Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng tăng cường các biện pháp tuyên truyền chống khai thác IUU

STO – Quyết tâm cùng với cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” trong khai thác hải sản của Ủy ban châu Âu, cùng với chính quyền các địa phương, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Sóc Trăng đã và đang quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, kiểm soát, phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không theo quy định IUU. Các hoạt động góp phần giúp ngư dân thay đổi nhận thức, hành động trong việc tuân thủ các quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp.

Theo đó, BĐBP Sóc Trăng đã phối hợp với Chi cục Thủy sản tổ chức tuyên truyền tập trung, tuyên truyền nhỏ lẻ đến các hộ ngư dân; tuyên truyền thông qua mô hình “Tiếng loa biên phòng”, kết hợp cấp phát tờ rơi, hỗ trợ phao cứu sinh, áo phao cho ngư dân. Nội dung tuyên truyền bao gồm: các quy định của EC về khai thác hải sản, trong đó tập trung vào 12 hành vi khai thác vi phạm IUU; tác hại tác động của các lệnh phạt IUU của EC đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuyên truyền Chỉ thị số 45/CT-TTg, ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; Công điện số 732/CĐ-TTg, ngày 28/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Thông tin các quy định của chính quyền các cấp về khai thác hải sản và phòng, chống IUU ở địa phương; một số nội dung chính của Luật Thủy sản (2017) và Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản…

BĐBP Sóc Trăng tổ chức tuyên truyền tập trung, cấp phát tờ rơi tuyên truyền cho ngư dân tham gia hội nghị. Ảnh: VĂN LONG

Quản lý 1 xã và 1 thị trấn vùng biên giới biển và hơn 15km bờ biển với hàng trăm tàu cá, công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp được Đồn Biên phòng Trung Bình, BĐBP Sóc Trăng luôn xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Cùng với việc tăng cường các hoạt động tuyên truyền, đơn vị đã tích cực triển khai lực lượng, tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các chủ tàu cá đảm bảo đầy đủ các thủ tục trước khi ra khơi. Nhờ đó, nhận thức của ngư dân về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp có nhiều chuyển biến tích cực.

Anh Trần Quốc Trọng, ngư dân huyện Trần Đề chia sẻ rằng, trước đây, nhận thức của các chủ tàu còn hạn chế, không ý thức được thế nào là khai thác hải sản bất hợp pháp. Sau khi được lực lượng BĐBP và các ngành, địa phương tuyên truyền, mọi người đều ý thức được việc khai thác hải sản bất hợp pháp không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, mà còn ảnh hưởng đến việc xuất khẩu ra nước ngoài. Giờ đây, mỗi lần vươn khơi, các chủ tàu đều tuyên truyền cho nhau và thực hiện đầy đủ các quy định như: đăng ký xuất – nhập bến, nộp nhật ký, báo cáo khai thác, duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình, không khai thác ở vùng biển nước ngoài…

Kiểm tra việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá của ngư dân. Ảnh: VĂN LONG

Huyện Trần Đề hiện có 509 tàu thuyền, trong đó có 337 phương tiện có chiều dài từ 15m đến dưới 24m. Để ngư dân chấp hành đúng quy định, bên cạnh phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, Đồn Biên phòng Trung Bình đã biên soạn các nội dung về chống khai thác IUU để các chủ tàu và ngư dân ký cam kết. Tại Trạm kiểm soát Biên phòng Trần Đề, đơn vị đã bố trí lực lượng, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, nhắc nhở và kiên quyết không cho các tàu xuất bến nếu không đảm bảo các thủ tục, thiết bị giám sát hành trình.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Phong – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Trung Bình, BĐBP tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Cùng với việc tổ chức tuyên truyền tập trung, đồn đã vận dụng nhiều hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp với hoạt động đánh bắt khai thác của ngư dân. Trong đó tuyên truyền bằng mô hình “Tiếng loa biên phòng” tại cảng cá, khu dân cư tập trung đông ngư dân, tuyên truyền bằng hệ thống loa truyền thanh địa phương, biên soạn các tờ rơi với các quy định của pháp luật ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và tiện mang theo khi đi biển; cung cấp các số điện thoại, tần số cần thiết để liên lạc khi gặp khó khăn”. Nhờ đó, nhận thức của ngư dân về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp đã được nâng lên. Sóc Trăng chưa có phương tiện tàu đánh bắt xa bờ vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên những phương tiện có nguy cơ cũng được lực lượng làm nhiệm vụ trên biển cảnh báo, thông tin về đơn vị quản lý, theo đó Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, Đồn Biên phòng Trung Bình đã tiến hành nhắc nhở, cảnh báo và có biện pháp tăng cường quản lý chặt chẽ hơn.

Đồn Biên phòng Trung Bình phối hợp với Hải đội Biên phòng 2 và các lực lượng có liên quan tổ chức tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền, vận động ngư dân ký cam kết không khai thác đánh bắt ở vùng biển nước ngoài. Ảnh: VĂN LONG

Thượng tá Hà Thế Hữu – Phó Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh cho biết thêm, để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tàu cá ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài có hiệu quả, BĐBP tỉnh đã chủ động phối hợp với các lực lượng, địa phương liên quan làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU. BĐBP tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các đồn, Hải đội Biên phòng, Trạm kiểm soát Biên phòng tuyến biển kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất – nhập bến, kiên quyết không cho phương tiện xuất bến khi chưa có đầy đủ các thủ tục, giấy tờ và các trang thiết bị an toàn theo quy định; đồng thời phối hợp với Chi cục Thủy sản thường xuyên tuần tra, kiểm soát vùng biển. Qua đó, trực tiếp tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Từ năm 2022 đến nay, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền tập trung được hơn 20 cuộc có hơn 2.000 lượt chủ tàu cá và ngư dân; tặng hơn 2.000 lá cờ Tổ quốc, 1.500 phao cứu sinh và 1.500 áo phao cho ngư dân. Tổ chức phát hơn 3.000 tờ rơi và vận động 100% chủ phương tiện cam kết không khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của ngư dân, nhất là các chủ phương tiện trong chấp hành Luật Thủy sản và khai thác IUU.

Sóc Trăng có 72km bờ biển, tổng số có 1.000 tàu cá với chiều dài từ 6m trở lên, đã có 340/340 chiếc đã lắp đặt máy giám sát hành trình, đạt 100%. Với việc triển khai đồng bộ các biện pháp, BĐBP tỉnh đã góp phần giúp ngư dân nắm chắc phạm vi vùng biển Việt Nam, tự giác chấp hành pháp luật khi hoạt động trên biển, không có hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản trái phép; chung tay cùng các cấp, các ngành và cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” cho xuất khẩu thủy, hải sản của Việt Nam.

VĂN LONG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *