Tuy nhiên, trong “bức tranh” chung của cả vùng cũng có những địa phương đã khắc phục được khó khăn, tận dụng lợi thế để phát triển. Đã có một số mô hình thực tiễn phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, là những phân tích, góp ý của các chuyên gia để khắc phục những vấn đề đang tồn tại, nhằm giải quyết từ gốc vấn đề, hướng tới phát triển ĐBSCL nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.
Gia đình chị Trần Kim Trang (ở ấp Phước Tân, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) có bữa cơm sum họp gia đình trong tháng 10 vừa qua. Ông Đào Văn Kê (74 tuổi) – bố chồng chị Trang ngồi cạnh bên không dấu được vẻ mặt phấn khởi, ông khoe:
“Thấy có phần phấn khởi con cái mình cũng được gần gũi mình, đi làm phương xa muốn về cũng khó khăn lắm. Còn này làm chiều cũng tập trung gần gũi mình, cũng thấy vui”.
Ở tuổi xế chiều, ông Kê được hưởng sự ấm áp tình cảm gia đình như vậy là bởi có 3 gia đình người con ở gần bên. Trước đây, vợ chồng chị Trần Kim Trang đi làm trên TP.HCM. Khi khu công nghiệp Tân Phú Thạnh mở cách nhà khoảng 8km, chị trở về làm cho công ty thủy sản, với thu nhập khoảng 7 triệu/tháng. Nhiều anh, chị em trong gia đình cũng ở lại quê lao động trong khu công nghiệp:
“Chị đi làm trên thành phố thấy không xong mới trở về làm ở đây. Ở trên đó không dư, bon chen quá trời, còn con cái thì bỏ liu chiu. Công ty dưới này mở gần thì về, sáng đi làm chiều về. Chồng ở nhà ruộng vườn phụ thêm, kiếm cá, rau vườn phụ thêm, ít phải mua đồ ăn thì khỏe, có dư.”
Xã Đông Phước A có 8.200 người trong độ tuổi lao động, bên cạnh những lao động gắn bó với nghề nông, có khoảng 4.900 lao động đang làm việc ổn định trong 2 khu công nghiệp Tân Phú Thạnh và Sông Hậu cách xã trên dưới 10km. Trong số đó, có nhiều người đã từng đi làm trên các tỉnh vùng Đông Nam bộ trở về. Bà Lê Thị Bích Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phước A nêu rõ:
“Khi chưa có doanh nghiệp ở địa phương thì người dân phải đi làm ăn xa. Ở địa phương khi mà phát triển rồi thì ở tại nhà, có thời gian chăm sóc đối với các con hơn, nói chung là học hành tiến bộ hơn ngày xưa.”
Khu Công nghiệp Sông Hậu đang giải quyết việc làm cho gần 9.400 lao động; còn Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh đang tạo công ăn việc làm cho trên 15.300 người. Nhờ đó, tại các huyện Châu Thành, Châu Thành A của Hậu Giang, nhất là các xã càng gần các khu công nghiệp càng không có cảnh làng quê heo hắt. Câu chuyện phát triển khu công nghiệp của Hậu Giang là bài học đáng quan tâm khi mạnh dạn đưa các khu công nghiệp về các huyện để tạo công ăn việc làm, giảm tỷ suất di dân, xây dựng khu vực nông thôn là nơi đáng sống.
Vùng ĐBSCL là một trong 3 khu vực có lực lượng lao động đông nhất, là nơi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho doanh nghiệp với chi phí ở mức cạnh tranh với các vùng kinh tế. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ và có trình độ đại học thấp nhất cả nước. Thực tế tại tỉnh Long An – địa phương dẫn đầu vùng ĐBSCL trong phát triển công nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI luôn thiếu hụt lao động chất lượng cao.
Theo ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, nguồn nhân lực của vùng ĐBSCL đang vừa thừa, vừa thiếu. Thừa nhiều lao động phổ thông nhưng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao do di cư sang khu vực khác, nhất là khu vực miền Đông Nam Bộ, bởi cơ hội việc làm tốt hơn. Vì vậy, các địa phương trong vùng cần xác định lợi ích KT-XH của vùng là ưu tiên chính:
“Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lại nền kinh tế vùng ứng dụng, chuyển đổi ứng dụng, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số để thiết kế, chia sẻ dữ liệu kết nối liên thông. Nhằm thực hiện cộng sinh công nghiệp dựa trên mô hình kinh tế tuần hoàn trong các KCN sinh thái, đóng vai trò là động lực tăng trưởng và phát triển công nghiệp vùng ĐBSCL bền vững trong thời gian tới.”
TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển ĐBSCL thuộc Trường ĐH Cần Thơ cho rằng, một trong những điều kiện quan trọng để thu hút được các nhà đầu tư là phải giữ chân được nguồn nhân lực chất lượng cao. Với việc Chính phủ đang dồn lực đầu tư vào ĐBSCL để thúc đẩy kinh tế – xã hội, hứa hẹn sẽ tạo ra “làn sóng” để doanh nghiệp tìm hiểu, hợp tác, đầu tư:
“Vấn đề quan trọng là tạo ra nền tảng để phát triển kinh tế trong nội vùng cho tốt, lúc đó tự nhiên lao động đi sẽ quay về và nhiều lao động có chất lượng cao ở chỗ khác sẽ quay về. Tôi cũng tin tưởng rằng ĐBSCL trong tương lai thay đổi diện mạo theo hướng tích cực.”
Trong quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đề ra mục tiêu phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế. Đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc, khoảng 4.000 km đường quốc lộ, 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện kinh tế, xã hội TP. Cần Thơ cho rằng, có hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại là cơ hội để các địa phương thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Các địa phương cần quan tâm thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực có lợi thế và là xu thế như: công nghiệp, logistics, năng lượng và kinh tế số:
“Để giữ chân người lao động tại các địa phương thì chính quyền địa phương cũng cần quan tâm, các tiềm năng và thế mạnh của địa phương mình. Từ đó, đặt ra các nhu cầu về kêu gọi đầu tư, xây dựng nên cơ chế chính sách để thu hút các cái nhà đầu tư và giữ chân người lao động.”
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI ĐBSCL phân tích, thời gian qua Chính phủ đã đầu tư rất lớn vào vùng ĐBSCL để thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp đầu đàn đến đầu tư. Nguyên nhân phải chăng đến từ cách điều hành, môi trường đầu tư, chương trình quảng bá, xúc tiến chưa hấp dẫn các doanh nghiệp?
Ông Lam dẫn chứng hiệu quả thu hút đầu tư của Long An và Hậu Giang để thấy những địa phương có cách làm mới, tính năng động đã làm thay đổi “cục diện”. Kinh nghiệm của 2 tỉnh này là mở rộng cửa, tập trung quy hoạch, đầu tư hạ tầng giao thông, đào tạo nguồn nhân lực, đối thoại, tháo gỡ khó khăn, bức xúc của nhà đầu tư, doanh nghiệp đã tạo “điểm nhấn” trong mắt doanh nghiệp. Để dân không đi, cần có doanh nghiệp đến nhưng để có doanh nghiệp thì thật sự phải có môi trường đầu tư thật tốt:
“Chúng ta cứ kỳ vọng tập trung vào những nhà đầu tư lớn để khai thác, đây là một cái điều kiện cần nhưng để giải quyết câu chuyện của xã hội, của địa phương thì rất cần phát triển những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những doanh nghiệp nhỏ và vừa thì cần phải có môi trường thuận lợi, môi trường tốt hơn, chính sách ưu tiên. Từ đó, người dân, doanh nghiệp họ có điều kiện phát triển và như vậy nhiệm vụ chính của doanh nghiệp tham gia vào thị trường lao động, họ giải quyết được việc làm.”
Để thu hút được doanh nghiệp cần có hạ tầng, nhất là giao thông; cần đào tạo và giữ chân nguồn nhân lực; bên cạnh đó là cơ chế, chính sách đủ hấp dẫn, môi trường đầu tư đủ thông thoáng; Vấn đề xác định những thế mạnh để liên kết cùng phát triển giữa các tỉnh trong vùng cũng rất cần thiết.
Những năm gần đây, vùng ĐBSCL ngày càng được quan tâm đầu tư nhiều hơn. Nhất là, từ khi Bộ Chính trị có Nghị quyết số 13 vào năm 2022 về “Phương hướng phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Chính phủ càng thúc đẩy các động lực để phát triển ĐBSCL. Trong đó, rõ ràng hạ tầng giao thông vùng đang được quan tâm đầu tư, hứa hẹn nhiều cơ hội bứt phá.
Trong bối cảnh vẫn phải chờ “đòn bẩy” từ các tuyến cao tốc, các địa phương trong vùng cần chuẩn bị sẵn nội lực, tâm thế và chứng minh “tính hấp dẫn” để hút các doanh nghiệp đầu tư. Chỉ khi có sự “chuyển mình” như vậy thì vùng đất Chín rồng mới thực sự phát triển bền vững và câu chuyện “chảy máu” lao động, làng quê đìu hiu, khoảng trống lòng người và bước lùi kinh tế mới được giải quyết. Từ đó, có thêm thật nhiều làng quê đáng sống.