Có ngày không bán được gì
Tại chợ đêm An Thượng, ngày thường vắng đã đành nhưng cả cuối tuần, cả khu chợ đón được vài khách đếm trên đầu ngón tay. Khách thấy chợ vắng cũng ngại dừng lâu, một vài người có ghé gian hàng nào cũng chỉ xem lướt qua rồi rời đi.
Các tiểu thương ở đây cho hay, tình trạng ế ẩm đã kéo dài từ tháng 9 đến nay, nhiều gian hàng đã đóng cửa vì không bán được gì. Trước đó, một số gian hàng có trang bị loa phát nhạc, có các chương trình ca nhạc, biểu diễn hát lô tô, karaoke… cũng giúp không khí của chợ đêm nhộn nhịp hơn, thu hút khách.
Tuy nhiên, sau những kiến nghị của một số khách sạn quanh khu vực chợ đêm về việc loa hát ồn gây ảnh hưởng đến du khách nên các gian hàng đã không sử dụng loa nữa. Chợ đêm “tắt tiếng ca”, càng vắng lặng hơn.
Trong khi đó, xung quanh chợ đêm có nhiều quán bar, cà phê, quán ăn… lại đông đúc khách. Những nơi này được mở nhạc sôi động nên hấp dẫn hơn là chợ đêm vắng lặng.
Thêm nữa, tiểu thương ở đây cho rằng, đoạn đường triển khai chợ đêm bị khuất so với các đoạn đường xung quanh. Rồi vấn đề thời tiết, nhiều đợt mưa vào tháng 9, 10 khiến các gian hàng thường xuyên đóng cửa dẫn đến tình trạng vắng vẻ kéo dài.
Chị Hồ Hải Yến – nhân viên một gian hàng nước ép tại chợ đêm cho biết thời gian gần đây, khách càng ngày càng vắng. Chủ của gian hàng cũng cố gắng mở gian hàng để thu lại vốn. “Gian hàng của tôi mở cửa từ 18h đến 24h mỗi ngày, mỗi ngày chỉ bán được 100.000 – 300.000 đồng, có hôm không bán được ly nước nào. Như tối nay, đến gần giờ đóng cửa nhưng quán mới chỉ bán được 50.000, phục vụ được 2 khách” – chị Yến cho hay.
Mong chờ lấy lại vốn
Chợ đêm An Thượng nằm trên đường Trần Bạch Đằng (đoạn từ đường Lã Xuân Oai đến Hoàng Kế Viêm thuộc quận Ngũ Hành Sơn), khai trương từ ngày 15.7 với gần 40 gian hàng bán các mặt hàng ăn uống phục vụ khách du lịch và người dân địa phương.
Đến tháng 9,10, Đà Nẵng có nhiều đợt mưa liên tục nên các gian hàng không thể buôn bán. Sau gần 4 tháng hoạt động, nhiều gian hàng đã đóng cửa, chỉ còn khoảng 20 gian hàng còn hoạt động.
Được biết, các gian hàng tại đây đã đóng tiền thuê mặt bằng gian hàng trước 6 tháng, mỗi tháng 5 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi gian hàng đóng thêm 400.000 đồng tiền kho cất hàng nên các tiểu thương vẫn đang cố gắng mở cửa để mong có thể thu hồi lại vốn.
Chủ một gian hàng bán lưu niệm tại chợ – anh Phan Minh Hiếu cho biết, có những ngày anh không bán được món gì, dù là ngày cuối tuần cũng không khả quan hơn. “Nhưng do tiền mặt bằng đã trả nên tôi cũng chỉ mong bán được đồng nào thì đỡ lỗ đồng nấy” – anh Hiếu nói.
Gần đó, một số gian hàng massage chân cũng rơi vào cảnh tương tự. Có những khách đi dạo, nhân viên chưa kịp mời, khách đã đưa tay từ chối. Chủ của một gian hàng massage chân tại đây cho hay, nếu tình trạng này kéo dài thì họ cũng cân nhắc việc giảm bớt nhân viên hoặc đóng gian hàng vì lợi nhuận không đủ trả các chi phí.