Điểm chung của các phim truyền hình đa tuyến là có nhiều nhân vật trọng tâm. Mỗi nhân vật đều có số phận, câu chuyện riêng được xây dựng đầy đặn, có sự phát triển, thay đổi tâm lý theo thời gian chứ không phải qua loa hay xuất hiện chỉ nhằm phụ trợ tuyến chính.
“Gia đình mình vui bất thình lình” là những phim truyền hình đa tuyến nhân vật, thu hút khán giả. Ảnh chụp từ màn hình
Thu hút người xem
Nhiều phim truyền hình có kết cấu đa tuyến đang thu hút khán giả như: “Gia đình mình vui bất thình lình”, “Tình trạng: Đã ly hôn”, “Làng trong phố”, “Dâu bế mùa xưa”, “Món quà của cha”, “Không ngại cưới chỉ cần một lý do”… Trong phim, câu chuyện của các nhân vật đa tuyến khác biệt, không trùng lặp nhau nhưng đều xoay quanh đề tài chung như về tình cảm gia đình, tình yêu, tình bạn bè, tình làng nghĩa xóm, tình người…
Phim “Làng trong phố”, do NSƯT Nguyễn Mai Hiền đạo diễn, khai thác đời sống người lao động nghèo ở thành thị. Chuyện phim bắt đầu từ hồ nuôi cá của Mến (Doãn Quốc Đam đóng) và Hiếu (Duy Hưng) bị xã thu lại để san mặt bằng xây nhà máy. Trong khi Mến vẫn ở lại quê thì Hiếu quyết lên thành phố lập nghiệp cùng Hoài (Trần Vân đóng). Bên cạnh Mến và Hiếu, phim còn kể câu chuyện xóm trọ – nơi những người vì mưu sinh nên phải xa quê lên thành phố.
Phim “Gia đình mình vui bất thình lình”, do Nguyễn Đức Hiếu và Lê Đỗ Ngọc Linh đạo diễn, nội dung kể về gia đình ông Toại (NSND Bùi Bài Bình đóng) và bà Cúc (NSND Lan Hương) cùng 3 người con trai, 3 cô con dâu. Mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu, những khác biệt tính cách, lối sống và khoảng cách thế hệ khiến cuộc sống của gia đình luôn không bình yên. Ba cặp vợ chồng: Công (Quang Sự đóng) – Phương (Kiều Anh), Thành (Doãn Quốc Đam) – Hà (Lan Phương) và Danh (Thanh Sơn) – Trâm Anh (Khả Ngân) đều có những câu chuyện vui buồn riêng, tính cách, màu sắc khác biệt mà trong đó ai cũng là nhân vật chính.
Phim “Tình trạng: Đã ly hôn”, do Nguyễn Đức Nhật Thanh đạo diễn, kể về 4 anh em: Thanh Gia (Anh Đức đóng), Thanh Hòa (Thanh Hương), Thanh Như (Lương Thu Trang) và Thanh Ý (Thục Anh). Phim “Món quà của cha”, do Vũ Minh Trí đạo diễn, cũng là câu chuyện gia đình kể về ông Nhân (NSƯT Võ Hoài Nam đóng) cùng 3 người con: Trọng Nghĩa (Tuấn Tú đóng), Diệu Thảo (Nguyễn Ngọc Huyền) và Trọng Hiếu (Lưu Duy Khánh)…
Trước đây, phim đa tuyến cũng từng xuất hiện trên màn ảnh nhỏ Việt Nam nhưng không ồ ạt như hiện nay. Sự nở rộ của dạng phim này minh chứng rằng nhà làm phim luôn nỗ lực mang đến sự khác biệt, “đổi vị” cho khán giả.
Theo các nhà chuyên môn, phim đơn tuyến với câu chuyện xoay quanh một nhân vật chính đã trở nên xưa cũ. Câu chuyện phim dạng này dễ nhạt nhòa, gây nhàm chán cho khán giả. Nếu câu chuyện không hay hoặc diễn viên chính diễn không tốt thì rất khó thuyết phục người xem.
Với phim đa tuyến, câu chuyện không phụ thuộc hoàn toàn vào diễn viên nào nên nếu diễn viên của phim gặp phải sự cố bất ngờ thì nhà sản xuất vẫn có thể chủ động thỏa thuận cùng biên kịch, đạo diễn để điều chỉnh câu chuyện cho phù hợp.
