Nuôi rắn ở Định Quán: Nghề đem thu nhập ổn định và những kỷ niệm đầy cảm xúc

Từ lâu, nuôi rắn đã trở thành nghề đem lại thu nhập của nhiều gia đình ở các xã: Phú Ngọc, Phú Túc, Thanh Sơn, La Ngà của huyện Định Quán.



Một chuồng nuôi rắn trưởng thành.
Một chuồng nuôi rắn trưởng thành.

Nhờ con rắn, nhiều gia đình đã ổn định cuộc sống, có điều kiện lo cho con học hành. Đồng thời, quá trình gắn bó với loài bò sát là linh vật của năm 2025 này, nhiều kỷ niệm “đau thương” cười ra nước mắt đã đến với người nuôi rắn.

Mỗi ngày bị rắn cắn vài chục lần

Hiện loài rắn được các hộ tại nhiều xã của huyện Định Quán nuôi là rắn hổ vện hay còn có tên khác là rắn ráo trâu.

Theo bà Nguyễn Thị Dung, người có thời gian dài gắn bó với nghề nuôi rắn tại xã Phú Ngọc, tuy trong tên có chữ hổ nhưng rắn hổ vện không độc. Do vậy, đây là loài vật nuôi tương đối an toàn đối với người nuôi.

Nói tương đối an toàn bởi theo bà Dung, dù không có nọc độc nhưng bản tính rắn hổ vện khá hung dữ. Điển hình là chuyện người nuôi bị rắn “đớp” vào tay, chân như cơm bữa. Trong quá trình nuôi, bà Dung bị rắn cắn vào tay hàng ngày, nhưng lâu dần cũng thành quen. Có một điểm đáng chú ý là rắn này cắn rồi nhả chứ không ngậm để cắm răng sâu vào người như nhiều loài rắn khác.

Còn ông Nguyễn Quan Nghị, người theo nghề nuôi rắn tại xã La Ngà, chia sẻ thêm, ông có khu nuôi rắn cha mẹ với thời gian nuôi nhiều năm. Dù rắn và người đã quen với nhau nhiều năm nhưng khi vào chuồng làm vệ sinh, ông vẫn bị những con có tính hung dữ đớp vào chân.

“Có lần, theo phản xạ hay cũng có thể do lúc đó bực bội nên tôi cúi xuống nắm giữa thân con rắn đang cắn vào chân quăng mạnh qua một bên. Một lần khác, khi đưa xô đựng thức ăn vào chuồng để chia ra từng máng ăn, những con háu ăn lao tới đớp luôn vào tay chủ. Dù sau đó bị cầm lên quăng mạnh đi nó vẫn trườn tới ăn tiếp. Tính ra không ngày nào tôi không bị rắn cắn” – ông Nghị chia sẻ.

Bên cạnh đó, người nuôi rắn hổ vện, nhất là những ai mới nuôi, còn gặp cảnh dù chuồng không có khe hở nào để rắn chui qua hay cửa dù đã chốt khóa kỹ nhưng thỉnh thoảng lại thấy mất vài con rắn. Theo ông Nghị, trường hợp này thường rơi vào những gia đình nuôi nhiều con rắn một chuồng, còn nuôi mỗi con một lồng riêng sẽ không bị. Theo đó, thủ phạm của sự hao hụt này chính là những con rắn trong chuồng. Cụ thể, có những con rắn lớn tính hung hăng sẵn sàng nuốt chửng con nhỏ hơn. Hay trong quá trình tranh mồi, nếu 2 con rắn cùng đớp một miếng mồi thì không con nào chịu nhả. Khi đó, con nào nuốt mồi nhanh thì có khi nuốt luôn đồng loại vào bụng.

Rắn nuôi cũng thật lạ, khi bị đồng loại nuốt nó không vùng vẫy hay lấy thân siết đối thủ để giành giật sự sống như trong phim thế giới động vật, mà ngược lại nó nằm thẳng đơ người ra chờ đồng loại nuốt chửng. Những lần như vậy, người nuôi phải dành thời gian theo sát để giải cứu.

Chủ Trại rắn Hữu Nghị Nguyễn Quan Nghị cho hay, quá trình nuôi loài bò sát này phải đảm bảo nhiều quy định nghiêm ngặt. Trong đó, ngoài giấy phép chăn nuôi do Nhà nước cấp, mỗi năm trại của ông đón đoàn kiểm tra của cơ quan chức năng đến kiểm tra, hướng dẫn quá trình nuôi rắn.

Kiếm thu nhập từ nuôi rắn

Hiện nghề nuôi rắn hổ vện ở huyện Định Quán có 2 hình thức là nuôi mỗi con một lồng và nuôi tập trung nhiều con trong một chuồng lớn.

Với hình thức mỗi con một lồng, theo bà Nguyễn Thị Dung, hàng ngày vào sáng sớm, người nuôi chia mồi là gà con đã làm sạch lông được mua từ các lò ấp vào từng lồng rắn và bổ sung thêm nước sạch cho rắn uống. Nếu rắn từ khi mới nở đến 4 tháng thì cần cắt mồi ra từng miếng nhỏ. Riêng với rắn đã trên 4 tháng, mồi để nguyên con. Đến chiều, người nuôi lấy dĩa đựng mồi ra chùi rửa để sử dụng lại. Mỗi ngày, vợ chồng bà tranh thủ dậy sớm cho rắn ăn, sau đó đi làm rồi tối về dọn dẹp chuồng nuôi. Tính ra, sau hơn một năm thì xuất bán và đây được xem là khoản tiết kiệm của gia đình.

Riêng với hình thức nuôi tập trung, mỗi chuồng nuôi được xây tường gạch diện tích 3mx4m, cao 2m và có lưới sắt mắt nhỏ phía trên để ánh sáng, sương, mưa gió ra vào tự do, nhưng ngăn được rắn thoát ra ngoài. Mỗi chuồng có một cửa vừa người lớn ra vào với chốt chắn chắc. Với mỗi chuồng như vậy, có khoảng 100 con rắn được thả chung với nhau. Cách làm này tiết kiệm được công chăm sóc so với nuôi từng lồng nhưng lại dễ xảy ra tình trạng hao hụt vì rắn lớn nuốt rắn bé.



Ảnh tròn 1: Rắn con mới nở được vài ngày. Ảnh tròn 2: Trứng rắn hổ vện được chủ nuôi sắp vào thùng ấp. Ảnh lớn: Một con rắn thương phẩm đang trong giai đoạn phát triển. Ảnh: S.Thao

Hiện ông Nguyễn Quan Nghị là người nuôi rắn số lượng lớn tại huyện Định Quán với khoảng 5 ngàn con rắn cha mẹ, rắn thương phẩm và rắn con. Ngoài ra, ông Nghị còn cung cấp giống cho các hộ nuôi theo hình thức nhỏ lẻ và thu mua lại cho người nuôi.

Ông Nghị cho hay, 80% rắn thương phẩm được Trại rắn Hữu Nghị do ông làm chủ cung cấp qua Trung Quốc và 20% còn lại cung cấp thị trường nội địa. Nhờ việc nuôi rắn mà ông cùng nhiều gia đình đã có thêm thu nhập.

Rắn sau 1,5 năm nuôi là có thể xuất bán với trọng lượng từ 1,8-2kg/con. Giá tăng giảm theo từng thời điểm nhưng nhìn chung người nuôi có lời nếu trong quá trình nuôi không xảy ra hao hụt nhiều. Ngoài ra, việc cung cấp con giống cũng không ổn định, có thời điểm mỗi năm có 2 ngàn rắn con nở ra không đủ bán, nhưng có lúc ông phải ôm sô để nuôi gần 1,5 ngàn con vì chỉ bán được 500 rắn con.

“Tất cả đều phụ thuộc vào thời điểm người dân có chọn nuôi rắn hay không” – ông Nghị cho hay.

 Còn với ông Nguyễn Thái Trung, một hộ nuôi rắn tại xã Thanh Sơn, nghề nuôi rắn đã giúp cho ông cùng nhiều gia đình khác có thêm thu nhập bên cạnh việc làm rẫy. Ngoài ra, người nuôi còn cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình nuôi rắn với mong muốn giảm thiểu rủi ro để tăng hiệu quả trong chăn nuôi, đảm bảo đúng các quy định trong nuôi rắn do Nhà nước quy định.

Sông Thao

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *