Niềm vui chưa trọn vẹn: Xóm tái định cư vạn chài ven sông Lam mòn mỏi chờ bìa đỏ

Niềm vui chưa trọn vẹn

Nhiều năm nay, mỗi lần gia đình có việc cần đến số tiền lớn, ông Trần Văn Quang (73 tuổi, xã Đặng Sơn, Đô Lương), lại phải mang cuốn sổ nhận trợ cấp chất độc màu da cam đi thế chấp để vay tiền. “Nhà không có gì để thế chấp được, đành phải mang cuốn sổ đó đi. Nhưng mỗi lần người ta cũng chỉ cho vay vài chục triệu thôi. Không vay nhiều được”, ông Quang nói.

Ông Quang là 1 trong 68 hộ dân vạn chài sống trên sông Lam, được cấp đất tái định cư, lên bờ sinh sống từ năm 2012, nhưng cho đến nay, những thửa đất này vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ).

“Tôi ngày xưa có đi bộ đội gần 6 năm, được hưởng trợ cấp chất độc màu da cam mỗi tháng 3 triệu đồng. Vì thế trong xóm vẫn thuộc diện còn khá, còn những hộ khác, muốn có vốn làm ăn, đặc biệt là con cái muốn đi xuất khẩu lao động chẳng biết vay vốn ở đâu. Chỉ mong sớm được cấp bìa đỏ, để có thể dễ dàng vay vốn”, ông Quang nói thêm.

Ông Quang lên bờ tái định cư 12 năm nay.
Ông Quang lên bờ tái định cư 12 năm nay nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: Tiến Hùng

Cũng như các hộ dân khác trong xóm vạn chài, ông Quang nhiều đời mưu sinh bằng nghề đánh cá trên sông Lam. Họ sinh sống trên thuyền, hình thành nên những xóm nhỏ, thường neo đậu gần khu vực đập bara Đô Lương. Theo ông Quang, sống trên sông nước, các gia đình chỉ mải tìm cái ăn, trẻ em hầu hết không được đi học. Con cái vì thế lớn lên cũng chỉ quanh quẩn ở cái xóm vạn chài, nối tiếp nghề của bố mẹ.

“Sống lênh đênh trên sông nước khổ lắm, đặc biệt là mỗi lần mưa bão. Chính vì vậy, khi được chính quyền bố trí tái định cư, ai nấy cũng phấn khởi. Ít ra thì đời con cái mình đã không phải bám lấy con thuyền để mưu sinh nữa”, ông Quang kể.

Đó là năm 2012, 68 hộ dân vạn chài được chính quyền cấp mỗi hộ từ 150m2 đến 170m2 đất ở xóm 5 (xã Đặng Sơn), để an cư. Ông Ngô Văn Lợi (65 tuổi) kể rằng, sau khi lên bờ, ông được tin tưởng bầu giữ chức xóm trưởng của xóm vạn chài. Từ 68 hộ, sau 12 năm, đến nay cả xóm đã có gần 100 hộ. “Nhiều hộ con cái lập gia đình, ra ở riêng hết rồi. Tuy nhiên, vì không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên muốn chia đất cho con ở riêng cũng không được”, ông Lợi nói.

Một góc xóm vạn chài
Một góc xóm vạn chài. Ảnh: Tiến Hùng

Theo ông Lợi, trước đây người dân vạn chài quanh năm phải bám thuyền, mỗi khi nhìn lên bờ thấy những gia đình lên đèn quây quần đầm ấm bên nhau, ai nấy đều khát khao có một mảnh đất ở, để con cháu sau này không phải lênh đênh giữa sông nước. Vì vậy, khi được cấp đất, người dân đều rất phấn khởi.

“Trước đây, ở dưới thuyền vì áp lực cuộc sống, nên hầu hết trẻ em rất ít học. Phần lớn chỉ đủ để biết con chữ là thôi. Nhưng khi lên bờ thì đến nay, cả xóm đã có 3 cháu học đại học rồi. Cũng nhờ được cấp đất an cư mà bây giờ, mỗi khi mưa bão về không còn thấp thỏm phải lo lật thuyền. Con trẻ lại thuận lợi việc tới trường”, ông Lợi nói và cho hay, do không có đất để sản xuất nông nghiệp, nên dù đã an cư trên bờ, nhưng nhiều hộ đến nay vẫn phải bám lấy cái nghề đánh cá trên sông. Một số thì đi làm thuê ở các mỏ cát. Những năm gần đây, nhiều thanh niên mong muốn được đi xuất khẩu lao động, nhưng cũng rất khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn.

Cũng theo ông Lợi, là xóm trưởng từ những ngày đầu lên bờ nên ông chứng kiến quá trình cấp đất được tiến hành rất sơ sài. “Chẳng có giấy tờ, thủ tục gì cả. Cứ lên bốc thăm, ai trúng vị trí nào thì ở đó cho đến nay”, ông Lợi kể.

Ông Lợi kể rằng, quá trình cấp đất được tiền hành rất sơ sài
Ông Lợi kể rằng, quá trình cấp đất được tiến hành rất sơ sài. Ảnh: Tiến Hùng

Không rõ chủ đầu tư?

