Xưa kia những con thuyền trên thế giới, chưa có máy, muốn chạy ngược nước, ngược gió phải dùng sức người chèo hoặc kéo. Bởi vậy, thuyền ba vách buồm cánh dơi của ngư dân Hà Nam (TX Quảng Yên) có lẽ là độc nhất vô nhị trên thế giới. Làng nghề đóng thuyền ba vách vỏ gỗ ở Cống Mương, phường Phong Hải cũng vì vậy mà sở hữu nhiều tinh hoa tri thức dân gian nghề truyền thống của người Việt.
Tương truyền vào thế kỷ XV, có 17 vị tiên công ở phía Nam thành Thăng Long xuôi theo dòng sông Hồng ra cửa sông Bạch Đằng sống bằng nghề đánh bắt cá. Họ đã chọn vùng đảo Hà Nam làm nơi định cư. Thuở ấy, nơi đây vùng cửa sông, giáp biển với nhiều bãi bồi hình thành hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Thuyền di chuyển ở đây có lúc xuôi nước, lúc ngược nước, khi xuôi gió lúc lại ngược gió. Để thích nghi, họ đã sáng tạo ra con thuyền có thể đi ngược nước, ngược gió. Vậy là nghề đóng thuyền ba vách buồm cánh dơi đã ra đời.
Thuyền ba vách buồm cánh dơi có bánh lái mũi, bánh lái lòng chạy ngược nước, ngược gió (ngư dân Hà Nam quen gọi là thuyền ba vát, ba vách hay ba mảnh) có hình dáng thon mũi và thon lái. Thân thuyền hình chóp nhọn, sóng gặp mũi thuyền sẽ rẽ sang hai bên. Do diện tiếp xúc với nước ít, dễ dàng di chuyển về phía trước.
Thuyền được gọi là thuyền vỏ gỗ ba vách có hai buồm kiểu cánh dơi. Để tạo thành một thuyền buồm, người thợ phải hoàn thành nhiều cấu kiện, như: Lườn, mạn, khoang lái, khoang mũi, khoang chở hàng, bánh lái lòng, bánh lái mũi, cột buồm lòng, cột buồm mũi, buồm lòng, buồm mũi hình cánh dơi v.v..
Độc đáo và bất ngờ nhất là cánh buồm và cách cột buồm. Buồm làm bằng vải diềm bâu nhuộm vỏ cây đâng. Muốn đi kiểu gì lại có nguyên lý cột buồm riêng và các lão nghệ nhân gọi là vật buồm. Muốn chạy xuôi gió thì vật buồm kiểu cánh tiên, chạy ngang gió thì vật buồm pha chằng và chạy vát buồm khi ngược nước, ngược gió.
Ở phường Phong Hải hiện nay, người ta đã tìm thấy một tấm bia đá hình chữ nhật khắc năm 1875, có ghi chép lại sự kiện phục dựng lại đền thờ ông tổ nghề ở làng Phong Lưu, kèm theo là danh sách thợ thuyền chủ yếu là hậu duệ của các Tiên công dòng họ Vũ, họ Lê, họ Nguyễn. Nội dung bia (chữ Hán) tạm dịch như sau: Thường nghe: Trăm nghề phải có thầy, nghề đóng thuyền cũng thế. Dân lợi do có thuyền bè lưu thông, thật là ân trạch của bậc tiền bối truyền thụ cho cái tinh xảo đó. Tháng 9 năm Tự Đức thứ 28 (1875), thợ thuyền lành nghề Lê Kỳ Đoài hội họp thợ thuyền tại phía đông đình Đăng Cốc, đó là nơi thờ tự tổ nghề. Khâm mệnh quan tỉnh Hồ Đại nhân, lo liệu nên chọn được đất tốt chuyển về đây để xây đền thờ tổ nghề đóng thuyền. Mong các vị tiền bối truyền thụ kỹ nghệ đóng thuyền”.
Còn theo gia phả họ Lê thì cụ Lê Kỳ Đoài thay mặt thợ thuyền đã làm đơn xin được tái lập làng nghề đóng thuyền và được quan đứng đầu tỉnh là Lý Yên chấp thuận và cấp đất ở xóm Đông (gần đình Cốc) để làm đền thờ phụng, tri ân tiên tổ. Đến năm 1895, người đứng đầu đội đóng thuyền làng Cốc (Phong Hải và Phong Cốc ngày nay) là cụ Nguyễn Văn Phúc được chính quyền phong kiến nhà Nguyễn cấp bằng kỹ thuật.
Đã thành truyền thống tốt đẹp, mỗi năm hai lần vào ngày 10/2 và 10/8 âm lịch, người dân làm nghề này tổ chức lễ hội để tri ân tiên tổ, dâng hương tại bia đá Tổ nghề, đồng thời cũng là dịp để các thợ trong làng thi tay nghề. Người thợ luôn tâm niệm rằng con thuyền quyết định sinh mạng của con người, vì thế thuyền đóng ra phải thật chắc chắn. Khi truyền nghề, không chỉ là dạy kỹ thuật đóng thuyền, các lão nghệ nhân còn dạy cả cách làm người.
Một số giả thuyết cho rằng, do tính cơ động bất ngờ trong chiến đấu nên trước đó con thuyền truyền thống này đã được quan quân nhà Trần đã dùng chiến đấu với thủy quân Nguyên Mông. Tuy nhiên theo thời gian, nghề đóng thuyền và kỹ thuật đóng thuyền truyền thống ở vùng này đang dần mai một. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề đóng thuyền vỏ gỗ ba vách buồm cánh dơi ở vùng cửa sông Bạch Đằng là một trong những vấn đề cấp thiết nhằm bảo tồn văn hóa dân tộc, giúp biến di sản thành tài sản du lịch, khơi dậy tài nguyên nhân văn phục vụ du lịch. Đồng thời, tạo ra sự đoàn kết gắn bó giữa các thợ thuyền và lán thợ trong làng nghề. Bảo tồn văn hóa làng nghề sẽ giải quyết được việc làm cho lao động địa phương, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân.