Nhiều hạt cát li ti trong tai bé trai

TP HCMBé An, ngứa, ù tai, ống tai sưng đỏ sau khi tắm biển một tuần, bác sĩ nội soi phát hiện hàng chục hạt cát li ti dính sát màng nhĩ gây viêm.

Ngày 6/11, ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh nhi đến khám trong tình trạng tai viêm, thỉnh thoảng đau nhói. Kết quả nội soi bằng ống mềm chuyên biệt cho trẻ phát hiện ống tai trái có rất nhiều hạt cát nhỏ li ti dính sát màng nhĩ. Các hạt cát gây phản ứng viêm tại chỗ, ống tai sưng đỏ, ngứa, ù tai.

Mẹ bé cho biết tuần trước cả nhà đi tắm biển, không nghĩ cát chui vào tai con. Khi bé đau nhức, ù tai, gia đình mới đưa đi khám.

Theo bác sĩ Hằng, ống tai bệnh nhi nhỏ, nhạy cảm, trẻ không hợp tác, khó đưa dụng cụ vào gắp dị vật. Không cẩn thận dễ làm tổn thương ống tai và màng nhĩ.

Bệnh nhi được gây mê bằng mặt nạ thanh quản trong 10 phút, lấy dị vật. Camera nội soi có khả năng phóng đại giúp quan sát rõ các cấu trúc màng nhĩ, kết hợp dụng cụ vi phẫu tai, bác sĩ lấy ra hàng chục hạt cát li ti trong ống tai. Kiểm tra sau thủ thuật, các cấu trúc trong tai nguyên vẹn, ống tai và màng nhĩ viêm nhẹ, tiếp tục điều trị bằng thuốc nhỏ tai.

Bác sĩ Hằng cho biết dị vật ở tai, mũi, họng thường gặp ở trẻ em dưới 8 tuổi như cao su, mút, giấy, hạt cườm, đồ chơi bằng nhựa, hạt bắp, côn trùng… Nhờ hệ thống trang thiết bị chuyên biệt, bác sĩ có thể lấy ra khỏi tai trẻ hầu hết dị vật dễ dàng.

Khi bé nhỏ không hợp tác, ba mẹ có thể ôm con theo tư thế an toàn mà bác sĩ hướng dẫn, có nhân viên y tế hỗ trợ. Bác sĩ dùng ống nội soi mềm, nhỏ, chuyên biệt cho trẻ khảo sát các cấu trúc giải phẫu sâu bên trong, rút ngắn thời gian nội soi, không gây khó chịu.

Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không nên cho trẻ chơi đồ chơi có kích thước nhỏ; tránh cho con tự bốc ăn các loại hạt; tách xương cá, thịt cẩn thận trước khi đưa cho trẻ. Bé tắm biển hoặc chơi với cát nên mang nút tai bảo vệ, phụ huynh quan sát và nhắc bé không đưa ngón tay dính cát vào tai, mũi.

Ba mẹ không tự ý lấy dị vật vì có thể làm trẻ đau, vô tình đẩy dị vật vào sâu hơn, thủng màng nhĩ và tổn thương các cấu trúc bên trong, gây điếc.

Khánh Ngọc

* Tên bệnh nhi đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *