Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An vừa ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 8/1/2025 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác kết nối cung – cầu lao động, giải quyết việc làm, thu hút lao động cho các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2025 – 2030.
Tại Chỉ thị này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội quán triệt, thực hiện tốt 4 nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, cần truyền thông, vận động, xúc tiến thu hút lao động đang làm việc, học tập tại các tỉnh, thành phố trong cả nước (cả lao động người Nghệ An và lao động các tỉnh) về làm việc tại Nghệ An. Dự báo nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn; thường xuyên đăng tải thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, tổ chức trên Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Nghệ An; Website, Facebook, Zalo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các cơ quan chuyên môn có liên quan, các tổ chức xã hội và qua các phương tiện truyền thanh cơ sở. Hàng tháng thông báo nhu cầu tuyển dụng lao động để người dân biết tham gia tuyển dụng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu tổ chức rà soát nắm bắt số lượng lao động trên địa bàn từng xã, phường, thị trấn; huyện, thành phố, thị xã; số lao động đi làm việc ngoài tỉnh để thực hiện thông tin, kết nối cung cầu lao động; thu hút lao động vào các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh để người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp.
Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; chú trọng phát triển các nhóm ngành nghề phù hợp với quá trình thu hút đầu tư, nhất là các dự án FDI thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu về điện tử, năng lượng xanh đã và đang tiếp tục mở rộng đầu tư vào địa bàn tỉnh, góp phần tạo việc làm bền vững cho người lao động.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, việc làm. Đa dạng các hình thức tư vấn, kết nối cung – cầu lao động mở rộng các hình thức “hội chợ”; “ngày hội việc làm”, “sàn giao dịch việc làm” có sự tham gia rộng rãi của các doanh nghiệp, tổ chức và người lao động để kết nối cung cầu lao động đạt hiệu quả cao.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Đảng đoàn HĐND tỉnh, lãnh đạo HĐND tỉnh tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ đối với công tác đào tạo nghề; tổ chức giám sát, kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh trong quá trình thực hiện Chỉ thị tại địa phương.
Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị này; thành lập Ban chỉ đạo kết nối cung – cầu lao động năm 2025 và những năm tiếp theo do một đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh làm Trưởng ban; chỉ đạo thực hiện và định kỳ hằng năm hoặc đột xuất báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
Các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, triển khai, thực hiện Chỉ thị này; phổ biến Chỉ thị đến cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân trên địa bàn; xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị; lãnh đạo thành lập Ban chỉ đạo kết nối cung – cầu lao động cấp huyện, cấp xã do một đồng chí lãnh đạo UBND làm Trưởng ban, đảm bảo phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội cấp tỉnh chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin đến đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia thực hiện công tác kết nối cung – cầu lao động, giải quyết việc làm, giải pháp tháo gỡ khó khăn, thu hút lao động cho các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh.
Chỉ thị trên được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành trong bối cảnh hiện nay các Khu kinh tế, các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang được nhiều doanh nghiệp FDI có quy mô lớn đầu tư, đi vào hoạt động, cần tuyển dụng nhiều lao động, đặc biệt lao động có tay nghề cao.
Tuy nhiên lao động của tỉnh chưa đáp ứng được về số lượng và chất lượng, tình trạng thiếu lao động cục bộ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tác động đến thu hút đầu tư của tỉnh.
Nghệ An hiện có 1,6 triệu lao động và hàng năm có khoảng 50 nghìn người bổ sung vào lực lượng lao động. Trên địa bàn tỉnh có hơn 15,5 nghìn doanh nghiệp với gần 350 nghìn lao động đang làm việc.
Công tác dự báo nhu cầu lao động, thông tin về thị trường lao động của tỉnh chưa thật sự hiệu quả; doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chi trả tiền lương, thu nhập cho lao động còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước; các công trình phụ trợ, phúc lợi xã hội thiếu đồng bộ… là những rào cản chính khiến nhiều lao động chọn “ly hương” để có thu nhập cao hơn, trong đó số lượng đi xuất khẩu lao động hàng năm tương đối cao.
Tại Kỳ họp thứ 25, HĐND tỉnh khóa XVIII tổ chức vào tháng 12/2024, Giám đốc Sở LĐ -TB&XH Nghệ An Đoàn Hồng Vũ cho biết: Hiện nay, Nghệ An có khoảng 700.000 lao động làm việc ngoại tỉnh và khoảng 80.000 lao động làm việc ở nước ngoài.
3 năm liên tiếp vừa qua, Nghệ An là tỉnh duy nhất trong 14 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung nằm trong tốp 10 cả nước về thu hút vốn FDI. Năm 2024, Nghệ An thu hút được 1,7496 tỷ USD vốn FDI, con số này của các năm 2023, 2022 lần lượt là 1,603 tỷ USD và 961,3 triệu USD. Lũy kế đến hết năm 2024, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 169 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 5,686 tỷ USD.