Định hướng phát triển du lịch bền vững thông qua lễ hội và di sản tại TPHCM

Các lễ hội đã được phục hồi và phát huy

Trong phát triển du lịch hiện nay, TPHCM đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc không chỉ bảo tồn văn hoá, phát triển du lịch bền vững mà còn kích thích sự phát triển kinh tế-xã hội. Các hoạt động dịch vụ trong khuôn khổ lễ hội như lưu trú, ăn uống, vận chuyển, bán hàng lưu niệm,… mang lại nguồn thu lớn. Thực tế cho thấy, yếu tố thành công của du lịch TPHCM có được là nhờ khai thác hiệu quả các giá trị đặc sắc của văn hóa trong nhiều lễ hội truyền thống và tổ chức các lễ hội mới hiện đại đưa vào kinh doanh du lịch.

Ngoài các lễ hội, sự kiện có tính chất chung của cả nước, của vùng Nam bộ, TPHCM còn có những lễ hội, sự kiện văn hóa đặc sắc, tiêu biểu. Tại TPHCM, có 3 lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia, gồm: Lễ hội Nghinh Ông – Cần Giờ, Lễ hội Nguyên tiêu của người Hoa ở Quận 5 và Lễ hội Khai hạ – Cầu an tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt. Cùng với đó, nghệ thuật trình diễn dân gian “Nghệ thuật Lân Sư Rồng của người Hoa ở TPHCM” cũng vừa được đưa vào danh mục này.

Các lễ hội, sự kiện mang bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng người Việt và người Hoa được hình thành, bảo tồn và phát huy cho đến ngày nay. Hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các lễ hội được tổ chức theo nghi lễ cổ truyền, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân.

Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ hình thành từ năm 1913, là lễ hội truyền thống của ngư dân, được coi là “Tết biển” và có quy mô lớn hơn cả Tết Nguyên Đán. Hằng năm, vào ngày 15 tháng 8 âm lịch, người dân huyện Cần Giờ lại nhộn nhịp tổ chức lễ hội. Qua từng năm, lễ hội ngày càng được chuẩn hóa, các nghi thức lễ truyền thống với giá trị lịch sử và văn hóa được phục hồi và phát huy. Các hoạt động trong lễ hội kết hợp giữa nét văn hóa dân gian truyền thống và các sinh hoạt văn hóa hiện đại, nhưng vẫn giữ được sự trang nghiêm và bản sắc riêng.

Lễ hội Tết Nguyên Tiêu của người Hoa tại Quận 5 là minh chứng cho quá trình định cư lâu dài và sự hình thành cơ tầng văn hóa Nam Bộ của người Hoa, đồng thời phản ánh yếu tố tiếp biến và sự Việt hóa trong các nghi lễ, tập tục qua thời gian. Trong những năm qua, lễ hội đã thu hút sự tham gia của cả người Hoa, người Kinh và người Khmer, không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc, mà còn góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa các cộng đồng dân tộc, phản ánh rõ tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lễ Khai hạ – Cầu an diễn ra vào mùng 7 Tết âm lịch hằng năm tại Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia Lăng Lê Văn Duyệt, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Các nghi thức tế lễ được tổ chức theo truyền thống cung đình triều Nguyễn, gồm các phần: Hạ nêu, khai hạ, khai bút và khai ấn. Trong lễ Khai hạ – Cầu an thường kèm theo những chầu Hát bội sống động, tinh tế, sâu sắc, góp phần làm phong phú không khí lễ hội.

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ là truyền thống đã hình thành và phát triển hơn 110 năm, được coi như “Tết biển” của ngư dân. Tác giả ảnh: Huỳnh Thái Sơn Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ là truyền thống đã hình thành và phát triển hơn 110 năm, được coi như “Tết biển” của ngư dân. Tác giả ảnh: Huỳnh Thái Sơn

Nghệ thuật Lân Sư Rồng là nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Hoa khi di cư đến sinh sống tại vùng đất Sài Gòn, với mong ước được che chở, bảo hộ trong cuộc sống. Hoạt động biểu diễn Lân Sư Rồng thường gắn với các lễ hội như Tết Nguyên Tiêu, Tết Nguyên Đán, Tết Trung thu,… và còn xuất hiện trong lễ động thổ, khai trương nhằm cầu mong may mắn, thịnh vượng, công việc hanh thông. Nghệ thuật Lân Sư Rồng giúp cân bằng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh, giải quyết nhu cầu giải trí và hoạt động cộng đồng…

Ngoài các lễ hội đã được đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia, TPHCM còn tổ chức nhiều lễ hội truyền thống và văn hóa đặc sắc, trở thành điểm đến không thể thiếu đối với người dân và du khách. Các sự kiện nổi bật như Đường Hoa Nguyễn Huệ, Đường Sách Nguyễn Huệ, Hội Hoa Xuân, Chợ Hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền”,… diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm; Lễ hội Áo dài TPHCM vào tuần đầu tháng Ba; Lễ hội “Non sông liền một dải” vào ngày 30/4 kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; và Lễ hội Âm nhạc Quốc tế TPHCM – Hò dô tổ chức vào tháng 12.

Bên cạnh đó, các sự kiện mang yếu tố quốc tế như Lễ hội Loy Krathong của Thái Lan, Lễ hội hoa Anh Đào, Lễ hội Thánh Andrew, Lễ hội Diwali (Lễ hội Ánh sáng) cũng được tổ chức như các lễ hội dân gian, thể hiện sự đa dạng văn hóa trong cộng đồng các doanh nhân nước ngoài.

Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mang giá trị hướng về nguồn cội, cân bằng đời sống tâm linh và sáng tạo văn hóa, tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Trong những năm gần đây, với chủ trương của Đảng và Nhà nước khuyến khích phục dựng giá trị văn hóa truyền thống, các lễ hội đã được phục hồi và phát huy, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và nâng cao đời sống văn hóa, kinh tế cộng đồng.

Hướng đi đúng đắn và đầy tiềm năng đối với thị trường du lịch 

Hiện nay, TPHCM là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch lễ hội và sự kiện văn hóa. Các hoạt động này tạo ra sự giao lưu giữa du khách nội địa và quốc tế, đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, giúp giải quyết bài toán cung – cầu của ngành du lịch Thành phố trong tiến trình hội nhập.

Nghi thức diễu hành trong Lễ hội Tết Nguyên Tiêu của người Hoa tại Quận 5 Nghi thức diễu hành trong Lễ hội Tết Nguyên Tiêu của người Hoa tại Quận 5

Chia sẻ về việc khai thác các DSVHPVT quốc gia gắn với phát triển du lịch bền vững, bà Lê Mỹ Trang, giảng viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn Lang, phân tích: Việc khai thác các DSVHPVT không chỉ gia tăng trải nghiệm tinh thần cho du khách, mà còn giúp họ tìm thấy nhiều chất liệu trong quá trình hiện thực hóa bản thân. Đây là yếu tố quan trọng, bởi hiểu biết và trí tuệ văn hóa luôn là mục tiêu cao cả mà nhiều người hướng tới.

Để khai thác, bảo tồn và phát huy các DSVHPVT quốc gia theo hướng phát triển du lịch bền vững, theo bà Lê Mỹ Trang, cần quan tâm thấu đáo đến lợi ích từ các bên tham gia vào hoạt động du lịch, lợi ích riêng và lợi ích chung được đảm bảo hài hoà chính là chìa khoá của việc khai thác phát triển bền vững.

Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Lê Trương Hiền Hòa khẳng định, khai thác di sản và lễ hội trong phát triển du lịch bền vững là hướng đi đúng đắn và đầy tiềm năng đối với thị trường du lịch trong nước và quốc tế. Các DSVHPVT quốc gia tại TPHCM là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch, đặc biệt là thu hút khách quốc tế. Tuy nhiên, để thu hút đối tượng du khách này, cần phải làm cho du khách hiểu rõ giá trị và ý nghĩa của từng lễ hội.

“Khách quốc tế rất quan tâm đến giá trị văn hóa lịch sử của địa phương và các lễ hội, di sản. Tuy nhiên, chúng ta chưa có hệ thống thuyết minh chi tiết về các lễ hội, DSVHPVT này bằng các thứ tiếng khác ngoài tiếng Việt, và chưa phổ biến đủ rộng trên các nền tảng số. Đây là một khó khăn lớn mà ngành Du lịch đang nỗ lực khắc phục nhưng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn” – ông Lê Trương Hiền Hòa chia sẻ.

Hiện, Sở Du lịch đã đưa các lễ hội lớn của TPHCM vào lịch trình du lịch và hợp tác với các đơn vị du lịch để xây dựng chương trình. Đồng thời, Sở đang phối hợp với ngành Văn hóa và tìm kiếm chuyên gia để xây dựng bảng thuyết minh chi tiết về giá trị lịch sử, văn hóa của các di sản và lễ hội, nhằm phục vụ khách du lịch quốc tế.

Việc khai thác DSVHPVT gắn với phát triển du lịch bền vững là một thách thức nhưng cũng đầy cơ hội. Để đạt được thành công, cần có chiến lược và chính sách rõ ràng, cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, cộng đồng địa phương và doanh nghiệp du lịch, nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản, đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn và có lợi cho tất cả các bên.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *