Mùa mua sắm cuối năm đã bắt đầu, đây đồng thời cũng là thời điểm cuộc đua chạy KPI diễn ra khốc liệt trong tất cả các ngành nghề, và giới gian thương, tất nhiên, cũng sôi nổi nhập cuộc. Vừa qua, Cục An toàn Thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra rất nhiều cảnh báo về sự gia tăng của các chiêu trò lừa đảo mới, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội.
“Bùng nổ” các chương trình siêu khuyến mãi tới 70%
Từ đầu tháng 10/2024 đến nay, người dùng mạng xã hội Facebook thường xuyên bắt gặp loạt quảng cáo tai nghe Marshall, Samsung, nước hoa Le Labo… giảm giá tới 70% vì các lí do như: mừng khai trường cơ sở mới, đóng cửa – rút khỏi thị trường Việt Nam… Để tạo niềm tin với người tiêu dùng, kẻ xấu đã giả mạo nhiều Fanpage nổi tiếng với ảnh đại diện, ngôn ngữ, có đường dẫn tới web mua hàng rồi đồng loạt chạy quảng cáo, khiến người dùng lầm tưởng các nhãn hàng nổi tiếng thực sự có chiến dịch khuyến mãi dịp cuối năm.
Có thể thấy, trên trang Facebook “Hóng Biến ShowBizz” đăng tải nội dung “Marshall chính thức dừng hợp tác với P.Diddy sau hàng loạt cáo buộc nghiêm trọng, đồng thời giảm giá 75% đối với dòng loa từng hợp tác thay cho lời xin lỗi đến khách hàng”, kèm theo đó là hình ảnh nam rapper P.Diddy và một số sản phẩm loa mang nhãn hiệu Marshall.
Nhiều trang Facebook khác như “Hóng Biến 24h”, “Marshall Store Việt Nam”, “Marshall store”, “Tiin Việt” cũng đăng tải hình ảnh và nội dung tương tự. Dưới mỗi bài đăng sẽ có đường link dẫn đến web bán hàng. Các website này chủ yếu là các sản phẩm loa giảm giá, số điện thoại đặt hàng, không có địa chỉ cụ thể và quan trọng hơn là các website này không đăng ký với hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương.
Ví dụ điển hình khác là fanpage giả mạo có tên “SamCenter Việt Nam”, nơi quảng cáo chương trình giảm giá khủng cho sản phẩm tai nghe Galaxy Buds 2 Pro. Quảng cáo cho biết rằng chỉ với 599.000 đồng, khách hàng có thể sở hữu sản phẩm vốn có giá gốc lên tới 4.990.000 đồng.
Hình ảnh minh họa cho thấy cảnh đông đúc khách hàng xếp hàng chờ mua sản phẩm, tạo cảm giác khan hiếm và hấp dẫn. Tuy nhiên, chỉ sau vài giờ, fanpage này lại tiếp tục thông báo rằng đã bán hết 5.000 chiếc tai nghe, lập kỷ lục mới. Website giả mạo cũng được thiết kế rất chuyên nghiệp, với thông tin chi tiết về sản phẩm cùng hình ảnh sinh động, khiến người tiêu dùng dễ bị lừa.
Không chỉ vậy, các thương hiệu khác như Le Labo cũng không thoát khỏi tình trạng này. Các fanpage giả mạo đã được tạo ra với giao diện giống hệt trang chính thức của Le Labo. Những trang này thường quảng cáo các sản phẩm nước hoa cao cấp với mức giá rẻ bất ngờ, kèm theo các chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
Ví dụ, một fanpage “Hóng hớt 247 News” đã đăng tải thông tin hãng nước hoa Le Labo đồng loạt giảm giá do chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam, bao gồm cả những chia sẻ của “ông chủ Le Labo” và lời cam kết “hoàn tiền gấp 10 lần nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái”. Phía dưới bài đăng là hàng loạt bình luận mua hàng, “đập hộp” chai nước hoa hằng mơ ước mang tính kích thích tiêu dùng.
Là người thích nước hoa, chị Mai Anh (Tp. Vũng Tàu) cho biết, cách đây ít ngày, trong khi lướt facebook, thấy nhiều trang quảng cáo nội dung về Le Labo giảm giá. Nghĩ là thật nên chị Mai Anh đã đặt mua một sản phẩm, và vô cùng thất vọng về chất lượng: “Từ thông tin quảng cáo trên facebook, tôi có đặt mua một chai Another 13 loại 50ml với giá chỉ 900.000 đồng, trong khi giá tại các cửa hàng là không dưới 5 triệu đồng/chai. Nghĩ rằng mua được món hời, nhưng khi nhận được sản phẩm thì tôi thật sự thất vọng. Nước hoa sặc mùi cồn và bay hơi hết chỉ sau 15 phút. Tôi có liên lạc lại với nhân viên tư vấn thì thấy đã bị chặn số, lúc này mới biết mình đã bị lừa.”
Những lưu ý để không trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo
Để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo mạo danh những thương hiệu lớn, Cục An toàn thông tin đưa ra các lưu ý sau với người dùng:
Trước hết, người dùng cần tỉnh táo khi chọn mua các sản phẩm giảm giá của các hãng công nghệ được quảng cáo trên Facebook, bởi các chương trình giảm giá sẽ được thông báo trên website chính thức của hãng.
Khi nghi ngờ về tính xác thực của chương trình khuyến mãi, người dùng cần liên hệ trực tiếp với bộ phận chăm sóc khách hàng của thương hiệu để xác minh.”Các chương trình khuyến mãi quá tốt và hấp dẫn thường là dấu hiệu của lừa đảo”, Cục An toàn thông tin cho biết.
Người dùng cũng không nên truy cập vào các liên kết được gửi qua tin nhắn, email, hoặc mạng xã hội khi không chắc chắn về tính xác thực. Việc này sẽ giúp tránh bị các đối tượng xấu chiếm quyền kiểm soát thiết bị và chiếm đoạt tài sản.
Không cung cấp thông tin cá nhân hoặc thông tin tài chính. Bởi lẽ, các thương hiệu uy tín sẽ không yêu cầu người dùng cung cấp những thông tin nhạy cảm như mật khẩu, số thẻ tín dụng, hoặc mã OTP để được khuyến mãi.
“Ngoài ra, khi gặp phải tình huống nghi ngờ là lừa đảo, hãy báo cáo ngay cho cơ quan chức năng hoặc thương hiệu bị giả mạo để họ có thể có biện pháp xử lý kịp thời”, Cục An toàn thông tin khuyến nghị.
Theo TNV
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!
https://thanhnienviet.vn/cuoc-dua-chay-kpi-cuoi-nam-khi-cac-gian-thuong-cung-rom-ra-nhap-cuoc-gia-mao-cac-thuong-hieu-lon-tung-uu-dai-soc-de-lua-khach-ham-re-209241218105831527.htm