Ông Bùi Nguyên Hải – Chủ tịch UBND xã Đặng Sơn cho biết, người dân ở xóm vạn chài từ lâu đã có ý kiến mong được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. “Tuy nhiên, mới đây chúng tôi rà soát thì không thấy các quyết định giao đất khi những hộ này được lên bờ. Về vấn đề này, chúng tôi cũng đã có tờ trình gửi lên UBND huyện”, ông Hải nói.

Còn ông Trấn Văn Hiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết, sau khi nhận được tờ trình của xã Đặng Sơn, huyện cũng rà soát khắp các phòng ban nhưng không tìm thấy các hồ sơ, thủ tục liên quan việc cấp đất tái định cư cho 68 hộ dân vạn chài.

“Chúng tôi cũng đã xuống các sở, ngành để lục tìm nhưng không tìm thấy. Vì vậy, UBND huyện mới đây đã có 2 văn bản xin ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh”, ông Hiến nói.

Theo ông Hiến, dự án xây dựng khu tái định cho các hộ dân vạn chài trên sông Lam ra khỏi vùng thiên tai lũ lụt xã Đặng Sơn, đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt từ năm 2009, với tổng mức đầu tư gần 6,5 tỷ đồng. Sau khi khu tái định cư được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xong, thì các hộ được giao đất tại thực địa để sử dụng. Theo bản đồ địa chính xã Đặng Sơn, được đo đạc mới vào năm 2017, thì hiện trạng 68 hộ dân này đang sử dụng 11.345m². Theo quy hoạch sử dụng đất của huyện Đô Lương đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt thì vị trí giao đất tái định cư cho 68 hộ dân được quy hoạch vào mục đích đất ở tại nông thôn.

“Mặc dù 68 hộ dân đã được giao đất tái định cư tại thực địa năm 2012, nhưng hiện nay chưa có quyết định giao đất, biên bản giao đất tại thực địa, chưa có mặt bằng phê duyệt quy hoạch chi tiết chia lô đất ở tái định cư của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, vì vậy chưa có cơ sở để xác định diện tích đã được giao cụ thể cho các hộ dân để làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, ông Hiến cho biết.

Tháng 7/2024, UBND huyện Đô Lương đã có văn bản xin ý kiến UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường để xử lý vướng mắc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 68 hộ dân làng chài. Tuy nhiên, sau đó huyện không nhận được phản hồi. Đến cuối tháng 11/2024, UBND huyện Đô Lương tiếp tục có văn bản tương tự.

Đã lên bờ an cư nhưng do không có đất nông nghiệp để sản xuất, nhiều hộ xóm vạn chài vẫn giữ lại thuyền để mưu sinh trên sông nước
Đã lên bờ an cư nhưng do không có đất nông nghiệp để sản xuất, nhiều hộ xóm vạn chài vẫn giữ lại thuyền để mưu sinh trên sông nước. Ảnh: Tiến Hùng

Trong văn bản này, lãnh đạo UBND huyện Đô Lương đã xin ý kiến của UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường cho phép huyện rà soát theo hiện trạng sử dụng đất thực tế của các hộ, trên cơ sở bản đồ địa chính đo đạc năm 2017 của xã Đặng Sơn để làm cơ sở xác định diện tích xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho 68 hộ dân làng chài.

UBND huyện Đô Lương cũng đề nghị UBND tỉnh cho phép thu tiền sử dụng đất trước khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo diện tích đang sử dụng thực tế. Về nghĩa vụ tài chính, cho phép áp dụng nộp theo giá đất đã được phê duyệt tại bảng giá đất.

“Nguyện vọng của bà con là rất chính đáng, nhưng căn cứ pháp lý không có nên chúng tôi không thể làm được”, ông Trần Văn Hiến nói thêm.

Căn nhà của ông Quang ở xóm tái định cư
Căn nhà của ông Quang ở xóm tái định cư. Ảnh: Tiến Hùng

Tuy nhiên, trong các văn bản của UBND huyện Đô Lương cũng như tờ trình của UBND xã Đặng Sơn, đều không nêu chủ đầu tư của dự án tái định cư này là đơn vị nào. Khi được hỏi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Đặng Sơn cho biết, dự án triển khai trước khi ông làm lãnh đạo xã nên không nắm được. “Sau khi hỏi lãnh đạo xã tiền nhiệm thì tôi được biết, dự án tái định cư này do Sở Nông nghiệp và Phát triển làm chủ đầu tư”, ông Hải nói.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Cường – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đô Lương cho rằng, chủ đầu tư của dự án tái định cư làng chài Đặng Sơn không phải huyện. “Chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc đơn vị nào đó trực thuộc Sở”, ông Cường nói.

Còn ông Trần Văn Hiến – Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay, chủ đầu tư của dự án này là Chi cục Phát triển nông thôn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong khi đó, ông Lê Văn Lương – Chi cục trưởng Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đơn vị từ trước tới nay không làm chủ đầu tư dự án nào ở xã Đặng Sơn. Sau khi được phóng viên cung cấp những thông tin của dự án để rà soát, ông Lương cho biết, kết quả kiểm tra cho thấy “dự án này do UBND huyện Đô Lương làm chủ đầu tư”./.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *