Di tích kiểu mẫu
Hà Nội có 5.922 di tích và việc xây dựng nếp sống văn minh tại di tích, nơi thờ tự cũng là nội dung quan trọng của thực hiện QTƯX nơi công cộng. Thời gian qua, Hội LHPN TP Hà Nội phối hợp ngành văn hóa triển khai mô hình “Danh lam thắng cảnh, Di tích lịch sử kiểu mẫu”.
Đến nay, nhiều mô hình cấp TP, cấp huyện được triển khai tại nhiều địa phương. Cùng với huyện Đông Anh, Gia Lâm, một số địa phương đã tích cực triển khai gồm: Sóc Sơn (đền Sóc), Thanh Oai (đền Nội, Bình Đà), Đan Phượng (đền thờ Tô Hiến Thành, chùa Đôi Hồi)… Mô hình đã tạo ra nhiều công trình, phần việc thiết thực như: Lắp đặt hệ thống bảng biểu QTƯX; ra mắt công trình vườn hồng (300 cây hồng cổ); trồng hàng cây dọc đường vào khu di tích; trồng cây vun trồng tương lai với 400 cây hoa giấy; bổ sung ghế đá, thùng đựng rác tại các điểm danh lam, di tích…
Đơn cử, ngày 27/9, Hội LHPN quận Cầu Giấy phối hợp với UBND phường Yên Hòa tổ chức ra mắt mô hình “Phụ nữ tham gia xây dựng Khu di tích lịch sử văn hóa kiểu mẫu thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng” tại Cụm di tích Đình An Hòa – chùa Báo Ân với các mục tiêu như: 100% cán bộ, hội viên và 85% trở lên phụ nữ trên địa bàn được tuyên truyền, thay đổi hành vi thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, ứng xử văn minh, thanh lịch tại các di tích lịch sử văn hóa mọi lúc, mọi nơi.
Ngoài ra, 100% phụ nữ kinh doanh tại các điểm di tích lịch sử đã xếp hạng trên địa bàn được tuyên truyền, thay đổi hành vi và trở thành hạt nhân tích cực để vận động khách tham quan thực hiện QTƯX nơi công cộng; Xây dựng, nhân rộng những mô hình, công trình, phần việc cụ thể, thiết thực phù hợp địa bàn thể hiện vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp của phụ nữ trong việc truyền thông quảng bá hình ảnh nét đẹp của các di tích lịch sử, văn hóa cũng như nét đẹp người phụ nữ Thủ đô “Thanh lịch – Văn minh”.
“Chúng tôi xác định công trình nhỏ mang ý nghĩa lớn, vừa góp phần tạo sự văn minh cho những người quản lý di tích cũng như người dân đến chiêm bái nhưng đồng thời vừa thể hiện sự trân trọng với các di tích lịch sử, góp phần làm tăng những giá trị đích thực của di tích trong cộng đồng” – Chủ tịch Hội LHPN quận Cầu Giấy Nguyễn Kim Lê nhấn mạnh.
Trên địa bàn huyện Đông Anh, các di tích trên địa bàn xã Cổ Loa được chọn làm nơi đầu tiên triển khai mô hình. Hội LHPN xã Cổ Loa đã vận động, hướng dẫn và ký cam kết đến các hộ kinh doanh, gia đình đang sinh sống, bán hàng tại các khu di tích; trong đó có nội dung ứng xử văn minh, không chèo kéo khách. Hội đã tổ chức ra quân nhiều đợt vệ sinh môi trường, dọn cỏ, rác, phế thải xây dựng đoạn đường tự quản được phân công từ ngã ba Chợ Sa vào khu di tích với gần 300 lượt hội viên tham dự.
Môi trường kinh doanh văn minh
Thời gian qua, mô hình điểm “Chợ văn minh – an toàn – hiệu quả” được các cấp Hội LHPN TP Hà Nội đang triển khai gắn với việc thực hiện bộ QTƯX nơi công cộng của thành phố. Mô hình bước đầu có kết quả tích cực, góp phần gìn giữ nét đẹp của chợ truyền thống và nhân lên hình ảnh người phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp, văn minh, thanh lịch.
Mô hình đã được triển khai thí điểm tại một số chợ như: chợ Thái Hà, chợ Kim Liên (quận Đống Đa); chợ Gối, chợ Mới, chợ Phùng (huyện Đan Phượng); Chợ Thượng Thanh, chợ Kim Quan (quận Long Biên); chợ Giá (Hoài Đức); chợ Chúc Sơn, chợ Xuân Mai (Chương Mỹ). Bên cạnh đó, một số đơn vị đã chủ động chỉ đạo mô hình điểm như: Gia Lâm, Thanh Trì, Thạch Thất, Hà Đông, Thanh Xuân…
Trong đó, Đống Đa là một trong những đơn vị được chọn làm điểm. Theo Chủ tịch Hội LHPN quận Đống Đa Trần Thị Minh Xuân: Hội LHPN quận đã tiến hành khảo sát các chợ trên địa bàn và quyết định lựa chọn chợ Thái Hà để xây dựng mô hình.
Theo đó, Hội đã đầu tư 100 đèn lồng đường kính 45cm/đèn trị giá 10 triệu đồng treo dọc 2 bên tuyến phố trước cổng chợ tạo điểm nhấn để nhận diện chợ; tặng 4 thùng đựng rác cỡ đại; hơn 100 tạp dề có nút điều chỉnh; hơn 100 hộp găng tay cho các tiểu thương của chợ và hộ kinh doanh.
Với những kết quả đạt được sau khi triển khai mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả”, Hội LHPN TP đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng mô hình này tại 35 chợ truyền thống ở các quận, huyện, thị xã. Ngoài những tiêu chí như cơ sở hạ tầng, hệ thống quản lý, thì ý thức văn minh trong thương mại của tiểu thương là yếu tố quyết định hàng đầu.
Có thể thấy, sau hơn 6 năm triển khai QTƯX nơi công cộng, nhiều mô hình đã được triển khai thực hiện, góp phần tạo nên những bước chuyển biến tích cực trong thói quen sinh hoạt. Phần đông người dân đều cảm nhận nội dung QTƯX nơi công cộng và những chương trình, kế hoạch được triển khai tại các khu dân cư đều thiết thực và gần gũi.