“Cơn ác mộng” của dân công nghệ – Ảnh: workforcesouthplains.org
Thị trường việc làm của Mỹ, nhìn qua các số liệu kinh tế, dường như vẫn duy trì được sức sống. Tuy nhiên, ẩn sâu bên trong bề ngoài ổn định ấy là một thực tế ảm đạm đối với “dân văn phòng”, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.
Câu chuyện của Jon Bach, một quản lý kỳ cựu với 13 năm gắn bó cùng eBay, là một minh chứng rõ nét cho “cơn bão” suy thoái đang âm thầm càn quét thị trường việc làm trong lĩnh vực công nghệ.
Sau khi bị sa thải hồi đầu năm nay, tự tin với kinh nghiệm 30 năm trong ngành và trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp kỷ lục, ông cho rằng việc tìm kiếm một công việc mới sẽ không quá khó khăn. Nhưng thực tế lại phũ phàng hơn nhiều. Hơn 130 đơn ứng tuyển, hàng chục cuộc gọi từ chối, và không một lời đề nghị nào – Bach rơi vào vòng xoáy bất định, tự vấn về giá trị bản thân giữa cơn bão suy thoái việc làm.
Câu chuyện của Bach không phải là trường hợp cá biệt. Nó phản ánh một xu hướng đáng lo ngại: sự phân tầng rõ rệt trong thị trường việc làm. Trong khi nhóm lao động thu nhập thấp vẫn tìm được cơ hội việc làm tương đối dễ dàng, thì nhóm chuyên gia, quản lý cấp cao, với mức lương sáu con số trở lên, lại đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt và khan hiếm cơ hội.
Nói cách khác, một “cuộc suy thoái cổ cồn trắng” (white-collar – thuật ngữ chỉ những người làm ở môi trường văn phòng, bàn giấy với công việc thuộc các ngành như tài chính, hành chính, công nghệ thông tin…) đang âm thầm diễn ra, phủ bóng đen lên thị trường việc làm công nghệ.
Dữ liệu từ LinkedIn, nền tảng mạng xã hội tập trung vào lĩnh vực kinh doanh và việc làm, đã vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về sự suy thoái này. Theo đó, tỷ lệ tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ đã giảm mạnh trong thời gian qua. Cụ thể, lĩnh vực công nghệ thông tin ghi nhận mức giảm 27%, mảng đảm bảo chất lượng giảm 32%, mảng quản lý sản phẩm giảm 23%.
Đáng chú ý, ngay cả lĩnh vực kỹ thuật, vốn được coi là “lá chắn thép” trước những biến động kinh tế, cũng không tránh khỏi xu hướng này với mức giảm đáng kể 26%. Sự tương phản rõ rệt so với thời kỳ hậu đại dịch, khi các “ông lớn” công nghệ liên tục mở rộng quy mô và săn đón nhân tài, càng cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện tại.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự đảo chiều chóng mặt này? Một phần lý do đến từ chính sách tuyển dụng “quá tay” của các công ty công nghệ trong giai đoạn hậu đại dịch. Lo ngại trước làn sóng “từ chức hàng loạt”, họ đã đẩy mạnh tuyển dụng, dẫn đến tình trạng dư thừa nhân sự khi nền kinh tế bước vào giai đoạn khó khăn. Để cân đối lại đội ngũ, các công ty buộc phải thực hiện những biện pháp cắt giảm nhân sự, từ sa thải hàng loạt đến đóng băng tuyển dụng.
Một lý do khác khiến các công ty công nghệ giảm tuyển dụng là do nhân viên hiện tại của họ ít có xu hướng chuyển việc, thay vào đó họ tìm kiếm sự ổn định. Dữ liệu từ Visier, một nhà cung cấp phần mềm nhân sự, cho thấy tỷ lệ thôi việc tự nguyện tại các công ty công nghệ chưa đến 20% trong năm nay, giảm so với mức gần 27% của năm 2022.
Bên cạnh đó, sự phát triển thần tốc của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng là một yếu tố quan trọng tác động đến thị trường việc làm công nghệ. Các công cụ AI tiên tiến, như ChatGPT, đang giúp năng suất lao động tăng cao đáng kể, khiến các công ty ít có nhu cầu tuyển dụng thêm nhân sự. Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực lập trình. Google gần đây cho biết hơn 25% số lượng mã mới của họ hiện nay được tạo ra bởi AI.