Từ di sản đến sáng tạo: Hà Nội khai thác nguồn tài nguyên văn hóa

Nguồn tài nguyên dồi dào

Hà Nội được biết đến là “Thành phố di sản”, với 5.922 di tích lịch sử, văn hóa.

Trong số này có 1 di sản văn hóa thế giới là Hoàng thành Thăng Long. Hà Nội cũng có số Di tích quốc gia đặc biệt lớn nhất cả nước, gồm 21 di tích và cụm di tích, với những di tích được trong nước và quốc tế biết đến như: Hồ Hoàn Kiếm – đền Ngọc Sơn, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, thành cổ Cổ Loa, chùa Hương, chùa Thầy…

Kho tàng văn hóa phi vật thể của Hà Nội cũng giàu có nhất cả nước, với 1.793 di sản. Những lễ hội lớn như hội chùa Hương, hội Gióng, hội Cổ Loa, hội đền Và… hàng năm thu hút hàng chục nghìn khách thập phương.

Hà Nội còn là “đất trăm nghề”, là địa phương có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu, có khoảng 70 không gian sáng tạo và 1.095 lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang bản sắc văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng, gắn liền với những câu chuyện lịch sử trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Nét văn hoá thôn quê của Đường Lâm là yếu tố “hớp hồn” du khách.

Nét văn hoá thôn quê của Đường Lâm là yếu tố “hớp hồn” du khách.

Ngoài ra, khu vực nội đô còn có hệ thống di sản kiến trúc đặc sắc, nhất là các biệt thự cổ, khu phố Pháp…

Đây là nguồn lực vô cùng phong phú để có thể khai thác, phát huy, không chỉ phục vụ công tác bảo tồn di sản, mà có thể thu lại nguồn lợi từ chính lợi thế này.

Từ lâu, Hà Nội luôn xác định, văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng một Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại. Bởi vậy, trong nhiều năm qua, thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, coi văn hóa là động lực, là một trong các nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.

Nhận thức được tầm quan trọng của tài nguyên di sản, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để khai thác nguồn tài nguyên này trong phát triển kinh tế.

 Đặc biệt, năm 2019, Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực Thiết kế. Đây chính là một trong những nền tảng để Hà Nội phát huy nguồn lực văn hóa, tiếp thêm sức sáng tạo cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khai thác di sản góp phần xây dựng Thủ đô phát triển.

Để các nguồn lực văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng và hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô, cần có đột phá trong tư duy phát triển cũng như cơ chế, chính sách. Trong những năm qua, Hà Nội đã có những thay đổi nhất định về cơ chế, chính sách khai mở cho văn hóa và công nghiệp sáng tạo, tuy nhiên sự thay đổi vẫn chưa đủ. Điều đó đòi hỏi Hà Nội phải tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu các giải pháp hợp lý nhất nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

Mọi hạng mục trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám đều được “biến hình” để mang những thông điệp về văn hoá Việt.

Mọi hạng mục trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám đều được “biến hình” để mang những thông điệp về văn hoá Việt.

Sáng tạo để đánh thức di sản

Di sản là nguồn tài nguyên quan trọng và gần như vô tận. Đó là thế mạnh của Hà Nội trong phát triển công nghiệp văn hóa. Song, để trở thành những sản phẩm thì cần quá trình khai thác, sáng tạo.

Nhiều năm qua, Hà Nội chú trọng việc kết nối nguồn lực văn hóa với sáng tạo và sản xuất để tạo nên các giá trị thặng dư, phát huy vai trò, vị thế nguồn lực văn hóa đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô. Thành phố đang từng bước khai thác một cách hiệu quả các di sản văn hóa cho phát triển du lịch, từ việc xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, sản xuất đồ lưu niệm dựa trên các di sản đặc trưng, làm bối cảnh cho các sản phẩm phim ảnh, ca nhạc…

Nổi bật trong đó là việc cho ra đời các sản phẩm du lịch đêm. Đó là, di tích Nhà tù Hỏa Lò với 3 chương trình tour đêm mang tên “Đêm thiêng liêng” với các chủ đề khác nhau, về sự hy sinh của phụ nữ hay các thế hệ thanh niên trước kia; Hoàng thành Thăng Long với tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”; Văn Miếu – Quốc Tử Giám với tour “Tinh hoa đạo học”; di tích đền Ngọc Sơn với tour “Ngọc Sơn – Đêm huyền bí”…

Đường Lâm vẫn còn giữ được những kiến trúc cổ xưa.

Đường Lâm vẫn còn giữ được những kiến trúc cổ xưa.

Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố Hà Nội đã có tới 20 tour du lịch đêm khai thác các giá trị di sản trên địa bàn. Du khách tham gia tour đêm không chỉ trải nghiệm không gian di tích về đêm mà còn “tiêu thụ” các giá trị lịch sử, văn hóa của di sản thông qua các câu chuyện được xây dựng một cách độc đáo.

Chính sự độc đáo đó nên nhiều sản phẩm du lịch di sản có sức hút lớn đối với du khách. Ví dụ như sản phẩm du lịch “Ngọc Sơn – Đêm huyền bí” dù mới ra mắt nhưng luôn thu hút đông du khách.

Giám đốc Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn (đơn vị quản lý di tích đền Ngọc Sơn) cho rằng, việc khai thác hệ thống di tích góp phần phát triển du lịch được Hà Nội thực hiện hiệu quả từ nhiều năm qua. Nguồn thu từ hoạt động này góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của Thủ đô.

Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) vốn là nơi lưu giữ các đặc trưng của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ; đồng thời là điểm du lịch hấp dẫn ở phía Tây Hà Nội. Để tạo bước đột phá, hoạt động của du lịch Đường Lâm có nhiều đổi mới.

Hiện nay, xã phối hợp Ban quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm triển khai chương trình “Đêm làng cổ” để khách du lịch có thể trải nghiệm nhiều nét đẹp văn hóa, lối sống, ẩm thực của người dân làng cổ, từ đó, “giữ chân” khách du lịch ở lại Đường Lâm dài ngày hơn, thay vì chỉ du lịch trong ngày như trước đây. Thị xã Sơn Tây cũng triển khai hiệu quả nhiều hoạt động hỗ trợ người dân về cách làm du lịch, cách tạo ra sản phẩm quà lưu niệm… Điều đó giúp cư dân Đường Lâm từng bước “làm du lịch” một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn

Bí thư Đảng ủy xã Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo

Những hoạt cảnh trong tour đêm tại tích Nhà tù Hoả Lò tạo sức hấp dẫn mới cho di tích.

Những hoạt cảnh trong tour đêm tại tích Nhà tù Hoả Lò tạo sức hấp dẫn mới cho di tích.

Đối với nhóm lễ hội, Hà Nội vốn có nhiều lễ hội lớn, là tâm điểm của các hoạt động du lịch đầu xuân. Song song tiếp tục bảo tồn, phát huy những lễ hội vốn quen thuộc với cộng đồng, nhiều lễ hội được phục dựng theo các nghi lễ truyền thống như lễ hội chùa Láng, lễ hội đền Đồng Cổ không chỉ bảo tồn giá trị cũ mà còn hấp dẫn du khách gần xa.

Bên cạnh đó, nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể như ca trù, chầu văn, rối nước đang được sân khấu hóa phục vụ khách du lịch. Vở thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” của Khu du lịch Tuần Châu – Quốc Oai đã chuyển tải thành công các loại hình di sản quan họ, ca trù, chầu văn…lên sâu khấu thực cảnh, hấp dẫn du khách.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, hệ thống các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là nguồn tài nguyên, nguồn vốn văn hóa tạo nên động lực, nguồn lực nội sinh cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô. Việc khai thác hệ thống di tích góp phần phát triển du lịch, nguồn thu từ hoạt động này đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của Thủ đô.

Nếu như trước đây, việc phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế sáng tạo chủ yếu tập trung vào du lịch thì hiện nay, các sản phẩm ngày càng đa dạng, từ nghệ thuật biểu diễn, sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho đến văn hóa ẩm thực… Điều đó giúp cho nguồn tài nguyên di sản ngày càng có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *