Phóng viên TTXVN tại London dẫn số liệu từ Văn phòng Thống kê quốc gia (ONS) của Anh cho biết, sau ba năm ở Anh, 50% số sinh viên nước ngoài không thuộc Liên minh châu Âu (EU) và người phụ thuộc của họ đã chuyển sang thị thực lao động hoặc các dạng thị thực khác vào năm 2024, tăng gấp 5 lần so với con số chỉ 10% của năm 2021.
Trong số những người nước ngoài đến Anh năm 2023, khoảng 194.300 người (hoặc 47%) đã chuyển từ thị thực liên quan đến du học sang thị thực làm việc, một con đường tiềm năng để được xét thường trú tại Anh. Và trong số này, một nửa số người lựa chọn thị thực làm việc đã chọn làm việc trong lĩnh vực chăm sóc xã hội, vốn đang thiếu khoảng 150.000 lao động, chiếm 10% lực lượng lao động thiếu hụt.
Thông tin mới được công bố đã phần nào giải thích nguyên nhân khiến tỷ lệ di cư ròng của Anh trong giai đoạn từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023 lại tăng gấp 4 lần so với tỷ lệ trước khi Anh rời EU để ‘lấy lại quyền kiểm soát biên giới’.
Sau thời điểm này, chính quyền của Thủ tướng Rishi Sunak đã áp dụng chính sách hạn chế đối với sinh viên mang theo người phụ thuộc, đồng thời tăng ngưỡng lương mà các công ty của Anh phải trả để có thể bảo lãnh thị thực và thuê lao động nước ngoài có tay nghề từ 26.200 bảng (32.360 USD) lên 38.700 bảng.
Với quy định cứng rắn này, tổng số di cư ròng đã giảm xuống dưới 20%, còn 728.000 người. Số lượng sinh viên nước ngoài cũng giảm 19%, xuống còn 392.000 người trong giai đoạn tính từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024.
Cũng trong báo cáo liên quan đến việc thị thực du học chuyển sang thị thực làm việc, ONS cho rằng hiện chưa thể khẳng định số sinh viên nước ngoài này và những người phụ thuộc của họ sẽ ở lại Anh vĩnh viễn hay họ chỉ ở lại một thời gian.
Trong khi đó, Bộ Nội vụ cho rằng sinh viên nước ngoài mang lại lợi ích thực sự cho Anh nhưng cần tuân thủ các quy định về nhập cư của nước này. Bộ này cũng cho biết chính phủ sẽ ban hành sách trắng về nhập cư, trong đó sẽ bổ sung các quy định để đảm bảo hệ thống nhập cư không bị sử dụng sai mục đích.