Một quả thận bị cắt do ung thư, quả thận còn lại bị suy đối diện chạy thận nhưng hơn 2 năm qua, các bác sĩ BVĐK Tâm Anh TP.HCM cố gắng giúp ông T. không phải lọc máu.
Chiều 22/1, ông D.Q.T. (86 tuổi, TP.HCM) một mình lái xe máy đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM tái khám định kỳ hàng tháng. Bước vào bệnh viện, ông chào hỏi các nhân viên bệnh viện vốn đã quen mặt từ lâu. Nhìn bề ngoài, khó ai nghĩ ông chỉ còn một quả thận lại mắc bệnh suy thận mạn. Ngồi chờ đến lượt khám, ông nói: “Đáng lẽ, tôi phải chạy thận từ lâu nếu không gặp bác sĩ Tạ Phương Dung”.
Là bác sĩ trực tiếp điều trị cho ông T. suốt 2 năm qua, TTƯT.BS.CKII Tạ Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Trưởng khoa Nội thận – Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, bày tỏ hạnh phúc khi các xét nghiệm ghi nhận chức năng thận của ông tiếp tục cải thiện so với lần tái khám tháng trước.
“Lần đầu gặp tại phòng khám, ông phải ngồi xe lăn do người nhà đẩy vào, chức năng thận gần chạm đáy, đã có chỉ định lọc máu”, bác sĩ Dung nhớ lại.
86 tuổi, 1 quả thận, 2 năm suy thận và… 0 lần chạy thận
Sau một cơn đau bụng dữ dội đúng vào ngày 30 Tết năm 2023, ông T. phát hiện mắc ung thư niệu mạc (lớp lót của các cơ quan trong hệ tiết niệu) thận phải, cắt toàn bộ thận phải để triệt căn tế bào ác tính.
Vượt qua ung thư, ông lại phát hiện mắc suy thận mạn, độ lọc cầu thận (eGFR – chỉ số đánh giá khả năng lọc máu của thận) giảm còn gần 15 ml/phút/1,73 m2. Nếu giảm dưới mức này, bệnh suy thận mạn chuyển sang độ 5, tức giai đoạn cuối, ông cần chạy thận nhân tạo. Ngoài ra, ông T. còn mắc nhiều bệnh nền khác như tăng mỡ máu, tăng huyết áp, thiếu máu, tăng axit uric máu, xơ vữa động mạch,…
Song song điều trị bằng thuốc để nỗ lực giúp người bệnh không phải chạy thận, bác sĩ Dung cũng chỉ định mổ cầu tay (AVF) để nếu xảy ra tình huống chạy thận vẫn kịp có phương án thay thế.
Mổ cầu tay, hay cầu nối động tĩnh mạch tự thân, là phẫu thuật nối động mạch (mạch máu đưa máu từ tim đi nuôi cơ thể) và tĩnh mạch (mạch máu đưa máu về tim) ở cánh tay của người bệnh, tạo thành đường vào mạch máu đủ lớn để dễ dàng kết nối với máy chạy thận nhân tạo. Người bệnh cần mổ cầu tay 6 tuần trước khi bắt đầu chạy thận.
Nếu không có sẵn cầu tay, khi người bệnh phải chạy thận khẩn cấp, buộc phải đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm (catheter lọc máu) tại cổ để tạo đường kết nối với máy chạy thận. Quá trình này đau và tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng cao. Ống thông tĩnh mạch trung tâm chỉ được rút khi người bệnh có cầu tay.
Nghe bác sĩ Dung giải thích, ông T. đồng ý nhưng luôn mong phép màu xảy ra là không phải chạy thận. Bởi ông lo các con bỏ công ăn việc làm để đưa mình đến bệnh viện lọc máu.
Bác sĩ Dung cho biết hiện nay, nhờ kỹ thuật thận nhân tạo và công nghệ xử lý nước hiện đại, đội ngũ nhân viên y tế có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản nên chất lượng chạy thận nhân tạo nâng cao, giúp cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ đồng cảm với lo lắng của ông T. nên dù động viên người bệnh sẵn sàng tinh thần chạy thận nhân tạo nhưng vẫn tiếp tục nỗ lực để điều này không xảy ra.
Nghiên cứu bệnh án của ông T., bác sĩ Dung xây dựng phác đồ thuốc dành riêng cho ông. Mục tiêu tiên quyết là bảo vệ chức năng thận, không tăng độ suy thận, đồng thời, ổn định các bệnh nền ảnh hưởng tới thận (tăng mỡ máu, tăng huyết áp) và kiểm soát các biến chứng do bệnh thận mạn gây ra (thiếu máu, tăng axit uric máu).
Không chỉ trong hồ sơ bệnh án, bên ngoài mỗi loại thuốc đều dán ghi chú hướng dẫn cụ thể số viên thuốc uống mỗi lần, thời gian uống thuốc. “Ngày uống thuốc 3 lần, sau bữa sáng, bữa trưa, bữa tối, cứ đọc theo ghi chú của bác sĩ rồi làm theo”, ông T. cho biết.
Song song phác đồ thuốc, bác sĩ hướng dẫn ông thay đổi chế độ dinh dưỡng “thân thiện” với cơ thể đang mắc bệnh suy thận mạn.
