động của MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều sáng tạo mang tính đột phá, tạo được nhiều dấu ấn đậm nét, có sức lan tỏa lớn; góp phần động viên, khích lệ các tầng lớp Nhân dân đoàn kết, thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của tỉnh.
Trong nhiệm kỳ qua, MTTQ các cấp đã nỗ lực trong các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo hỗ trợ người nghèo, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch Covid-19 và đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, với tổng nguồn lực ủng hộ lên tới hơn 1.630 tỷ đồng. MTTQ đã tham mưu triển khai thực hiện Chương trình vận động, hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh với hơn 15.000 nhà trong 3 năm. Đến nay, nguồn lực đăng ký ủng hộ đã lên tới hơn 637 tỷ đồng, tương ứng 12.568 căn nhà…
Hoạt động xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giám sát và phản biện xã hội của MTTQ ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, đem lại hiệu quả rõ nét; được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân ghi nhận. Công tác dân tộc, tôn giáo tiếp tục có nhiều đổi mới, thể hiện rõ vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xứng đáng là cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Hoạt động đối ngoại Nhân dân của MTTQ các cấp tiếp tục được mở rộng và ngày càng chất lượng…
Dịp này, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thay mặt Quỳ vì người nghèo Trung ương đã trao 2,5 tỷ đồng cho tỉnh Nghệ An xay dựng nhà Đại Đoàn kết cho người nghèo.