Những trường hợp đăng ký khám chữa BHYT tại cơ sở chuyên sâu: Quy định và đề xuất cần xem xét

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 7 Thông tư 01/2025/TT-BYT về đăng ký khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu quy định, người tham gia BHYT được đăng ký KCB BHYT ban đầu tại một trong các cơ sở KCB BHYT thuộc cấp KCB chuyên sâu gần nơi cư trú, làm việc, học tập và phù hợp với khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo thứ tự ưu tiên sau:

– Đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý;

– Đối tượng thuộc diện được quản lý, bảo vệ sức khoẻ theo Hướng dẫn số 52 HD/BTCTW ngày 02/12/2005 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng về việc điều chỉnh bổ sung đối tượng khám, chữa bệnh tại một số cơ sở y tế của Trung ương; đối tượng thuộc diện được quản lý, bảo vệ sức khỏe cán bộ của tỉnh;

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

– Người có công với cách mạng, cựu chiến binh, người từ đủ 75 tuổi trở lên;

– Đối tượng là học sinh, sinh viên, học viên của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp khối ngành sức khỏe; học sinh, sinh viên, học viên đang trong thời gian học tập, thực hành, thực tập tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT từ đủ 90 ngày trở lên… được đăng ký KCB BHYT ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc trường có ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT đáp ứng quy định…;

– Người lao động của cơ sở KCB BHYT được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại cơ sở KCB đang làm việc có ký hợp đồng KCB BHYT đáp ứng quy định;

– Trẻ em dưới 06 tuổi;

– Người công tác trong quân đội, công an khi nghỉ hưu;

– Người mắc bệnh cần được chữa trị dài ngày theo danh mục của Bộ Y tế tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chức năng bảo vệ sức khỏe cán bộ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phong, lao và bệnh phổi, tâm thần, lão khoa, y học cổ truyền…;

– Đối tượng khác trong trường hợp cần thiết theo đặc thù của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và yêu cầu thực tế tại địa phương: Sở Y tế lấy ý kiến cơ quan BHXH tỉnh nơi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dự kiến ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT, tổng hợp hồ sơ báo cáo Bộ Y tế xem xét, quyết định.

Ngoài ra, khoản 3 Điều 6 Thông tư 01/2025/TT-BYT cũng quy định cơ sở KCB BHYT thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu được đăng ký KCB BHYT ban đầu, bao gồm:

– Cơ sở KCB trước ngày 01/01/2025 đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là tuyến huyện hoặc tuyến tỉnh hoặc tương đương tuyến huyện, tuyến tỉnh;

– Cơ sở KCB có chức năng bảo vệ sức khỏe cán bộ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phong, lao và bệnh phổi, tâm thần, lão khoa, y học cổ truyền trong cơ cấu tổ chức có bộ phận chuyên môn thuộc một trong các hình thức là khoa hoặc trung tâm hoặc viện. Bộ phận chuyên môn này phải có chuyên khoa nội và ít nhất 01 trong số các chuyên khoa ngoại, nhi, sản;

– Cơ sở KCB khác theo quyết định của Bộ Y tế mà trong cơ cấu tổ chức có bộ phận chuyên môn thuộc một trong các hình thức là khoa hoặc trung tâm hoặc viện. Bộ phận chuyên môn này phải có chuyên khoa nội và ít nhất 01 trong số các chuyên khoa ngoại, nhi, sản.

Liên quan đến vấn đề trên, ngày 31/10/2024, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) đề nghị, cần hết sức thận trọng khi xem xét quy định người tham gia BHYT trong một số trường hợp mà Bộ Y tế quy định có thể đến KCB ngoài nơi đăng ký KCB ban đầu, bao gồm các bệnh viện chuyên sâu, trong đó có các bệnh viện tuyến Trung ương hiện nay mà không cần giấy chuyển viện trong bối cảnh bội chi quỹ KCB BHYT ngày càng tăng trong những năm gần đây.

Theo Đại biểu, về bản chất, chính sách này là một hình thức thông tuyến đang áp dụng hiện tại nhưng mở rộng hơn đến tuyến Trung ương đối với KCB nội trú và ngoại trú theo một số bệnh theo quy định.

Nêu rõ y tế cơ sở là nền tảng của hệ thống y tế Việt Nam, Đại biểu cho rằng, quy định như trong dự thảo Luật thì theo xu hướng, người bệnh sẽ chọn lên bệnh viện tuyến trên, gây trầm trọng thêm tình trạng quá tải tại các bệnh viện hiện nay; người bệnh đi KCB ở tuyến trên sẽ phải tăng thời gian chờ đợi, tăng tự chi trả tiền túi do phát sinh chi phí ngoài chi phí KCB; các cơ sở KCB ở các tuyến không dự báo được nhu cầu KCB, từ đó có nguy cơ gây nên tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế và các điều kiện đảm bảo phục vụ người bệnh, tăng chi phí KCB từ Quỹ KCB BHYT, dẫn đến vượt dự toán chi tại các cơ sở y tế.

Cụ thể, cơ chế thông tuyến cho phép người bệnh đến KCB ở cơ sở khác không cần giấy chuyển tuyến dù nghe có vẻ hỗ trợ cho người tham gia BHYT tiếp cận dịch vụ thuận lợi hơn; nhưng có thể sẽ bỏ qua cơ hội phát hiện sớm một số triệu chứng bệnh do người bệnh đã bỏ qua chăm sóc sức khỏe ban đầu để lên KCB tại tuyến cao hơn, kể cả trong trường hợp không cần thiết sẽ dẫn đến giảm hiệu suất; thậm chí phá vỡ phân cấp chuyên môn của hệ thống y tế.