“Phim đa tuyến mang đến nhiều góc nhìn khác nhau nên cũng tạo được sự sinh động, tránh nhàm chán cho khán giả theo dõi tác phẩm dài tập. Thêm vào đó, đa tuyến nên câu chuyện cũng khó đoán hơn và tạo được sức hút, tò mò với khán giả” – nhà biên kịch Kim Ngọc nhìn nhận.
“Làng trong phố” là những phim truyền hình đa tuyến nhân vật, thu hút khán giả. Ảnh chụp từ màn hình
Thách thức không nhỏ
Nhiều người trong giới cho rằng phim đa tuyến dễ mời diễn viên hơn bởi các diễn viên có nhiều đất diễn. Nhân vật của họ có số phận, đủ để thay đổi về tính cách, môi trường sống chứ không chỉ một màu hoặc tập trung phụ trợ cho tuyến chính như phim đơn tuyến. Diễn viên cũng có cơ hội cọ xát, trau dồi nghề khi phải nỗ lực diễn tốt nhân vật của mình, tránh tạo khoảng cách diễn xuất với những nhân vật khác.
Trong phim đa tuyến, khán giả có quyền chủ động trong việc yêu thích các nhân vật. Nếu nhân vật này khán giả thích nhưng về sau diễn xuống phong độ hoặc không còn đủ hấp dẫn thì có thể họ chuyển sang thích nhân vật khác cũng trong phim. Đây cũng là ưu điểm, giúp tăng sức hấp dẫn để nhà sản xuất làm phim đa tuyến vì có nhiều cơ hội giữ khán giả lại với phim thay vì chỉ có một diễn viên chính như trước.
Bên cạnh các ưu điểm, phim truyền hình đa tuyến cũng mang đến thách thức không nhỏ cho nhà làm phim, nhất là ở khâu kịch bản. Phim đa tuyến đa số xoay quanh đề tài về tình cảm gia đình, tình bạn; khó có thể xây dựng ở các đề tài đặc thù khác. Việc xây dựng một tác phẩm với nhiều tuyến chính không dễ, do phải cân bằng các câu chuyện được kể, không để bên này quá ít, bên kia lại quá nhiều vì như thế sẽ thành đơn tuyến.
“Trong phim đa tuyến sẽ có những câu chuyện chung một đề tài nhưng không trùng lặp, có sức hấp dẫn riêng nên cần sự sáng tạo cao của nhà biên kịch. Việc giữ cho toàn bộ câu chuyện xuyên suốt, liên kết, không bị ngắt mạch dẫn đến rời rạc cũng không dễ dàng” – nhà biên kịch Đông Hoa nhận xét.
Đạo diễn – NSƯT Phương Điền cho rằng phim truyền hình đa tuyến cần những câu chuyện liên kết chặt chẽ, mối quan hệ ràng buộc nhưng phải có nét đặc trưng, cuốn hút riêng, tạo sự hấp dẫn khác biệt. Ở mỗi giai đoạn phát triển của câu chuyện, khán giả cần cảm nhận được sự thay đổi của nhân vật, không một màu kiểu nhân vật ác thì ác từ đầu đến cuối hoặc hiền lành, xinh đẹp thì cứ hiền lành, xinh đẹp từ đầu đến lúc phim kết thúc.
“Dàn diễn viên cũng cần những người diễn xuất tốt, đều nhau để tránh dẫn đến tình trạng khán giả không thích tuyến nào đó trong phim vì diễn xuất của diễn viên. Đạo diễn cũng phải cân đối để kể câu chuyện đa tuyến không bị chông chênh – bên nặng, bên nhẹ” – NSƯT Phương Điền góp ý.
Tuy nhiều thử thách, khó khăn nhưng phim truyền hình đa tuyến được nhận định là giàu tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Bởi lẽ, khán giả thích những lớp chuyện đa dạng, nhiều xúc cảm vì sẽ tạo được sự mới lạ, hấp dẫn khi thưởng thức “món ăn tinh thần” tại nhà.
Nhiều người trong cuộc cho rằng cũng như các thể loại khác, phim đa tuyến nhân vật có những khó khăn, thách thức riêng. Song, có thử thách, cạnh tranh thì mới tạo nên sự phát triển. Trong đó, yếu tố sáng tạo nghệ thuật là một thách thức mà nhà làm phim cần phải vượt qua. |
Theo Minh Khuê/NLĐO