Nghệ nhân hướng dẫn, truyền dạy dệt thổ cẩm cho thành viên Câu lạc bộ
Tại buổi lễ ra mắt, Ban tổ chức đã tặng các trang thiết bị, dụng cụ, vật tư gồm máy khâu, khung dệt… để hỗ trợ Câu lạc bộ tổ chức lớp truyền dạy dệt thổ cẩm và duy trì sinh hoạt trong thời gian tới. Trong thời gian 20 ngày, các học viên sẽ được nghệ nhân truyền dạy các kỹ năng dệt cơ bản, cách lên khung, xếp sợi để tạo hình hoa văn và tạo khổ dệt một sản phẩm cụ thể. Đây là hoạt động của Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Việc xây dựng Câu lạc bộ không chỉ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Ê Đê, mà còn động viên, khích lệ đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa, phát huy vai trò chủ thể trong việc nhân rộng mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống.
Dệt thổ cẩm là một nghề truyền thống có từ rất lâu đời, là nét đẹp đặc sắc của nhiều dân tộc. Đối với người Ê Đê, nghề dệt thổ cẩm thường do phụ nữ thực hiện, kế thừa qua nhiều thế hệ và được bảo tồn đến ngày nay. Mỗi sản phẩm được tạo ra với một quá trình dày công, chứa đựng sự tỉ mỉ, sáng tạo và những nét đẹp tâm hồn của người phụ nữ. Để tạo ra được một sản phẩm (áo, váy, khố, chăn…) phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau và mất khá nhiều thời gian, công sức. Quá trình tạo ra sản phẩm dệt được tiến hành theo từng bước, để bắt tay vào công việc người phụ nữ phải chuẩn bị đủ sợi bông đã nhuộm màu và phơi khô, màu nền và các màu để tạo ra hoa văn và 2 bộ công cụ chính là khung giăng sợi và khung dệt.
Với nghề dệt vải truyền thống, người phụ nữ Ê Đê thường sử dụng nguyên liệu chỉ dệt bằng sợi bông, sợi lanh trên rừng. Họ lấy vỏ hoặc lá của những loại cây rừng khác nhau, mang về đâm nhuyễn, sau đó cho sợi bông đã quay vào khuấy đều để sợi lên màu, mang phơi khô rồi dệt. Về nền vải, người Ê Đê thường chọn màu đen, tượng trưng cho đất; màu đỏ tượng trưng cho sự dũng cảm, sức mạnh siêu nhiên, khát vọng tình yêu; màu xanh tượng trưng cho màu của trời, sông, núi; màu vàng tượng trưng cho sự hài hòa, mơ ước, khát vọng trong cuộc sống. Hoa văn trang trí đường viền ở chân váy, cổ áo, tay áo có dạng hình thoi, tam giác được kết lồng vào nhau bằng nhiều hình ảnh chiêng, ché, hoa, chim, thú… thể hiện mối quan hệ cộng đồng giữa con người với con người và con người với thiên nhiên.
Điều đặc biệt ở nghề dệt truyền thống của người Ê Đê chính là khung dệt, đó là những bộ phận chuyên dùng đơn giản, tách rời nhau, được sử dụng trong quá trình tạo ra sản phẩm. Đầu tiên, họ giăng sợi dọc tạo thành thảm dài theo đường khép kín, khi giăng sợi xong, toàn bộ số sợi trên thảm dọc được xếp theo thứ tự hàng và nằm sát nhau, ở đầu trên cao của thảm sợi là cây păđ buộc chặt vào sàn nhà hoặc song cửa sổ. Còn cây msa ở đầu dưới thấp tạo thành mặt phẳng nghiêng có độ chênh 45 độ, được buộc dây vòng ra sau lưng của người thợ dệt, dựa vào một tấm gỗ có bề mặt cong. Trong khi dệt, người dệt ngồi ngay trên nền nhà hay ghế thấp hai chân duỗi thẳng về trước, đạp vào một thanh gỗ cố định nằm ngang, việc làm này giúp người dệt tự điều chỉnh độ căng của thảm sợi.
Hoa văn trên nền vải của các sản phẩm dệt được bố cục chặt chẽ theo chiều dọc tấm vải, với những mô típ hoa văn truyền thống về động vật, thực vật (dải cánh hoa, chim dang cánh…), về sinh hoạt nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng (dây treo chiêng, móc xích treo nhạc cụ, cột nhà mồ… ), về sinh hoạt kinh tế (hình hoa ngô, bẫy, nỏ)… Hoa văn không chỉ có tác dụng trang trí, mà còn giúp nhận biết được vị thế của người mặc trang phục đó trong xã hội. Người phụ nữ Ê Đê dệt thổ cẩm không chỉ phục vụ cho nhu cầu may mặc trong gia đình mà còn làm tặng phẩm cho người thân, những sản phẩm đẹp, độc đáo có thể trao đổi, mua bán.
Tại lễ ra mắt, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk Lại Đức Đại mong muốn các nghệ nhân nêu cao ý thức, trách nhiệm và lòng nhiệt huyết, truyền dạy những kinh nghiệm quý báu của mình cho các học viên. Câu lạc bộ dệt thổ cẩm sẽ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ lòng tự hào, tự tôn dân tộc và ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch. Từ đó khơi dậy ý thức bảo tồn nét đẹp văn hóa, góp phần bảo vệ và phát huy mạnh mẽ các giá trị di sản văn hóa dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
MINH HOÀNG