Cũng theo Đại biểu, các số liệu thống kê cho thấy, xu hướng người bệnh dịch chuyển sang tuyến huyện và tỉnh ngay từ năm đầu tiên thực hiện “thông tuyến”. Đại biểu cũng phân tích, nếu quy định như dự thảo luật, hệ thống y tế cơ sở sẽ dần bị suy yếu, thậm chí sẽ đứt gãy và các mục tiêu đề ra có nguy cơ không đạt được; gây lãng phí nguồn lực và công sức đã đầu tư cho y tế cơ sở trong suốt thời gian qua.

Đại biểu phân tích, nguyên nhân bức xúc của người bệnh đi KCB BHYT vì khó khăn trong quá trình xin giấy chuyển tuyến của nhóm đối tượng bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo hoặc danh mục thuốc tại y tế cơ sở ít và nghèo nàn hơn so với tuyến trên trong khi điều trị cùng 01 bệnh.

Bản chất quy định chuyển tuyến có ý nghĩa quan trọng và cần thiết trong việc xử lý KCB cho người dân; giấy chuyển tuyến ngoài cung cấp các thông tin hành chính còn cung cấp tình trạng bệnh, lịch sử điều trị, giúp cơ sở tiếp nhận có thông tin kịp thời về người bệnh để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị người bệnh được nhanh chóng, thuận tiện.

Vì vậy, Đại biểu đề nghị giữ nguyên phạm vi hưởng như lộ trình thông tuyến KCB BHYT hiện nay, tăng mức hưởng điều trị nội trú ở các tuyến chuyên sâu, không mở rộng phạm vi điều chỉnh nội trú nhưng điều chỉnh bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành định nghĩa bệnh hiếm và danh mục bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm được sử dụng giấy chuyển tuyến 1 lần dùng trọn quá trình điều trị chứ không phải có thời hạn trong năm tài chính như hiện nay.

Cùng với đó, tiếp tục tăng cường củng cố năng lực cho hệ thống y tế cơ sở để có thể thực hiện điều trị cấp thuốc điều trị ngoại trú cho một số bệnh mạn tính đồng nhất trên các cấp chuyên môn các cơ sở y tế. Tăng cường các quy định giải quyết triệt để các bức xúc trong quá trình cấp giấy chuyển tuyến.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) cũng đề nghị cần xác định những trường hợp điều trị nội trú được phép thông tuyến tỉnh nhằm giới hạn những bệnh được phép thông tuyến, đảm bảo sự sàng lọc và điều trị hiệu quả từ cơ sở, hạn chế tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế tuyến trên. Từ đó, nâng cao chất lượng khám, điều trị chuyên sâu và chăm sóc sức khỏe cho người bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh BHYT thuộc cấp KCB cơ bản, chuyên sâu.

Bên cạnh đó, Đại biểu kiến nghị tiếp tục quan tâm, có chính sách chú trọng nâng cao năng lực của y tế tuyến cơ sở, đầu tư nguồn lực, bố trí việc làm với chế độ, chính sách tương xứng; cải tiến cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đáp ứng kịp thời yêu cầu KCB cũng như điều chỉnh việc quy định cho phép thông tuyến khám bệnh BHYT như hiện nay. Đồng thời, tăng cường vai trò của y tế tuyến cơ sở để góp phần chia sẻ áp lực với các cơ sở y tế tuyến trên và tuyến chuyên môn kỹ thuật cao.

Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) đề nghị cân nhắc bổ sung quy định đăng ký KCB ban đầu ở cấp chuyên sâu. Bởi, trên thực tế, các cơ sở KCB cấp chuyên sâu đa số là phải điều trị bệnh nhân nặng, bệnh hiểm nghèo; bệnh viện thường quá tải, áp lực lớn cho đội ngũ y bác sỹ, điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu.

Theo Đại biểu, nếu quy định phải thực hiện thêm nhiệm vụ KCB ban đầu cho người dân theo chế độ BHYT sẽ tiếp tục tạo gánh nặng cho các bệnh viện tuyến chuyên sâu trong khi nhiệm vụ này hoàn toàn có thể thực hiện tốt ở cấp ban đầu và cấp cơ bản.

Do đó, Đại biểu đề nghị chỉ nên quy định đăng ký KCB BHYT ban đầu ở cấp KCB ban đầu và cơ bản. Ở cấp chuyên sâu, nên xem xét quy định KCB ban đầu cho một số nhóm đối tượng thuộc diện ưu tiên chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ và những người trực tiếp làm nhiệm vụ KCB ở cấp chuyên sâu.

Về chuyển người bệnh giữa các cơ sở KCB BHYT, Đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cân nhắc thêm vấn đề người bệnh có thẻ BHYT tự đi KCB không đúng nơi đăng ký KCB BHYT ban đầu.

Theo Đại biểu, người bệnh không phải chuyển tuyến là nguyện vọng của nhiều cử tri nhưng cần cân nhắc để quy định vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, vừa đảm bảo chặt chẽ công tác quản lý và KCB của các cơ sở y tế.

Đại biểu đề nghị vẫn quy định có thủ tục chuyển viện, nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng cho người bệnh khi phải chuyển tuyến.

MINH QUÝ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *