(TBTCO) – Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ góp phần giúp bà con nông dân thịnh vượng hơn, hạnh phúc hơn.
Làm gì để kết nối các sản phẩm khoa học công nghệ nông nghiệp với doanh nghiệp? |
Chiều ngày 16/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Tọa đàm Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngành nông nghiệp.
Hứng khởi đón luồng gió mới với khoa học công nghệ
Tại cuộc tọa đàm, ông Trần Văn Cao – Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam đánh giá, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” là một luồng gió mới, mang đến động lực mạnh mẽ cho các nhà khoa học và các tổ chức khoa học công nghệ.
Không chỉ cởi trói cơ chế chính sách nghiên cứu khoa học công nghệ, nâng mức đầu tư công cho nghiên cứu khoa học công nghệ, Nghị quyết 57 cho phép các viện trường thành lập doanh nghiệp. Như vậy, tác giả của giống cây trồng, công nghệ, hoặc các viện, trường có thể trực tiếp thành lập doanh nghiệp, áp dụng cơ chế thị trường để chuyển giao sản phẩm mà không gặp phải rào cản.
Trên cơ sở đó, GS.TS Võ Đại Hải – Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đề xuất xem xét trao nhiều quyền hơn để các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính có thể chủ động trong triển khai các dự án nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Chia sẻ cụ thể về định hướng nghiên cứu, GS.TS Võ Đại Hải cho rằng, để có đột phá thì phải đi vào công nghệ cao, đầu tư trang thiết bị và thực hiện hợp tác công tư. Viện sẽ hướng đến phát triển các giống cây lâm nghiệp đáp ứng nhu cầu rất lớn của thị trường, nhưng nếu đi theo cách cũ sẽ không mang lại đột phá.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với những thách thức từ thiên tai và biến đổi khí hậu, GS.TS Trần Đình Hoà – Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đề nghị Bộ NN&PTNT xây dựng một chiến lược khoa học công nghệ phù hợp với tình hình mới, trong đó các nhiệm vụ phải mang tính đột phá bám sát yêu cầu thực tiễn. |
GS.TS. Phạm Văn Điển – Hiệu trưởng trường Đại học Lâm Nghiệp cho biết, sau khi học tập Nghị quyết 57-NQ/TW, Trường Đại học Lâm Nghiệp xây dựng và hoàn thiện ngay bản thảo kế hoạch của trường để thực hiện nghị quyết và chỉ đạo của Bộ NN&PTNT.
GS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng đánh giá, Nghị quyết 57-NQ/TW là luồng gió mới với khoa học công nghệ. Viện rất hào hứng chờ đón việc thực thi nghị quyết. Ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, hiện không gian phát triển nông nghiệp đã giới hạn, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng cao, kết quả sản xuất của ngành chỉ còn trông chờ và khoa học công nghệ. Nếu không có khoa học công nghệ, ngành không có lực lượng sản xuất mới.
Quang cảnh tọa đàm chiều 16/1. |
Để đổi mới tư duy, tạo bứt phá trong nghiên cứu khoa học công nghệ, ông Nguyễn Hữu Ninh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho hay, các viện cần thay đổi về tư duy, đó là việc sẵn sàng liên kết hợp tác với các nhà khoa học các bên. Các viện cần chủ động hợp tác, cử người đi đào tạo tại nước ngoài để có nguồn nhân lực tốt. Đặc biệt, các viện cần có định hướng nghiên cứu chiến lược, tránh dàn trải.
Khoa học công nghệ cần chạm đến cuộc sống con người
Sau khi lắng nghe những chia sẻ, tâm tư của các nhà khoa học, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, thời gian qua đội ngũ các nhà khoa học đã có những sản phẩm đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn cuộc sống.
Ví dụ, trong lĩnh vực giống cây trồng, các nhà khoa học đã tạo ra những giống mới, không chỉ cho năng suất cao, mà còn có khả năng chống chịu tốt trước biến đổi khí hậu, dịch bệnh; trong thủy sản, công nghệ nuôi trồng hiện đại giúp giảm thiểu tác động đến môi trường, đồng thời đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Về chăn nuôi, thú y, các viện nghiên cứu đã phát triển nhiều công nghệ sinh học trong việc cải tiến giống vật nuôi, kiểm soát dịch bệnh và nâng cao chất lượng dinh dưỡng của sản phẩm chăn nuôi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Với lâm nghiệp, các nhà khoa học đã nghiên cứu và triển khai thành công các phương pháp canh tác rừng bền vững, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn tạo sinh kế cho bà con…
Đổi mới tư duy, tạo bứt phá trong nghiên cứu khoa học công nghệ nông nghiệp. Ảnh: TL |
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng nêu vấn đề: Làm thế nào để khoa học nông nghiệp tiếp tục tạo nên những bước đột phá? Làm thế nào để đưa Việt Nam từ một quốc gia xuất khẩu nguyên liệu thô trở thành một trung tâm sản xuất nông sản giá trị cao và bền vững?
Do đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, các cơ sở đào tạo và lãnh đạo các viện nghiên cứu cần đổi mới tư duy, tạo ra những không gian sáng tạo để hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đồng bộ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, khoa học công nghệ cần chạm đến cuộc sống con người, khi nghiên cứu cần nghĩ đến nông dân, doanh nghiệp cần gì để từ đó định hướng nghiên cứu. Trong điều kiện hạn chế về cơ sở vật chất, hạn chế về nguồn lực, các cơ sở đào tạo, viện cần có sự hợp tác, chia sẻ cùng nhau để hợp tác, phát triển.
Bộ trưởng cũng chia sẻ thông điệp “Khoa học gặp gỡ cuộc sống” với các đại biểu. Nghiên cứu khoa học không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà phải biến thành những giải pháp cụ thể, những sản phẩm hữu ích để phục vụ nông dân, ngư dân và cả cộng đồng.
“Một công nghệ dù phức tạp đến đâu cũng chỉ có giá trị khi nó được ứng dụng vào thực tế, khi nó giúp người dân trồng được cây, nuôi được con và nâng cao đời sống của họ – Bộ trưởng khẳng định.
Do đó, cần cách tiếp cận mới hơn, mở hơn về nguồn lực tham gia nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngành nông nghiệp.
Dẫn lại lời của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã chỉ ra những định hướng chiến lược và được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng thuận, xem đây như một “khoán 10″ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trên hành trình vào kỷ nguyên mới, cần giảm gánh nặng đeo bên mình khi cơ chế, chính sách được hiệu chỉnh, nhân lực được tinh gọn. Hành trang càng nhẹ, tốc độ di chuyển càng nhanh, hiệu quả càng cao”. |