“Tôi chủ yếu ăn thịt heo nạc, cá phải bỏ da. Thịt gà, thịt vịt ăn được nhưng cũng không ăn da và chỉ ăn ít thôi. Thịt bò không ăn được. Rau muống, mồng tơi, rau ngót… nhiều kali nên không được ăn, muốn ăn thì phải luộc thật kỹ. Su hào, su su, cà rốt ít kali có thể ăn được, cũng phải luộc kỹ. Đồ chiên, xào, nướng, đồ sấy khô, nước dừa, cam, xoài, nho… tuyệt đối không ăn. Đồ uống thì tôi chủ yếu uống nước lọc, thỉnh thoảng uống được nước tắc vì kali thấp, còn lại tôi không uống”, ông T. đọc vanh vách hướng dẫn ăn uống của bác sĩ đã nghiêm túc tuân thủ 2 năm qua.
Hàng tháng, ông T. đến bệnh viện tái khám theo đúng lịch hẹn để kiểm tra chức năng thận và cầu tay nhằm đảm bảo vẫn có thể sử dụng ngay khi cần.
Có những thời điểm, eGFR dưới 11 ml/phút/1,73 m2 da, tức chuyển sang giai đoạn cuối, 3 con trai đang làm việc ở Nhật Bản của ông lo lắng, muốn về nước phụ mẹ chăm sóc bố. Ông gạt đi, khuyên các con tập trung sự nghiệp vì “ở Việt Nam đã có bác sĩ giỏi, nhiều người nước ngoài còn đến điều trị nên không phải lo.
Nỗ lực của bác sĩ Dung và sự kiên trì tuân thủ phác đồ điều trị của ông T. đã tạo ra kỳ tích. Chức năng thận của ông dần phục hồi và ổn định qua từng tháng. Từ tháng 9/2023 đến nay, eGFR liên tục tăng sau mỗi lần tái khám, từ dưới 11 lên gần 17 ml/phút/1,73 m2 da, tức về suy thận độ 4. Hơn 2 năm qua, ông không phải lọc máu.
Ông T. khoe sức khỏe ổn định, có thể lái xe máy đi đến bệnh viện tái khám hay gặp mặt bạn đồng niên, bắc cầu thang thay bóng đèn cho vợ,…
“Tôi không mong khỏe mạnh như thời trẻ, làm gì có chuyện đó được, chỉ mong cứ duy trì như hiện tại, đến cuối đời cũng không phải dùng đến cái này”, ông chỉ cầu tay chạy thận ở cánh tay trái, nói.
Bác sĩ Dung cho biết thêm tại khoa Nội thận – Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, đang điều trị bảo tồn chức năng thận, giúp kéo dài thời gian không phải lọc máu, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho nhiều người bệnh cao tuổi. Trường hợp ông T. đặc biệt hơn bởi ông chỉ còn duy nhất một quả thận nhưng chức năng thận vẫn có thể phục hồi, chưa cần lọc máu.
Suy thận mạn ở người lớn tuổi
Hiệp hội Thận học Quốc tế (ISN) thống kê thế giới hiện có khoảng 850 triệu người mắc bệnh thận mạn.
Hướng dẫn thực hành lâm sàng trong đánh giá và quản lý bệnh thận mạn (KDIGO 2024) định nghĩa bệnh thận mạn là bất thường về cấu trúc hoặc chức năng thận kéo dài tối thiểu 3 tháng, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chức năng thận được xác định giảm (suy thận) khi độ lọc cầu thận dưới 60 ml/phút/1,73 m2 da. Độ lọc cầu thận có xu hướng giảm theo tuổi tác, nhất là từ sau 50 tuổi.
Bác sĩ Dung giải thích thận cũng bị “lão hóa” theo thời gian như các cơ quan khác trong cơ thể. Thận hoạt động lâu năm, kích thước thận giảm dần làm giảm lưu lượng máu đến thận, kéo theo giảm dần chức năng. Chưa kể, càng lớn tuổi, nguy cơ mắc các bệnh ảnh hưởng chức năng thận như đái tháo đường (tiểu đường), tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu… cao hơn. Do đó, nguy cơ mắc suy thận mạn ở người lớn tuổi cao hơn các nhóm tuổi khác.
Một nghiên cứu công bố năm 2024 ghi nhận có đến 44% người từ 65 tuổi trở lên mắc bệnh thận mạn.
Tương tự ở các nhóm tuổi khác, suy thận mạn ở người cao tuổi phát triển âm thầm. Do thận có khả năng bù trừ nên trong giai đoạn đầu, bệnh thường không có biểu hiện rõ rệt. Khi các triệu chứng xuất hiện rõ ràng, bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn.
Một số biểu hiện cảnh báo suy thận mạn ở người cao tuổi mà người bệnh và người nhà của người bệnh cần lưu ý như: chán ăn, buồn nôn, cơ thể mệt mỏi, giấc ngủ rối loạn, nước tiểu có bọt lâu tan, lượng nước tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường, phù nề mặt hay tay chân, ngứa da, đau đầu, chóng mặt, khó thở,…
Để giảm nguy cơ mắc suy thận ở người cao tuổi, bác sĩ Dung khuyên cần ăn nhạt, chế biến thức ăn đơn giản bằng cách luộc hoặc hấp, hạn chế nêm nhiều gia vị hay chiên xào; bổ sung đạm phù hợp độ tuổi, ăn nhiều rau xanh; hạn chế bia rượu, thuốc lá; tuyệt đối không dùng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa được bác sĩ tư vấn.
Ngoài ra, người nhà cần đưa người cao tuổi đi khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng/lần để sớm phát hiện dấu hiệu bệnh thận mạn và có phương án điều trị phù hợp.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH