“Bắt” đất nở hoa để bán Tết, gỡ gạc thiệt hại tiền tỷ do bão số 3
Trong những ngày này, trên những thửa ruộng hoa của gia đình ông Nguyễn Như Tuấn, 59 tuổi, thôn Đoàn Kết, xã Hồng Phong, huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương) đang trổ những nụ hoa, bông hoa nhiều màu sắc để phục vụ người dân trong dịp Tết nguyên đán cổ truyền năm 2025.
Theo ông Tuấn, hoa của ông không đủ cung cấp cho khách hàng. Dịp này, các chủ đại lý hoa trong huyện Nam Sách và các địa phương trong tỉnh tới tấp đến lấy hoa về bán phục vụ nhân dân đón Tết.
Ông Tuấn bắt đầu đến với nghề trồng hoa từ 25 năm trước. Đó là năm 2000, ngoài sản xuất, cấy lúa trồng rau, ông Tuấn dành một vài sào ruộng để trồng hoa. Khi mới bắt tay vào trồng hoa, lúc đó diện tích hoa còn ít, chưa có kỹ thuật, kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc hoa nên hiệu quả kinh tế thu lại thấp.
Vừa trồng, ông Tuấn vừa đến các vùng hoa nổi tiếng như Tây Tựu, Mê Linh của Hà Nội để học hỏi kinh nghiệm trồng hoa, tìm hiểu các thông tin, tài liệu về kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa, đặc tính các loại hoa…
Sau nhiều thăng trầm, lúc lãi to, nhưng cũng có lúc lỗ nặng khi “va” phải lứa hoa giống không tốt. Ông đã có nhiều bài học trong nghề trồng hoa. Đến bây giờ ông đã có “lưng vốn” kỹ thuật, kinh nghiệm trồng hoa đủ để “bắt” hoa nở theo ý muốn của mình, để kịp thời nắm nhu cầu thị trường để nâng cao giá trị thu nhập.
Mặc dù vậy, trong quá trình trồng hoa, ông Tuấn cũng không tránh được những lúc gặp phải giống hoa kém chất lượng, nhiễm bệnh nên bị lỗ 300 – 400 triệu đồng. Ông Tuấn coi việc thỉnh thoảng gặp rủi ro, thua lỗ là chuyện bình thường trong nghề trồng hoa. Chính điều đó, đã giúp ông có bản lĩnh hơn, “bại không nản” trong việc đối mặt với rủi ro, thua lỗ trong ngành sản xuất tiềm ẩn nhiều may rủi này.
Hiện, ông Tuấn đã có 8,5 mẫu ruộng trồng hoa. Tuy nhiên, cơn bão số 3 vừa qua, do mưa nhiều, mưa to, gió mạnh đã 9 khung nhà màng với tổng diện tích gần 4000 m2 nhà màng, nhà lưới trồng hoa mẫu đơn của ông bị đổ, rách.
Ngoài ra, nhiều mẫu ruộng trồng hoa khác bị ngập, úng trong đó có 2 mẫu hoa thiên lý, 1 mẫu cúc, 1,5 mẫu loa kèn, 2 sào hoa đồng tiền khiến ông bị thiệt hại nặng nề. Ông Tuấn nhẩm tính, ước thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.
Tuy nhiều lần bị lỗ, thiệt hại nhưng ông Tuấn không nản chí. Sau mỗi lần lỗ, thiệt hại ông Tuấn lại bắt tay gây dựng lại, “bắt” đất nở hoa.
Sau trận bão, vợ chồng ông Tuấn bàn nhau tiếp tục vay ngân hàng 500 – 700 triệu đồng để đầu tư khôi phục sản xuất. Ông đầu tư dựng lại nhà màng nhà lưới bị đổ, mua một số giống mới về trồng, trong đó chú trọng vào những giống hoa để bán trong dịp Tết nguyên đán.
Ông Tuấn đầu tư trồng 4 mẫu hoa cúc các loại, với 50 vạn cây; 3 sào hoa cát tường với 3 vạn cây; 2 sào trồng hoa đồng tiền; 2 mẫu hoa loa kèn với 20 vạn cây; 2 mẫu trồng hoa mẫu đơn…
Trong dịp Tết nguyên đán, ông Tuấn đã có sản phẩm hoa cúc, hoa cát tường để sẵn sàng bán phục vụ người dân trong dịp Tết nguyên đán này. Ông Tuấn cũng trông chờ vào vụ hoa Tết này sẽ giúp ông gỡ gạc lại phần nào khoản thiệt hại tiền tỷ sau cơn bão số 3 vừa qua.
Mùa nào hoa nấy, bán quanh năm
Nghe ông Tuấn kể về nghề trồng hoa của mình, phóng viên Dân Việt nhận thấy cái hay trong cơ cấu, phân bổ diện tích để trồng các loại hoa và trồng gối theo thời vụ. Ông không tập trung hết diện tích để sản xuất một loại hoa trong một thời điểm.
Chẳng hạn như vụ hoa bán dịp Tết, ông chỉ dành một phần diện tích để trồng hoa cúc, hoa cát tường để bán Tết. Ông dành một phần diện tích để trồng gối hoa loa kèn, hoa đồng tiền để bán vào dịp mùa xuân.
Hết mùa xuân đến mùa hè, ông đã có 2 mẫu trồng hoa thiên lý, 2 mẫu trồng hoa mẫu đơn cho thu hoạch. Đây sẽ trở thành nguồn thu chủ lực của ông trong mùa hè và mùa thu.
Với riêng 2 mẫu ruộng trồng hoa thiên lý, sẽ cho thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 9. Mỗi sào hoa thiên lý đạt bình quân từ 8 tạ đến 1 tấn/năm. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, cây thiên lý có thể cho thu hoạch liên tục từ 5 – 7 năm, mới phải trồng lại cây mới. Mỗi năm, ông Tuấn thu được tổng sản lượng đạt 30 – 40 tấn hoa thiên lý bán để người dân làm thực phẩm.
Còn 2 mẫu hoa mẫu đơn ông bán quanh năm cho người chơi làm cây cảnh, bon sai. Ngoài ra, ông còn bán hoa để người dân thờ vào dịp mồng 1 đầu tháng, ngày rằm giữa tháng.
Hết mùa thu vào mùa đông, ông Tuấn lại xoay ra trồng hoa cúc, hoa cát tường để bán vào Tết. Cứ như vậy, ông Tuấn xoay vòng đất, gối vụ hoa để luôn chủ động tạo việc làm cho công nhân, vừa có nguồn thu nhập cho các mùa vụ trong năm.
Theo ông Tuấn, từ năm 2022 – 2024, mỗi năm gia đình ông cung cấp ra thị trường hàng chục triệu cây giống hoa các loại và cây giống hoa thiên lý. Ngoài tiêu thụ hết 30 – 40 tấn hoa thiên lý của gia đình, ông Tuấn còn tiêu thụ cho các hộ dân trong xã trên 50 tấn hoa thiên lý/năm. Hằng năm, sau khi trừ chi phí, ông Tuấn còn lãi hơn 1 tỷ đồng.
Ngoài việc, làm giàu cho bản thân, ông Tuấn tạo việc làm cho 5 – 7 lao động thường xuyên, với mức lương từ 6 triệu – 7,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm giúp nhiều hộ gia đình vươn lên trong sản xuất để có thu nhập cao.
Nói về kế hoạch trong thời gian tới, ông Tuấn cho hay: “Tháng 10 năm 2024 vừa qua, tôi và các hội viên nông dân thôn Đoàn Kết được Hội Nông dân xã Hồng Phong, Hội Nông dân huyện Nam Sách giúp đỡ thành lập và ra mắt Hợp tác xã Thiên lý Kết Đoàn, với 6 thành viên. Chúng tôi mong muốn sẽ được tập huấn khoa học kỹ thuật, công nghệ để ứng dụng vào sản xuất, tăng năng suất, sản lượng, chất lượng, mở rộng thị trường, phấn đấu xây dựng sản phẩm hoa thiên lý đạt sản phẩm OCOP”.
Trang trại hoa Tết của ông nông dân Hải Dương Nguyễn Như Tuấn rực rỡ sắc màu, sẵn sàng phục vụ người dân trong dịp Tết nguyên đán. Thực hiện clip: Nguyễn Việt.
Mô hình kinh tế hiệu quả, doanh thu lớn, lãi cao của ông Nguyễn Như Tuấn trở đã thành điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi do các cấp phát động. Nhiều năm liền, ông Nguyễn Như Tuấn luôn được Hội Nông dân huyện Nam Sách, Hội Nông dân tỉnh Hải Dương công nhận đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Vừa qua, trang trại trồng hoa của gia đình ông Nguyễn Như Tuấn đã đón lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Hải Dương cùng lãnh đạo nhiều sở, ngành, đoàn thể của tỉnh Hải Dương, lãnh đạo huyện Nam Sách đến thăm mô hình và được các lãnh đạo ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao.